Cây kế sữa



Khi nói về cây kế sữa (còn gọi là kế thánh, kế đức mẹ, cúc gai...) phải kể đến những dòng sữa trắng óng, mềm mại được tuôn ra (khi bạn vô tình vò nát những chiếc lá sáp có gai nhỏ). Truyền thuyết Châu Âu cho rằng, những vân trắng nổi trên bề mặt lá là vết tích những dòng sữa của Đức mẹ Đồng trinh nhỏ xuống. Vì thế, dòng sữa này có tác dụng dùng để kích sữa cho phụ nữ sau khi sinh. Hoa kế sữa rất đẹp và lạ, hạt của kế sữa cũng có nhiều công dụng.

Người La mã cổ đại từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên đã biết dùng cây kế sữa để giải độc trong trường hợp rắn cắn. Người Hy Lạp cổ đại cũng thường dùng kế sữa như một thần dược để chữa các bệnh về gan mật và bảo vệ gan khỏi các chất độc.

Một dược sĩ nổi tiếng thế kỷ 17 ở Châu Âu - Nicholas Culpeper - đã có những ghi chép rất cụ thể về việc dùng kế sữa để chữa cho những bệnh nhân bị nhiễm độc gan, lá lách, vàng da, bệnh gan mật... kế sữa còn được người dân bản xứ Địa Trung Hải, Nam Âu, Trung Đông, Bắc Phi... sử dụng từ 2000 năm trước dùng làm thuốc, làm rau ăn hàng ngày, đặc biệt hạt sau khi nướng còn làm đồ uống giống như cafe.

Với những tác dụng tuyệt vời, cây kế sữa thần kỳ đã có mặt hầu khắp các nước trên thế giới. Giờ đây ở Mỹ, có đến 1/3 dân số trưởng thành (khoảng 60 triệu người) sử dụng các thuốc bổ từ kế sữa một cách thường xuyên để chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa bệnh tật. Ở Châu Âu như Pháp, Đức, Italia, các sản phẩm này cũng đã được ưa chuộng và tin dùng từ lâu.

Nguồn http://tintuconline.com.vn/vn/khoe/239626/

Tháp cỏ may

Qua vườn, em ra đến đường làng, tung tăng đôi chân tới trường. Dọc hai bên đường dất là những vạt cỏ chạy dài, khá đều từ xanh đến vàng nhạt.

Đặc biệt, bãi cỏ may lại thoáng một màu tim tím. Từng bông hoa cỏ may như một cái tháp xinh xắn nhiều tầng. Ở mỗi nhánh tháp, trên đầu mỗi bông hoa cỏ may lại đính một hạt sương. Khó có thể tưởng tượng bàn tay tinh xảo nào có thể hoàn thành loạt loạt công trình đẹp đẽ, tinh tế đến vậy. Mỗi hạt sương được tính sao cho vừa đủ nhẹ để không bị rơi, vừa đủ nặng để không bị gió thổi bay mất. Mỗi chùm hoa cỏ may là một cái tháp dính đầy sương như thế.

Em đi qua đám cỏ may. Cúi xuống nhìn vô vàn hạt sương bắt đầu óng ánh đủ màu của ánh sáng ban ngày. Em rón rén đi qua, như sợ bước chân mình làm rung động và phá vỡ những xếp đặt kì diệu của thiên nhiên.

Và cứ thế, rồi nắng lên, nắng sẽ thu tất cả châu ngọc ấy để đêm về, lại cần mẫn thêu dệt, đính lên những tháp cỏ may, đón chào một buổi sớm huy hoàng.

Trích "Hương đồng cỏ nội"-Phạm Đức

Mimosa, cây lá bạc hoa vàng

Mimosa là loài hoa tiêu biểu trong họ Mimosaceae, được phát hiện ở châu Úc và đặt cho cái tên khoa học nghe rất du dương Acacia podalyriaefolia. Nó là một trong những thực vật ở Nam bán cầu được du nhập vào nước Pháp sớm nhất. Từ cuối thế kỷ 18, Mimosa đã được các nhà sản xuất hoa châu Âu chú ý. Cây có dáng đẹp, cành lá lấp lánh ánh bạc, hoa vàng rực rỡ nở rộ vào mùa xuân, đặc biệt có hương thơm ngai ngái bâng khuâng gợi nhiều kỷ niệm...

Mimosa biểu trưng cho những tình cảm chân thành và sự cảm thông. Nó đã đến cao nguyên Lang Biang ngay từ những năm đầu xây dựng. Một đồng nghiệp người Pháp đã gửi cho bác sĩ Yersin những giống hoa Mimosa và một số loài hoa từ quê nhà, để trên con đường khoa học gập ghềnh mà ông đã lựa chọn, ông sẽ luôn cảm thấy có những người bạn và cả nền y học Pháp ủng hộ mình...Yersin đã gửi những giống Mimosa và các loài hoa khác vào những trạm khảo cứu nông lâm để tiện ươm trồng chăm sóc. Từ đó, Mimosa dần dần xuất hiện trên khắp thành phố Đà Lạt.

Những năm 50, ở miền Nam nước ta có một loại keo dán thư gọi là keo Mimosa.Các nhà khoa học đã từng làm việc trong các cơ sở nông lâm thời đó kể lại : khoảng hơn 40 năm trước, trên cao nguyên Lang Biang và Di Linh, người ta có trồng khảo nghiệm Mimosa và một số loài cây trong họ Mimosaceae như Acacia arabica (Acacia là cây keo) để lấy nhựa cung cấp cho ngành bưu điện và mỹ thuật. Rồi sau này tất cả các loại keo acacia đều được gọi là keo Mimosa. Trên các triền đồi thuộc các trạm khảo cứu nông lâm Dankia, Di Linh, thỉnh thoảng người ta vẫn gặp những đám Mimosa còn gốc tích của những cây Mimosa cổ thụ. Đồng bào dân tộc ở những nơi này quen gọi Mimosa là cây lá bạc hoa vàng và mùa xuân là mùa lá bạc hoa vàng trên cao nguyên...

Hoàng Nguyễn

Đà Lạt Hoa Vàng

Mimosa vàng trong chiều rất xanh
Đà Lạt buồn không khi em một mình
những con đường về
bước chân lặng lẽ
anh về đâu, cuối cuộc hành trình...

Đà Lạt nắng, rồi Đà Lạt mưa
ngày vui qua mau
nỗi buồn còn lưa
Mimosa vàng trong chiều bất tuyệt
môi đã run rồi
mà nói gì chưa?

Những ngày đi qua những tuần đi qua
nắng chênh vênh vì buồn
nắng rải đồi xa
bước lửng lơ chiều, lòng run tiếng nhạc
ngày sẽ qua
vàng Mimosa...

Cao Cẩm Vân
Trích Sương Mù Một Thuở

Bên Giậu Cúc Tần

ngày xuân, bên giậu cúc tần
chiều mưa, em đứng tần ngần đợi tôi
thế rồi, năm tháng cứ trôi
giậu hoa ngày ấy khoảng trời thu sang...
ngày tôi tạm biệt xóm làng
em tròn mười tám nhẹ nhàng bước chân
chia tay bên giậu cúc tần
em rằng : năng đến đỡ đần mẹ tôi

bây giờ cách trở xa xôi
giậu hoa ngày ấy ai người đợi ai
bây giờ trúc đã quên mai
mẹ tôi gìa yếu nào ai đỡ đần...

và...cho đến một mùa xuân
có người thiếu phụ dừng chân cổng nhà
em giờ là của người ta
của riêng tôi : một chậu hoa cúc tần
của riêng tôi : phút tần ngần

Nguyễn Ðại Nghĩa

Bông sen

"Tháp Mười đẹp nhất bông sen..."

Đó là một trong nhiều điều tôi tò mò muốn biết khi về thăm Đồng Tháp Mười, vì từ bé đến giờ tôi chưa hề thấy sen mọc hoang. Ở Huế cũng như khắp các làng quê miền Bắc, miền Trung tôi đã đi qua, sen được trồng trong những đầm, hồ dành riêng, không xen lẫn với các loài thủy thực vật khác, và nhất là không tự mọc theo kiểu cây dại. Mùa thu mặt hồ xanh biếc vắng lặng làm bâng khuâng, tưởng như linh hồn bông sen đã lặn về ẩn náu đâu dưới thủy cung.

Về Đồng Tháp Mười mới biết, ở đây sen nở mênh mông chi địa, chung sống không nề hà cùng lau sậy, cỏ lác, cỏ năn... tự mình thơm ngát giữa đầm lầy. Liên tưởng tới câu ca dao ngợi khen phẩm chất bông sen thuộc lòng từ nhỏ, "Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn", tôi chợt thấy buồn cười vì một điều vô nghĩa đã tồn tại quá lâu trong văn chương.

Không thể bảo rằng bông sen "gần bùn" bởi vì sen chính là từ bùn ngoi lên, được bùn nuôi dưỡng, thậm chí được dành một cọng riêng không chung với lá nhờ thế mà đủ sống, mà thơm tho gởi hương cho gió. Mẹ vắt mình nuôi con khôn lớn thành đạt làm quan, con bước lên thượng lưu xã hội, cúi xuống ngửi ngửi mùi mồ hôi trên áo mẹ, chê là hôi hám. Ăn ở bất hiếu bất nghĩa như vậy, đâu phải là phẩm chất của bông sen? Đó là điều thứ nhất.

Thứ hai, chỉ bùn cống rãnh mới dơ bẩn; còn bùn dưới đáy hồ sâu nơi sen mọc, tinh sạch thế, có gì đâu mà "hôi tanh"? Có lần tôi về tận chót Mũi Cà Mau, bì bõm lội giữa bãi bùn mênh mông, chỉ thấy ngất ngây một mùi phù sa đôn hậu. Về Tháp Mười lần này, tôi được nếm món thịt chuột ram mỡ nhấm với rượu đế nơi một quán cóc ven kênh Tư Mới. Thú thực, vừa nghe tới "chuột" là tôi thấy ớn; nhưng ăn vào thì lại là chuyện khác! Chỉ chuột cống rãnh mới ghê tởm, còn con chuột đồng, ngẫm lại có khác chi con thỏ? Đem liên kết hai ý niệm "bùn" và "chuột" này, tôi kết luận rằng những người dân thị thành (như tôi) không được phép lầm tưởng những thứ cống rãnh phố phường với bùn đất đồng nội, nếu không muốn mang tội "trịch thượng" đối với cội nguồn. Câu nói "gần bùn, hôi tanh" gì gì đấy về bông sen quả là phảng phất miệng lưỡi của gã trịch thượng loại đó.

Thế không lẽ ca dao lại dạy cho trẻ em sự vong ơn bội nghĩa hay sao? Tôi không tin, vì ca dao tục ngữ vốn đuợc sáng tạo nên bằng đạo lý của nhân dân. Chẳng qua là mấy anh đồ Nho tự cao tự đại nào đấy đã chen vào, chính họ đã thở ra cái khẩu khí hãnh tiến và bội bạc kiểu thế này: "Một ngày dựa mạn thuyền rồng- còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài". Bài ca dao "Trong đầm gì đẹp bằng sen" cũng thuộc loại "khẩu khí" nói trên. Theo Dương Quảng Hàm, trong Việt Nam Văn học Sử yếu, bài ca dao này được kết hợp bởi hai thể Phú và Tỷ, "vừa tả hoa sen (phú), vừa ví quân tử với hoa sen (tỷ)". Quân tử bị bắt quả tang ở đây đích thị là đồ Nho rồi, còn ai vào đấy nữa! Sự lỡ miệng nằm trong câu cuối (gần bùn, hôi tanh) để phá vỡ hình tượng cao quí của bông sen trong toàn bài, khiến thi sĩ Phùng Quán đùng đùng nổi giận "Tất cả là trong cái chữ gần. Chỉ một chữ mà ta thấu gan thấu ruột "những manh tâm bội nghĩa vong ân", và bởi thế, Quán đòi: "Nhân danh bùn- nhân danh sen- Tôi đề nghị đuổi câu thơ phản trắc này ra khỏi kho báu nhân dân" (Thơ Phùng Quán- NXB Hội Nhà văn). Thực ra, Bông Sen vẫn là biểu tượng tâm linh của Phật giáo; nhưng Phật giáo không nói "gần bùn", mà nói "từ bùn mọc ra- liên hoa xuất ư nê" như bài kệ của thiền sư Minh Lương (thế kỷ XVII). Tiếc thay, hình tượng bông sen được tôn vinh theo kiểu đó đã tiếp tục lừa dối quá lâu trong sách vở xưa nay.

Đó là câu chuyện Nhàn đàm giữa anh Hồ Bông và tôi trong chuyến giao du về xứ Đồng Tháp Mười quê hương anh. Nhạc sĩ Hồ Bông nguyên là Trưởng đoàn ca múa nhạc Bông Sen, suốt đời nâng niu lòai hoa đẹp nhất Tháp Mười này. Vậy nên mỗi lần mở màn giới thiệu đoàn nghệ thuật của mình trước công chúng, anh vẫn đọc bài thơ Bông Sen, với câu cuối đầy trìu mến như sau:

"Nhụy vàng bông trắng lá xanh
Từ bùn nên vẫn đạm thanh hương bùn"

Tất nhiên câu khẩu hứng của anh Hồ Bông chưa hay, thậm chí chưa đủ sức thay thế nguyên bản. Nhưng tôi tâm phục tấm lòng "biết ơn bùn- đất" nơi con người nghệ sĩ Hồ Bông. Đúng, sen có đức giáo hóa, có đức khiêm nhường, thanh khiết hơn mọi hoa khác, dù nó mau tàn, người ta vẫn thích chọn hoa sen làm hoa dâng chúng Phật.

Hoàng Phủ Ngọc Tường

Vài cảm nghĩ khi xem hoa quỳnh nở

Từ thuở nhỏ, tôi đã nghe cha tôi kể về một loại hoa quý hiếm, chỉ nở vào ban đêm, đó là hoa Quỳnh. Vậy mà rồi, đâu có lần nào tôi thấy được một đóa Quỳnh nở. Bởi, như cha tôi chậm rải truyện trò : "Ai may mắn lắm mới được xem hoa Quỳnh đang nở." Vì hoa Quỳnh nở vào ban đêm với một hương thơm tinh khiết đến ngạt ngào, mà trẻ con như tôi hồi ấy ở nhà quê cứ chạng vạng tối khi gà nhảy lên cây ngủ là mấy đứa trẻ cũng ngủ mất đất từ lúc nào. Rồi dần dà sau này lớn lên, xa cha mẹ già, xa những bụi hoa Quỳnh của cha, nên tôi không còn có dịp nào để hưởng cái may như lời cha tôi căn dặn mỗi lần những chậu hoa của cha có cánh hoa nở vào lúc đêm khuya. Nhớ ngày mẹ tôi còn sanh tiền, mẹ tôi rất thích trồng hoa ngay trước sân nhà, chung quanh bàn thông Thiên, dọc theo lối đi từ trên nhà đến bến sông đủ sắc màu xanh, tím, vàng, hường của những loại hoa ở nhà quê người ta hay trồng nhưng đậm đà hương sắc. Mẹ tôi cũng thích những bụi Quỳnh, nhưng tôi nghe mẹ kể lâu lắm mới có hoa, mà cũng không dễ dầu gì thấy được một lần hoa Quỳnh nở, nó hiếm hoi lắm! 

Bẵng đi mấy mươi năm, đời sống cùng thời cuộc nhiều lúc làm cho con người không có nhiều thì giờ cùng cơ hội sống theo sở thích của mình. Miếng cơm, manh áo, con cái, gia đình, trăm thứ trăm lo nên việc hưởng chút thư nhàn với chậu hoa, chậu kiểng cũng là điều họa hoằn, "năm thuở mười thì" mới có một lần. Những ngày đầu sống nơi quê người, lòng khách tha hương buồn chán đến cùng cực. Lạ nước, lạ cái và lạ cả tiếng nói cùng trăm thứ lạ khác của xã hội tây phương càng làm cho tôi nhiều lúc không buồn ngắm ánh trăng lưỡi liềm lúc nào cũng dựng đứng, không bao giờ nằm ngang như trăng lưỡi liềm nơi chốn cố hương, không nhìn vì sao Nam Tào hoặc sao Bắc Đẩu mỗi đêm về để định hướng mình đang ở nơi nào trên mặt đất, không buồn nghe các loài chim hót phía sau nhà dù chim sẻ, chim bồ câụ.. Còn bông hoa, cây kiểng ở nơi xa quê này như một món hàng xa xỉ đối với lòng dạ luôn héo úa của những kẻ lạc loài... Nhưng rồi, thật tình cờ, gia đình tôi được một vị thầy giáo đem lại cho tôi một chiếc lá Quỳnh. Chiếc lá nhỏ ấy màu xanh đậm mà người quen chỉ cho tôi cách gầy giống khá dễ dàng là chỉ cần cắm vào một chậu đất rồi o bế, tưới nước, bón phân là nó sống như một loại lá cây sống đời mà mẹ tôi hay cắm gần lu nước uống ngày xưa của mẹ ở bên nhà. 

Thắm thoát mà đã sáu năm tôi đến chốn này và cũng đã sáu năm bụi hoa Quỳnh mà tôi trồng vẫn chưa một lần trổ hoa dù những chiếc lá mỗi ngày rất xanh tốt, um tùm. Có lẽ vì cây để trong nhà, bên khung cửa sổ nên thiếu ánh nắng mặt trời, do đó mà bụi hoa Quỳnh không trổ bông được. Tôi luôn an ủi mình như vậy để mà hy vọng. Lại nữa, vượt lên trên mọi sở thích, tôi trồng hoa Quỳnh cùng một vài chậu hoa lài, chậu hạnh với những cánh hoa màu trắng thơm thơm hương hoa cam, hoa bưởi là để tưởng nhớ cha mẹ tôi nhiều hơn, vì song thân tôi dù sống lam lũ ở nhà quê nhưng lại lấy việc trồng hoa, lập vườn như một thú vui tao nhã của tuổi già. Nhớ ngày xưa, mỗi buổi sáng vài bông trang màu đỏ xòe ra với mật ngọt, mấy luống hoa mười giờ cánh mỏng đượm màu tím trên vùng lá non xanh mượt, hoa vạn thọ phảng phất hương thơm nhẹ nhàng, những cánh hoa mai trắng rụng đầy gốc sau những ngày mưa, mai tứ quí dường như bốn mùa hoa vàng chen chúc giữa những cành nhánh lá cây xanh lúc nào cũng có vài cặp vợ chồng loài chim manh manh, chim áo già, chim sâu, chim sẻ cười vui ríu rít trong ấy hoặc đêm đêm hương thơm của hoa dạ lý hương chảy tràn trong không gian vắng lặng của vườn quê, tôi nghe cha mẹ tôi tắm tắt khen từng loại hương thơm, từng màu sắc của mỗi loài hoa vô cùng thích thú...

Dường như, khi niềm hy vọng về một mơ ước nào tưởng chừng nguội lạnh, điều mơ ước ấy thường lại đến thật bất ngờ như một buổi tương phùng của những tâm hồn đồng điệu mà không hẹn trước... Lúc hạnh ngộ như vậy trong lòng của mỗi người vui biết bao nhiêu ! Và tôi đã nhận được niềm vui ấy vào mấy hôm rồi khi nụ hoa Quỳnh vừa nhú ra từ chiếc lá già xanh biếc. Thế là tôi bắt đầu nhìn ngắm nụ hoa Quỳnh theo từng ngày qua từng ngày thật háo hức, đợi chờ...Lúc đầu, như một hạt lúa móng chim màu xanh trong ngần, nụ hoa lớn dần cùng với cuống hoa bằng chiếc tăm... Đến ngày thứ mười bốn, kể từ ngày lá Quỳnh nhú nụ, cuống hoa lớn bằng ngón tay út và nụ hoa căng đầy như trái hồng chín đỏ. Và rồi, nụ hoa bắt đầu chuyển mình khi tiết trời bên ngoài lành lạnh... Đúng chín giờ đêm, không gian tỉnh lặng, nụ hoa bắt đầu nở. Những đài hoa rung rinh như vặn mình và vươn ra từ từ mà mắt thường chúng tôi cũng trông thấy được... Gia đình tôi, mọi người cùng ngồi bên nụ hoa Quỳnh đang nở. Những cánh hoa thật mỏng màu trắng ngà chuyển dịch thành một ngôi sao nhiều cánh đan kết liền mí vào nhau thành một vòng tròn từ từ lớn dần như hoa đang thở, đang cười làm cho cuống hoa chập chờn... Nhà tôi nấu nước sôi và chăm bình nước trà ướp hoa lài từ bên Việt Nam mà có người gửi biếu mấy hôm trước. Con tôi, chúng nó lăng xăng, đứa thắp nhang đèn trên bàn thờ ông bà, đứa mang trà rót vào các tách nhỏ van vái Trời Phật, tổ tiên. Tôi có mời thêm một người bạn trẻ ở gần bên nhà rất say mê hoa Quỳnh đến xem hoa nở vào tối hôm ấy. Chúng tôi ngồi quây quần bên nhau uống trà kể chuyện về loài hoa quí này. Anh bạn trẻ này nghĩ ngợi hoa Quỳnh như một người bạn hiền đến thăm bạn sau những giờ làm lụng vất vả ban ngày, rồi chuyện trò, hàn huyên, sau đó khách lại ra về mà những lời chuyện trò như một chút dư hương còn lại mãi... Tôi thì kể cho các con tôi nghe về cái thú xem hoa nở của ông bà nội các cháu, nhất là hoa Quỳnh, theo lời cha tôi ngày xưa. Trong lòng tôi, tôi nghĩ như cha mẹ tôi đang về thăm con cháu qua đóa Quỳnh vừa mới chuyển mình. Những cánh hoa linh động vô cùng như có bước chân nhẹ, có hơi thở từ búp măng dần dần mở ra theo thứ tự thật dịu dàng... Và sau hai giờ khai hoa nở nhụy, cánh hoa Quỳnh đã khoe sắc, khoe hương một cách sắc xảo, tài tình, hoàn hão... Những nhụy hoa vàng hướng về bên trên, thay vì như nhụy của nhiều loài hoa cứ vươn thẳng về phía trước, uốn con thành hình một vương miện hoặc như chiếc mui của một chiếc thuyền rồng với mũi thuyền là những sợi nhỏ như tơ óng ánh, kỳ ảo. Đóa Quỳnh tỏa hương thơm bát ngát khắp căn phòng khách. Hương thơm chan hòa trong hơi thở, trong tiếng nói, trên nụ cười, trên bức rèm the mỏng treo nơi bệ cửa sổ, trên sách vở, trong làn hương khói nơi bàn thờ cha mẹ tôi... Những nhụy vàng của hoa bắt đầu rắc đều trên tờ giấy trắng mỏng hứng bên dưới đóa Quỳnh như chiếc khăn dệt bằng loại tơ tằm vàng óng, tròn xoe... Những đài hoa từ từ xếp lại, những cánh hoa mỏng cũng e ấp đậy lại nhụy hoa thật nhẹ nhàng như hoa buồn đi ngủ muộn... 

Đêm càng về khuya, từng chập, từng chập, những ngọn gió từ biển rít ngoài trời tối mờ mờ ánh đèn đường, lướt thướt kéo mình qua tàng cây phong đứng ngủ qua đêm...

Trong phòng khách thật yên vắng, đóa Quỳnh cũng khép mình thật kín đáo như hồi lúc chín giờ hoa còn búp nụ. Chúng tôi tiếp tục uống những giọt trà muộn màn để xem hoa khép cánh, hoa tàn. Nhụy hoa tiếp tục rớt đầy trên trang giấy trắng làm cho chiếc khăn vàng càng dày thêm lên màu vàng đầy hương thơm sắc thắm... Cuống hoa như mềm ra, rũ xuống và giữ lấy đóa hoa lớn bằng bàn tay đứa bé có khuôn mặt khôi ngô xòe ra mà giờ nó đang thu mình lại thật gọn gàng, quý phái... Thế là hoa Quỳnh đi ngủ ngay trong đêm và những cánh hoa không còn cựa mình dậy nổi nữa ! Và rồi hoa cứ ở vị thế ngủ vùi có đến cả tuần lễ sau hoa mới thật sự héo khô. Những cánh hoa bám chặt cuống hoa gầy guộc buông thòng xuống, rã rời... Những cánh hoa khô vẫn giữ màu trắng ngà ngà... Các đài hoa khô như những chiếc rễ tre nhăn nheo vẫn không rời cuống. Hoa Quỳnh tàn, nhưng hoa không rữa nát như những kiếp hoa tàn úa khác mà thế nhân vẫn thường hay bắt gặp nơi những loài hoa trong trời đất, tạo vật.

Hoa Quỳnh quả thật là một loài hoa quý hiếm vô cùng! Trong thơ ca các văn nhân thi sĩ thường ngợi ca hoa Quỳnh. Ngày tiễn biệt thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, cụ Huỳnh Thúc Kháng có viết hai câu đối, theo cụ Quách Tấn nhận xét hai câu đối này xuất sắc nhất, trong đó có nhắc đến "hoa Quỳnh" như một nét đẹp của cụ Tản Đà, nguyên văn như sau: "Không sắc nhất Quỳnh hoa, tiếu khứ hân nhiêm, thiên thượng quần tiên đa quyến thuộc; Túy ngâm song bạch nhãn, hứng lai huy bút, nhân gian thiên thủ ngạo công hầu."

Cụ Huỳnh Thúc Kháng tự dịch :

"Không sắc một hoa Quỳnh, về vuốt râu chơi, tiên bạn lắm người nên quyến thuộc; Say ngâm hai mắt trắng, hứng thơ bút múa, giá thi mấy lớp xấp công hầu."

Và cụ Quách Tấn đã viết về hai câu đối điếu này như sau:" Cụ Huỳnh cùng tiên sinh vốn không hay lui tới, cũng không có thư từ qua lại. Nhưng xem câu đối điếu thì biết Huỳnh chí sĩ kính yêu tiên sinh biết dường nào ! Niềm kính yêu giấu kín trong lòng mãi đến khi kẻ mất người còn mới thổ lộ. Mối tình thật là cao quý, thật là đẹp đẽ ! Tình đã cao đẹp, văn lại hàm súc. Chỉ có ba mươi hai chữ mà nói rõ khí tượng và tài năng của người quá cố. Không cần đọc tiểu sử, chỉ đọc câu đối điếu cũng đủ thấy được phẩm giá của Tản Đà tiên sinh, cũng biết qua được sự nghiệp văn chương của Tản Đà tiên sinh."(*)

Mới đây, trong bài thơ Ánh Trăng của một thi sĩ đã làm thơ hơn bốn mươi năm, nhưng mới có đứa con đầu lòng vừa chào đời vài tháng trước, thi phẩm "Tôi Cùng Gió Mùa" của thi sĩ Nguyễn Xuân Thiệp, cũng có nhắc đến cái quý đẹp của hoa Quỳnh:

"Trong khuya nghe một bông quỳnh nở
Phiến lá ngời. Vàng óng búp trăng
Hương biếc chạm vào trang sách quý
Mở ra thôi. Ước cũ hàng hàng." 
(Ánh Trăng - Nguyễn Xuân Thiệp, Văn Học tháng 4-98) 

Rồi những nhà thơ trẻ trên tạp chí Văn Học Nghệ Thuật Liên Mạng cũng mượn cái đẹp, cái quý của hoa Quỳnh mà diễn tả tấm lòng của mình, nhưng có lẽ vì chưa thấy tường tận những đóa Quỳnh nở cùng thời khắc ngắn ngủi của kiếp hoa chóng tàn này, mà nhiều ý thơ bị lệch lạc đi nhiềụ Vì lý do tôn trọng các tác giả, nên tôi xin được miễn trích thơ ra đây và với bài viết này, người viết chỉ có ước mơ nhỏ ghi lại diễn tiến một đóa Quỳnh đang nở cũng như thời khắc hoa tàn mà tôi đã có may mắn chờ hoa từ đầu đến cuối giữa đêm Thu nơi gác trọ của xứ người... Mong lắm thay! 

Trời đất ban cho con người những loài hoa như một ân sũng của tạo hóa và mỗi loài hoa đều có nét đẹp riêng, không loài hoa nào giống loài hoa nào... Mỗi loại hoa như một kiếp người, có hoa lâu tàn, có hoa nở trong vài giờ rồi khép cánh nhận kiếp hoa tàn, khô héo... Dù bền bĩ hay chóng tàn phai, thế rồi cũng kết thú c một đời hoa ! Nhưng có lẽ hoa Quỳnh cũng thuộc loài hoa tàn nhanh nhưng lại quý không kém loại hoa nào qua hương, qua sắc cùng sức mạnh mẻ, linh động của nụ hoa đang lúc khai hoa nở nhụy giữa đêm khuya...

Ngồi xem lại gần ba mươi tấm ảnh chụp từ lúc nụ hoa Quỳnh mới nhú, rồi hoa nở, hoa khép cánh ngủ vùi êm ả, nhụy hoa vàng rơi trên trang giấy trắng tinh xếp thành vòng tròn, nghe như đâu đây mùi hương của hoa còn phảng phất, nhớ quá một đêm chờ hoa nở thú vị biết dường nào!

Và có lẽ, cái còn lại trong lòng đứa con đã mất cha mẹ từ hơn hai mươi ba năm trong đêm xem hoa Quỳnh nở là cái lòng tràn ngập nỗi nhớ thương song thân như đứa trẻ mong mẹ cha đi xa về, dù tóc tôi nay đã bạc đi nhiều, không còn trẻ nữa...

"Nửa đêm hoa Quỳnh nở.
Làn gió nhẹ hương đưa 
Cha tôi về theo gió, 
Mẹ tôi về theo hương.
Thương cha xem Quỳnh nở,
Nhớ mẹ già vườn xưa, 
Nhụy hoa vàng thơm ngát 
Mẹ thương hoài con thơ..." 

Lương Thư Trung

Hoa Kỳ, ngày 27-9-98

--------------------------
(*) Trích bài viết "Kỷ Niệm về Tản Đà" của cụ Quách Tấn, đăng trên tạp chí Văn, xuất bản tại Sài Gòn năm 1971.

Vàng hoa dã quỳ

Lam tím hoàng hôn, sương mù bảng lảng, vàng hoa dã quỳ như những vật màu siêu thực phết lên tâm hồn tôi bức tranh của nhớ, của mộng tưởng và nhất là kỷ niệm của phố núi, phố sương Đà Lạt...Vì thế, tôi thường tìm về với Đà Lạt như tìm về với chiếc nôi của âu yếm, chiếc vỏ sò yên bình giữa đại dương sóng vỗ. Tôi về cả bằng nẻo nhớ, trên từng chặng cây số của mộng mơ.

Dường như ở phố núi, phố hoa này đã từng hẹn hò với thiên đường nào tôi đã mất, hay chưa có...Có thể đó là màu lam tím của hoàng hôn khi tiễn chiều đi và đón đêm về, nên có cái buồn của tiễn biệt, cái nôn nao của gặp gỡ ban đầu. Và rồi những con phố, chập chùng như thủy triều và mắt "nhỏ" nữa, rất gần sao trời nên ánh ướt long lanh. Tôi nhớ những đêm sao, sao như nát cả bầu trời, tôi lang thang với "búp bê núi", trời lạnh lắm, có cả mây trong hơi thở và đường đi bổng trầm như giai điệu một khúc ca.

Cả sắc vàng nữa, rưng rức những nhớ nhung. Tại sao giữa ngàn sắc của ngàn hoa tôi chỉ yêu có màu vàng. Màu dã quỳ vàng như nắng mật lang thang thường rực lên trong những tháng cuối năm. Dã quỳ là hoa nắng của xứ mùa đông, hay là ngọn lửa của tâm hồn sâu kín nào đó giả vờ lạnh giá chỉ ửng hồng lên ở đôi má cao nguyên ? 

Đà Lạt đẹp lắm, nên nhiều người yêu. Tôi nhắc "búp bê núi" giữ giùm tôi. Mốt kia tôi về, Đà Lạt đừng thay đổi. Tôi sợ, vì từng nhìn thấy Đà Lạt đổi thay. Như Đồi Cù nên thơ kia nơi tôi gửi mộng ngày đầu tiên lên đồi cổ tích, trăm muôn chuyện tình đã đi qua nơi đây. Rồi một ngày kia nó bỗng ô trọc những muộn phiền. Hay là vì màu vàng rực ấy, như nhiều người nói, là màu của phản bội, chẳng thủy chung ? Nhưng màu vàng ấy tôi thấy rất nhớ nhung, nhớ nhung như nắng vàng của Huy Cận (*), nhất là khi lam tím hoàng hôn cúi xuống hôn phớt vàng hoa dã quỳ, sương mù đuổi ngày đi để ôm lấy mộng mơ.

Những mảng màu nhớ nhung li ti những sắc màu mà vàng hoa dã quỳ như tấm voan kỷ niệm phủ trùm lên. Sắc vàng cứ rực rỡ không thôi. Tôi nhắc "búp bê núi" giữ giùm Đà Lạt. Cô bé hẹn hò "ngày về, rồi sẽ biết ai đổi thay". Tôi còn về thì làm sao thay đổi, nhất là khi tôi nhận ra rất sâu trong lòng mình có một chỗ để mộng mơ và kỷ niệm nương tựa như Đà Lạt, phải không "búp bê núi" ?

(*) "Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung
Có ai đàn lẻ để tơ chùng"

Nguyễn Phi

Ven hồ rủ liễu

“Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai”

Trong các biểu tượng của phái yếu hay của một người thiếu nữ đẹp thì có lẽ cây liễu đã chiếm một vị trí độc nhất vô nhị. Chẳng thế mà các văn nhân thi sĩ đã có biết bao cách diễn tả đề cập đến người đẹp lấy từ hình ảnh của cây liễu như: Liễu yếu đào tơ, mày liễu mặt hoa, vóc bồ liễu, gầy như liễu cho đến cả hoa tường ngỏ liễu...

Người xưa thường ví cây liễu như người thiếu phụ đẹp, thướt tha yểu điệu như những nhánh liễu rũ dài xuống mặt hồ.

Chương đài liễu
Chương đài liễu
Tình vẫn rũ như xưa,
Lá vẫn xanh ngày trước
Hay là tan tác ở tay người...

Tương truyền ngày xưa Hàn Dực có người ái thiếp là Liễu Thị, xinh đẹp tuyệt vời, tình nghĩa vợ chồng rất là tương đắc. Chẳng may trong cơn loạn lạc, Liễu Thị bị thất tán, Hàn Dực đau khổ vô ngần nên đã sáng tác khúc Chương Đài Liễu nói lên sự nhớ thương ray rứt không nguôi của một mối hận tình. (Dương Liễu Thanh Thanh –Quỳnh Dao). Một tình sử bi đát khác cũng nhắc đến cây liễu. Đời Chiến Quốc một nho sĩ nước Tống tên là Hàn Bằng có người vợ là Hà Thị rất đẹp, hiếm có trên đời. Vợ chồng thương nhau tha thiết. Chẳng may gặp Tống Vương một kẻ hiếu sắc, tìm cách hảm hại và giết Hàn Bằng đi để chiếm đoạt lấy người vợ. Hà Thị vì quá thương chồng mà chết thảm, lại cũng muốn bảo toàn trinh tiết nên đành chọn lấy cái chết để lại lời cuối xin được chôn chung một huyệt với chồng. Vua Tống tức giận và vốn là một kẻ hẹp hòi đã không nhìn thấy cái lỗi của mình lại còn dùng uy quyền bắt phải chôn táng cách xa nhau. Ít lâu sau, dân địa phương thấy ở hai nấm mộ mọc lên hai cây liễu xanh tốt cành lá quấn quít nhau, trên liền cành dưới liền rễ (Chinh Phụ Ngâm Khúc).

Người thiếu nữ, theo quan niệm thẩm mỹ xưa, luôn luôn có vóc dáng gầy yếu, thướt tha gần như đứng không vững, không chịu nỗi gió rét phong sương. Cũng như cây liễu đến mùa thu hay chớm đông bắt đầu rét lạnh là lá trở nên vàng úa, rụng tả tơi chỉ còn trơ lại cành gầy. Cổ nhân vẫn thích người đẹp có vóc gầy như liễu hay vóc bồ liễu là vậy. Dân Á Đông ta thường có đôi mày đẹp phải dài, hơi cong và nhọn vót như hình lá liễu gọi là liễu my. Một thi nhân đời Đường là Bạch Cư Vị nổi danh với bài Trường Hận Ca, đã ca tụng vẻ đẹp khuynh quốc của Dương Quí Phi với những vần thơ diễm tình, ví mặt của giai nhân như hoa phù dung chớm nở, mày của nàng còn đẹp hơn lá liễu non.

Ao Thái Dịch, phù dung sớm nở,
Tựa mặt nàng trong thuở gần vua
Vị ương Cung vẫn như xưa,
Thướt tha rặng liễu, là thua mày nàng.”
(Tô Giang Tử dịch)

Liễu vốn là một thứ cây đẹp, thân cành gầy ốm nhưng những nhánh liễu thì lại xanh tươi, rũ thẳng dài xuống đến mặt đất như suối tóc của một thiếu phụ trẻ đẹp. Màu xanh non tươi mát của lá liễu để đem đến cho ta một cảm giác thanh thản nhẹ nhàng lâng lâng sảng khoái với cỏ cây trời nước. Còn nhớ lại vào lúc tuổi hoa niên, nhân một cuộc viếng thăm triển lãm hội hoạ, đã bàng hoàng ngây ngất trước một bức tranh vẽ tuyệt đẹp gần như man dại của danh hoạ Claude Monet nổi danh với lối vẽ ấn tượng. Bức hoạ một màu xanh nhạt, ở giữa nổi bật một chiếc ao hoang dã. Hai bên bờ cỏ dại mọc lan tràn xen kẻ với những khóm liễu thướt tha xanh mướt. Các nhánh liễu mềm mại san sát chảy dài xuống tận đến bờ ao giống như một bức rèm thưa. Mặt ao nhiều khoảng phủ đầy những lá súng tròn vạch, to nhỏ trãi phẳng đều trên mặt nước. Các hoa súng màu trắng, vàng, đỏ hay tím nhạt nhô cao lên, lạnh lùng phô trương màu sắc tươi thắm. Một chiếc cầu gổ kiểu Nhật Bản, cong cong hình bán nguyệt có lan can xanh, bắt ngang qua ao tạo thành một phong cảnh thiên nhiên tươi mát, làm người xem đứng nhìn mãi quên thôi. Giá vì mình có được bức hoạ nầy để treo giữa phòng đọc sách thì thật là hào hoa trang nhả.

Nơi quê nhà, liễu thường trồng được ở cạnh bờ hồ, các nhánh liễu lơ thơ buông dài xuống đến tận mặt nước tạo thành một phong cảnh u nhả hữu tình cho khách nhàn du. Gió mát từ mặt hồ thổi vào, các nhánh liễu mềm mại lã lơi giao động. Thật là: ngỏ hạnh đầy hoa, ven hồ rũ liễu làm cho ta cảm thấy ồn thơ lai láng, chợt nhớ đến cảnh đẹp thiên nhiên tươi thắm của Bích Câu Kỳ Ngộ:

“Xanh xanh dãy liễu ngàn thông,
Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều”.

Hay muốn bắt chước anh chàng Đoàn Dự của Kim Dung Tiên Sinh, vốn là một lãng tử đa tình, say đắm tất cả vẻ đẹp của tạo hoá, sảng khoái trước cảnh đẹp thơ mộng của trời đất mà cao hứng ngâm nga:

“Trường Giang từng đợt sóng giồi,
Ngẩn ngơ bờ liễu lơ thơ mấy hàng
Bốn bề xa vắng thôn trang,
Phất phơ hoa hạnh, ánh dương tà tà”
(Thiên Long Bát Bộ Kim Dung)

Có chăng là chỉ tội cho người thiếu phụ trẻ mõi mắt trông chồng ở tận chốn xa xôi. Nhìn thấy hàng dương liễu màu sắc xinh tươi mỗi độ xuân về như những cặp vợ chồng son trẻ, gợi lại niềm khao khát ái ân mà chạnh lòng hối hận đã lỡ xúi giục chồng đi tìm bả vinh quang ở chốn kinh kỳ.

“Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mạch phong hầu.”
“Nhác trông vẽ liễu bên đường,
Phong hầu nghĩ dại xui chàng kiếm chi”.
(Vương Vương Linh- Tản Đà dịch)

Hay trong Chinh Phụ Ngâm:

“Lúc ngoãnh lại ngắm hàng dương liễu,
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong”.

Tôi mỉm cười thả tầm mắt nhìn xuống thành phố Paris, con sông Seine uốn khúc lửng lờ, nhà cửa san sát, cao ốc ngập trời. Đêm đêm, ánh đèn màu chiếu sáng tràn ngập huy hoàng, xe cộ ồn ào náo nhiệt. Tôi đang sống với một bối cảnh hoàn toàn trái ngược với mơ ước của tuổi hoa niên. Cái mơ mộng một căn nhà nhỏ mộc mạc đơn sơ ẩn dưới mấy khóm liễu lơ thơ cạnh bờ hồ. Những lúc nhàn rỗi, ngồi đọc Đường Thi, uống trà xanh, hưởng thú thanh nhàn dưới rặng liễu la đà, màn gió bạn trăng. Chỉ cần tìm được một giai nhân gầy như liễu, đẹp như tranh, chịu chia xẽ lối sống thanh đạm, mộc mạc nầy với tôi thì thật là mộng ước ba sinh được toại nguyện rồi đâu còn dám mơ ước gì đến chuyện Thiên Thai khác nữa. Lúc còn trẻ có người bảo tôi, cuộc đời như bóng bạch câu bay ngang qua cửa sổ. Tôi chỉ mỉm cười cho là một loại sáo ngữ, nói cho văn hoa tao nhả. Nhưng ở vào tuổi gần đất xa trời, tôi mới nhận thức được rõ ràng cuộc đời thật đúng là một giấc mộng kê vàng. Mới ngày nào đây còn mơ ước một căn nhà nhỏ với giai nhân, dưới rặng liễu cạnh bờ hồ, nay thì đang trôi nổi ở xứ người, “nỗi sầu như tóc bạc cứ cắt rồi lại dài ra”, không biết đến bao giờ mới được như chiếc lá rụng về cội. Xứ người như núi bạc sông vàng, đời sống xa hoa vật chất quá đầy đủ. Chả thế mà bao nhiêu người trai trẻ cả Á lẫn Phi, đã không ngần ngại liều mình như những con thiêu thân, liều bỏ tất cả ngay cả mạng sống của mình để tìm cách vào cho được cái thiên đàng vật chất ảo tưởng nầy. Còn tôi, thì sao lòng vẫn cảm thấy man mác gợi sầu, mơ ước ngày xưa đôi khi chập chờn trở lại, chỉ muốn trở về với lối sống Á Đông, an nhiên tự tại của các bậc tiền bối ẩn vật, dưa cải tương chao, cơm canh đạm bạc. Vào lứa tuổi bóng sắp ngã chiều nầy, tôi thật thấy thèm thuồng một cuộc sống tâm linh thoải mái, bình dị hoà mình với cảnh vật thiên nhiên. Tâm hồn được thanh thản hơn, mặc tình đọc sách, đọc thơ hay nghiền ngẫm kinh điển của nhà Phật, giữ sao cho tinh thần toàn vẹn để vui với tính trời. Nơi quê nhà chắc vẫn còn những chiếc hồ hoang dã, làng xóm hiền lành để tôi có thể trồng một vài hàng liễu rũ, cất một gian nhà lá mộc mạc, giữa vài khóm trúc xanh lưa thưa. Còn giai nhân liễu yếu, đào tơ thì thật bây giờ tôi không dám nghĩ đến nữa, chỉ mong may mắn tìm được một người bạn già đồng thanh, đồng khí để chuyện trò tiêu dao ngày tháng. Mơ ước thật đơn giản nhưng không biết tôi còn có cơ hội để thành toàn được chăng, khi đất nước vẫn còn lặn hụp trong làn sóng đỏ mịt mờ, quê hương vẫn còn chìm đắm trong bóng tối dầy đặc, “Đêm Giữa Ban Ngày”.

Hà Ngọc Bích

Loài hoa mang tên em

Hoa ở Việt Nam rất nhiều, nhưng mang tên em thì rất ít, nhiều hoa nở rất đẹp nhưng không nghe ai đặt tên cho nàng. Như hoa Sen chẳng hạn, chẳng lẽ tên nàng là Sen? Nghe như tên một đầy tớ gái rồi. “Con Sen đâu mất rồi?” “Nó đang gánh nước ngoài ngõ...”

Bài viết vừa rồi, tựa đề là “Hai sắc Hoa Tigôn và Antigone” viết cũng khá lâu, vì để trong diskette khác nhãn hiệu nên tìm hoài không ra. Trong một buổi nhậu với tụi bạn nhà binh, cuối tuần đã lâu, một thằng ngồi góc trái hỏi:

- Mày nói hai sắc hoa Ti-gôn. Tao cả đời chưa thấy loại hoa này, chắc hoa của mày ở bên Tây quá há?

Tôi cười hề hề:

- Mày có nói kế nhà mày, có con nhỏ Mễ mập nói nó khoái mày thường cho mày bia mà mày không nhận phải không?

- Ừa đúng rồi.

- Mày có thấy hoa mọc hàng rào của nàng không? Nó có lá như lá nho, có vòi uốn cong cong, lá y hệt như lá nho, có bông màu đo đỏ, mày có nhớ không?

- Ừa, đó là hoa Nho mà, ở Saigon nhà tao có trồng, nhổ hoài mà nó vẫn mọc mạnh.

- Ừa, hoa Nho ai ai cũng biết. Đó là hoa Ti gôn đó.

Vâng, hoa Tigôn là hoa Nho mọc thường ở hàng rào, lá y hệt như lá nho. Lúc nhỏ tôi thường bị loài hoa này lừa. Tôi tưởng khi ra hoa, rồi thì sẽ kết thành trái, trái Nho mà. Nhưng không đời nào có trái Nho, dù cây y hệt cây nho vậy.

Hoa Tigôn còn có thêm tên Việt là hoa Hiếu Nữ, Hoa Nho. Tên đúng là hoa Antigon.

Tên khoa học là:
- Mountain Rose, Love’s chain, Corallite , Liane Antigone, Rose de Montana
- Antigonon leptopus Hook. Et Arn
- Họ rau răm (Polygonaceae)

Cây có nguồn từ Nam Mỹ và Địa trung Hải, được gây trồng rộng rãi trong nước Việt. Nhưng thật sự từ đời Tây đem qua cây elo, thân gỗ, ngọn có vòi râu cuốn, lá y hệt lá nho màu xanh, nhưng lá mỏng hơn lá nho. Thân mềm, phân cành, nhánh nhiều, dài, mềm, dáng rất đẹp mắt. Lá đơn mọc cách, đầu lá kéo dài hình mũi, gốc lá hình trái tim sâu. Lá xanh quanh năm, lá già khô héo nhưng không rụng, nên nhà vườn hay nhà chơi cây cảnh, thường phải tỉa đễ giàn cây được thoáng. Cụm hoa ở đỉnh cành, mọc vươn cao do nhiều tua râu cuốn cong quéo lại, hoa nhỏ xếp hình chùm dài, màu hồng nhạt hay màu trắng, ít khi hoa nở rộng, khi nở hết hoa là tất cã hoa rụng hết. Nụ hoa có hình tim 3 cạnh nho nhỏ, bằng đuôi viết chì. Quả nhỏ, có 3 cạnh nhỏ cứng. Cây rất dễ trồng, bằng cách tách các nhánh mầm từ gốc mẹ, hay gieo bằng hẹt.

Ở Huế, cây trở thành hoang dại, mọc nhiều ở bờ rào hoang, hoa nở liên tục trong năm. Đó là hoa tygôn, hay hoa antigonê hay hoa hiếu nữ, gọn hơn là hoa nho, giống y hệt cây nho nhưng không có trái nho. Đây là loại hoa gốc từ ngoại quốc đem vào nước ta từ thế kỷ trươc... Như cây trái măng cụt vậy, hay là cây “Soài Riêng”. Do mấy nhà truyền giáo đem vào trồng tại vùng Lái Thiêu trước nhất. Lúc đó trái “Sầu Riêng” cho bóng mát tốt nhất, rồi ra trái. Trái có gai, nặng hết sức, lúc chưa chín trái, thì không ai dám hái, không biết ăn làm sao. Nhưng khi trái chín, nở múi ra mùi “Sầu Riêng” bốc khắp nơi trong vườn. Thì lúc này người trồng mới khổ nhất vì nó có mùi thối không nói được nhà vườn vừa bịt mũi vừa lấy sào mà khều trái ra ngoài góc vườn vụt bỏ. Thời may, có một nhóm người Hoa, từ Chợ lớn Saigòn lên tình nguyện hái trái sầu riêng trước khi nó chín tét ra. Nhà vườn mừng hết lớn, nhưng năm nào mùa sầu riêng chín thì có họ như vậy phải tính tiền mới được. Họ đành chịu móc tiền ra trả. Rồi sau đó nhà vườn khui trái ra ăn thử. Ngày kia, ngon hết sức bán rất cao giá. Tại Tháilan họ gọi trái này là “King fruit” nghĩa la Trái Vua của các trái cây. Ngon hết sẩy. Hiện nay cũng có khá nhiều người không chịu được mùi này, cho nên nhiều hãng phi cơ không cho khách hàng đem loại trái cây này lên phi cơ. Sợ nhiều người nhảy dù bỏ phi cơ hết.

Hoa Việt Nam rất nhiều, trên 300 loại, nhưng ít tên cho nàng mang tên. Ta nghe tên nàng như “Cô Lan, chị Huệ, cô Cúc, em Lài, chị Điệp, cô Hồng, chị Hường, cô Trang... như vậy là gần hết tên nàng rồi .

Riêng hoa Hường hay hoa Hồng cũng cùng một loại, tại sao gọi khác nhau như vậy?

Tại một người, người này mà.. Ông Cố Nội tôi thấy cũng phải quỳ mọp sát đất. Ông nầy tên là Hồng Nhậm đó. Từ khi Ông thay thế Thượng Đế, mà ta gọi là con Trời (Thiên Tử) thì thiên hạ bàng dân phải xài chữ khác. Từ chữ Hồng phải chuyển thành Hường. Miền Nam người ta gọi là bông Hường không dám xài chữ Hoa vì cũng có một Bà mang tên Hoa làm rất lớn trong cung điện Bà Nguyễn thị Hoa đó ai còn nhớ bà là ai của vua Tự Đức không? Cho nên miền Nam không dám xài chữ Hoa mà xài chữ Bông như bông Hường, bông Huệ, bông Lài, bông Sen, bông Cúc, bông Bưởi...

Ngày kia chúng ta mà có một Ông Vua nào dùng tên là: A B C D... đến XYZ, thì ngày đó chúng ta hết chữ Quốc ngữ rồi vì dùng chữ nào cũng đụng tên Vua hết, tội khi quân đâu ai dám dỡn. Đành trở lại chữ Tàu hết thì xong.

Cùng cùng một trái cây nhập từ bên Tháilan mà dân Hà Nội gọi khác, dân Saigon gọi khác. Có kỳ ra Hà Nội trong dịp đi chung đoàn khảo cổ tôi thấy một bà gồng gánh đầy trái cây, rất ngon. Tôi gọi:

- Bà bán trái Sa-cu-Chê một chục trái bao nhiêu vậy?

- Vâng, tôi không bán trái sa-cu-chê. Trái này là Hồng Xiêm đấy ạ.

Vâng, dân HàNội quả thật là xứ ngàn năm văn hóa, gọi cây trái rau quả cũng có vẻ văn chương thi phú, còn dân Saigon thì gọi trái cây gì cũng hơi hơi... thô lỗ. Trái cây gì mà gọi sa... rồi cu rồi chê? Có một loài rau mà dân miệt vườn Nam Bộ gọi là rau thúi đ..t vì mùi của rau y như mùi mà con nít gọi là: xù xì hột mít lùi tro. ăn no té đ...t thì dân nhậu Hà Thành gọi là rau Mơ. Nghe có mộng mơ ghê chưa? Tại Hà Nội có gánh hàng trái cây, mà tôi gọi trái đó là trái Thanh trà, trái mỏng vỏ màu vàng nhạt. Hà Nội họ gọi là quả Nhót. Vâng! đúng y thị rồi, tôi mua về cho mấy người bạn Saigon thì họ ăn xong họ muốn nhót thiệt tình vì nó chua té đ...i luôn, nhảy nhót vì chua là phải. Rồi tên bạn Hà Thành cười hì hì... Mấy anh ăn quả này phải chùi cho sạch. Tôi hỏi rửa là xong, tại sao phải chùi cho sạch? tên bạn này cười, vì nó có lông mịn, nếu không chùi cho sạch lông tơ thì ăn vào ngứa miệng vừa chua Nhót người vừa ngứa miệng thì còn gì vui hơn.

Ngày xưa còn tuổi học trò, có lần may mắn hết sức. Tôi được chở nàng đi học. Có một lần rồi vạn kiếp thiên thu. Nàng là em gái thằng bạn học cùng lớp. Xe gắn máy của nàng bị hư, thằng bạn nhờ chở... nó đi học dùm tao đi mậy. Vâng, vui quá. Xe chạy ngang con đường rộng, sát bờ sông Saigon, bến Bạch Đằng, rồi thông lên đường Cường Để, hai bên đường có nhiều loại cậy hết sức lớn, và cao hơn cây me nữa. Thân cây thẳng, có những trái to màu nâu y như trái avocado (hay là trái bơ) vậy, khi trái chín, thì nó nứt vỏ ra, bay tung ra những hạt có cánh, bay như chonh chóng vậy. Tụi tôi thường lượm nhiều, nhét vào túi, rồi lên tầng cao nhất của trường học, thả từng cánh nó bay vòng vòng trên không rồi từ từ đáp xuống mặt đất. Gió mát từ sông Saigòn thổi về, mát hết sức, vui miệng tôi hỏi nàng:

- Em, mấy cây gì cao hết sức, đố em cây gì?

- Em... hổng biết.

Tôi định nói tên cây này, nhưng tự nhiên giật mình, tại sao đố một người con gái, một loại cây mà mang tên nghe giật mình hết sức vậy? Nàng hiểu lầm là cái chắc. Một chuyện ngu mà nghĩ lại không thấy cái nào ngu hơn. Quả thật cho đến ngày nay, tôi cũng chưa biết cây đó tên khoa học là cây gì? Cây muỗm hay chăng?

Tôi làm bộ suy nghĩ một hồi... rồi trả lời:

- Cây gì tự nhiên quên mất tiêu rồi, để kỳ sau hỏi lại rồi nói cho nghe.

- Hừ, vậy cũng làm bộ đố người ta.

Rồi tôi quên đi, ngày qua ngày. Nhưng nàng không quên nàng hỏi ông anh của nàng. Rồi nàng giận tôi luôn kể từ đó. Vâng cây đó gọi là cây d...i ngựa. Nhìn cao lên giống in hệt như cái đó vậy. Đúng là dân Nam Bộ, thấy sao thì hình dung vậy.

Hoa Thạch Thảo

Nhờ nhạc sị Phạm Duy và tiếng hát khàn khàn bất hủ của Julie Quang mà bài ca mang tên Hoa Thạch Thảo trở thành thiên thu bất tử. Hoa Thạch Thảo và mùa Thu. Tại sao như vậy

Tôi rất thích nghe nhạc, từ thuở trẻ đến mang áo chiến chinh, rồi mang áo tị nạn xa quê hương nhớ mẹ hiền. Bài ca thuộc nhiều nhưng hát trọn bài thì không được.

Vì quen bạn khá nhiều, từ phương trời xa đến gần. Lũ bạn này cộng lại thì gặp sư huynh thày dòng thì ngó lên trời thốt lên: “Chúa ôi!” Còn nếu găïp vị sư thì được ngó xuống thốt lên: “Mô Phật! Tội lỗi tội lỗi”. Nhưng lỡ quen bạn như vậy rồi làm sao? Nhiều bản nhạc rất hay, được tụi nó nghe xong rồi sửa lại nghe riết thành ra thật...

Nhạc sĩ Lam Phương có bản nhạc mới đây, hết sức hay là “Bài Tango cho Em” nhập đề thật sự tôi nhớ được khúc đầu “Từ khi có em về... nhà mình nhiều ánh trăng thề” rồi tụi bạn nói trên sửa thành: “từ ngày có em về nhà vang tiếng.. chưởi thề”. Đó hát như vậy, thiên hạ thuộc phái nữ không ghét sao được. Bởi vậy cho nên trong nhóm này rất hiếm thằng được có vợ, ai cũng sợ hết, đành tụ nhau ngồi nhậu mà nhớ quê hương vậy.

Bản nhạc cũng khá hay mà cô gái Bắc kỳ nho nhỏ thường hay hát, rồi nhóm họp ca này sửa thành câu hát mà đến nay tôi không tài nào nhớ đến khúc hát thứ nhì hát ra sao “Tôi đưa em sang sông rồi tôi... bóp cổ em, rồi tôi... bụm miệng em.” Nghe như vậy chắc chắn có ngày... ủ tờ vũ phu ỷ thị. Nhưng còn đở hơn bản nhạc hùng của Văn Cao, bản nhạc này nghe như sau “Thề phanh thây uống máu quân thù...” Bản này vừa nghe vừa ăn tiết canh vịt và gà xé phay thì hết xẩy...

Trở lại bài nhạc dễ thương của nhạc sĩ họ Phạm là Hoa Thạch Thảo. Quả thật tôi nghe từ Saigon, rồi lên Pleiku gió núi mưa mù, đá sỏi cao nguyên mà tôi chịu không biết hoa gì, dịch ra thì hết nghĩa rồi chẳng lẽ hoa đá? Đá có rêu, làm gì có hoa? Hay là nó cùng chung họ là Hoa Thạch Lựu chăng? Vạn lần không.

Hoa này mọc, được trồng trong chậu hẳn hoi, nó thuộc loại hoa Cúc nho nhỏ, bằng lon thiếu úy vậy. Hoa cúc này nhỏ, cánh thưa mà mấy chị gái nho nhỏ thường hái vén tóc thề mà kẹp mang vành tai, nhìn thấy là trái tim đập liên hồi. Người đẹp mà hoa cũng đẹp luôn. Đó là hoa Thạch Thảo đó.

Cây Hoa Thạch Thảo, hay Cúc cánh Mối (vì hoa mỏng nhẹ như cánh mối vậy).

Tên Khoa học:
- Starwort, Aster, Oeil de Christ Aster amellus Linn.
- Họ Cúc (Asteraceae)

Cây có nguồn từ châu Âu, Châu Á. Được gây trồng làm cảnh ở các bồn hoa, công viên hay căm lọ. Cây thân cỏ, sống lâu năm nhờ rể mọc bò dưới đất. Thân đơn hay phân nhánh, lá dài, thuôn hình giáo tù, hơi có lông mịn. Cụm hoa hình đầu đơn độc. Vòng hoa đều dài, cánh môi thuôn hẹp, thẳng màu lam tím. Hoa giữa hình ống hẹp màu vang, xếp sát nhau. Hoa thường màu tím nhạt.

Đó là những loại hoa mà thi sĩ hay nhạc sĩ gieo vao lòng người một loại hoa mà mình tưởng như truyện thần tiên, nhưng thật sự hoa này nằm sát ngay tầm tay. Lúc nhỏ còn đi học, thích đỗ đạt khi thi cử lắm ai cũng vậy nghe hai chữ Trạng Nguyên là khoái rồi có nghĩa là đỗ đầu trong các Tiến sĩ được xướng danh bởi triều đình.

Nhưng có ai biết Hoa Trạng Nguyên không? Hoa này xuất xứ từ bên Tàu hay chăng? Vì từ chữ Tàu mới có chữ Trạng Nguyên mà?

Thật sự nó phát xuất từ Mexico, được các nhà truyền giáo đem trồng khắp nơi. Nhất là đến mùa Đông, thì có rất nhiều. Người ta gọi là Hoa Giáng sinh cũng được, vì gần Giáng Sinh thì khắp chợ búa đều có bày bán chậu cây có hoa đỏ trên cánh này.

Hoa Trạng Nguyên

Tên Khoa học:
Easter flower, Christmas flower, Mexican flame leaf
Poinsettia pulcherrima
Họ Thàu dàu (Euphorbiaceae)

Lá ở thân dạng bầu dục thuôn dài, chia thùy hay có răng rộng, cuống mập, màu xanh đậm, bóng gân nổi rõ. Lá bao quanh cụm hoa màu đỏ chói (hoàn toàn đỏ hay chỉ đỏ một phần lớn phía gốc, phần đỉnh vẫn màu xanh). Chén hoa màu xanh nhạt, có một tuyến lớn màu vàng. Quả nang tròn nhỏ.

Cây dễ trồng bằng cách giâm cành, mọc khỏe phân cành nhánh nhiều, chịu được nắng hạn. Hoa nở quanh năm. Đây là một loài hoa rất phổ biến khi dịp Giáng sinh về, vì mùa Đông giá rét nên các cây hoa khác đều chết rụi trước đó từ lâu. Mới du nhập nước ta cũng không lâu. Tiện luôn trong bài viết về cây hoa mang tên em, chung ta nhận thấy hoa nước Việt rất nhiều, nhưng loài hoa mang tên em rất ít. Miền Nam thì đặt tên hoa không nhiều bằng người Hà Nội. Tên nào mà là Lan thì đa số là con gái người Bắc, vì hoa Lan miền Nam rất hiếm thấy. Mấy cụ đồ Nho miền Nam cũng ít khi đặt tên con gái mình tên những loài hoa sặc sỡ, ít thấy cô Hường hay cô Hồng vào khoảng thời gian của cụ đồ Chiểu (Nguyễn đình Chiểu) vì mấy cụ cho rằng hoa chỉ có sắc mà vô hương, như là hữu duyên mà bạc phận.

Đi tới một bước về một loài cây mà chúng ta thường thấy tại khắp nơi, ViệtNam hay Hoa Kỳ nhất là xứ có nhiều nắng đó là cây xương rồng. Trong kinh Chúa Giêsu, ngày xưa tôi có đọc đến mấy sư huynh thày dòng kể đoạn Chúa Giêsu ra ngoài sa mạc chịu sự thử thách của cam dỗ, chịu sự thử thách của quỹ Satan. Chúa đói, khát... Chúa ăn cây xương rồng. Lúc đó đọc đến đoạn này thì thấy quả là một điều... kinh khủng.

Nhưng khi qua Mỹ, tiểu bang California có rất nhiều anh chàng họ Mễ như Fernando hay Jose Alberto vv...vv... thì họ có chợ super market của họ. Họ có bán cây xương rồng cắt nhỏ ra, dài như đậu đũa vậy, có chỗ họ bán xương rộng sắt nhỏ mà ngâm dưa chua. Tôi hỏi có ăn được hay không? Khi hỏi vừa dứt thì mình cũng tự cười luôn, chẳng lẽ ăn không được mà họ bán trong chợ rau trái làm chi?

Nhưng sau đó, tôi thử ăn mau gói xắt nhỏ từ xương rồng bản bự như bàn tay, họ gọt mất gai và một phần vỏ xanh, họ xắt lát mỏng đem về chiên với tỏi và một chút thịt bò ăn có vị chua và nhớt nhưng vị nhớt ngọt như ta ăn đậu rồng vậy.

Đây là một loại thuốc trị chất độc trong người rất hiệu nghiệm vô cùng. Trong sách thuốc của Mexico đây là một loại ăn có chất rửa ruột. Người Mỹ họ ít tin ăn rau trái để trị bệnh, họ tin chỉ có thuốc từ Bác sĩ cho thì mói hiệu nghiệm. Kết quả bệnh rất nhiều. Tôi thấy nhiều cụ già mỗi ngày uống thuốc gần 20 viên khác loại nhau, có cụ uống thuốc bổ vitamin hàng bụm, nhưng họ chưa biết đến loài dược thảo mà Á Đông, nhất là bên Ấn độ họ đã dùng rất lâu.

Ông Nội tôi ngày xưa, Tết đến rất thích trồng hay mua những chậu cúc vàng loại đại đóa về nhà chưng 3 ngày tết. Sau hết tết thì Nội tôi hái những bông cúc đó để phơi khô, rồi làm trà. Nội cho con cháu uống, con cháu chạy khỏi tay một lèo.

Nhưng đến tuổi đời rồi thì thấy tiệm Trà Tàu đều có bày bán Trà Hoa Cúc phơi khô quả thật nấu uống như Trà tối ngủ khỏe quên dậy luôn. Và giá Trà Hoa Cúc rất đắt gấp 2 lần Trà xanh của tiệm Càphê.

Kỹ sư Sagant Phan

Hoa cúc - Vị thuốc thần tiên của đất trời

Xưa nay phần lớn thơ - từ thưởng thức và ngâm vịnh về cúc đều nhằm vào các loại cúc thưởng ngoạn có đóa hoa rất to. Còn các loại cúc dùng làm thuốc thì có hoàng cúc, bạch cúc và cúc mọc hoang, hoa rất nhỏ, hoàng cúc có tên là hàng hoàng cúc, có vị ngọt, hơi đắng. Bạch cúc còn gọi là là hào cúc, trừ cúc. Bạch cúc tính mát vị ngọt hơi đắng, lại còn gọi là cam cúc (cúc ngọt). Cúc mọc hoang vị đắng tính hàn. Hoàng cúc chủ yếu dùng chữa cảm mạo; bạch cúc dùng chữa trị cao huyết áp, đau đầu chóng mặt, mắt mờ; cúc mọc hoang dùng để chữa trị lở loét, mắt đỏ. Hoa cúc có chứa các thành phần long não volatilization oil, inuli (C6H10O5), glucoside, flavone v.v... Thực nghiệm dược lý chứng tỏ hoa cúc có thể kháng khuẩn, kháng virus (siêu vi trùng) cảm cúm, làm giãn mạch máu, hạ thấp huyết áp, hạ thấp mỡ trong máu. Các bài thuốc nổi tiếng có: Tang cúc ẩm, dùng hoàng cúc chữa trị các chứng cảm mạo; Ngũ vị tiêu độc ẩm, dùng cúc mọc hoang chữa trị đinh nhọt; Kỉ cúc địa hoàng thang, dùng bạch cúc để chữa trị chứng đau đầu, chóng mặt, ù tai, mờ mắt; Viên hạ áp trân cúc, dùng bạch cúc để chữa trị cao huyết áp; lượng hoa cúc làm thuốc thường dùng khoảng 10g, lượng lớn đến 30g, đem sắc uống.

Hoa cúc có thể dùng làm rau ăn, điều này cũng đã có ghi chép trong thời cổ đại, chẳng hạn trong Sở từ của Khuất Nguyên có câu: "Tịch xan thu; cúc chi lạc anh" (bữa cơm tối có hoa thu cúc rụng). Trong "Bản thảo cương mục" chép rằng cam cúc "ăn sống, ăn chín đều được", "có thể nấu canh ăn"; lại cũng chép rằng "Ắn hoa cúc lâu ngày sẽ có thể kéo dài tuổi thọ", "nhiều tóc, sinh năng", "tôn nhan sắc đẹp lên nhiều", đồng thời cũng khen hoa cúc có 5 cái đẹp: "Hoa tròn vành vạnh như mặt trăng treo lơ lửng trên trời xanh; màu vàng thuần khiết không lẫn màu vàng của đất trời; trồng thì sớm mà ra hoa thì muộn, giống y như đức của người quân tử vậy; vươn lên trong sương giá tượng trưng vẻ kiên trinh, tiết tháo, thanh tao; nước thuốc hoa cúc rót trong chén uống chẳng khác gì uống một thứ nước thần tiên vậy", nó tượng trưng cho một món ăn, một vị thuốc của đất trời chứa đầy vẻ đạo đức, tiết tháo, kiên trinh, thần tiên, được đánh giá rất cao không có một vị thuốc nào trong trung dược có thể so sánh ngang bằng được. Trong "Diêu khê ngư ẩn tùng thoại" thời Tống có chép "Trong vùng núi sâu ở Nam Dương, Hà Nam, có một con suối nhỏ, nước trong veo, lại có nhiều hoa thơm quả ngọt; dọc hai bên bờ suối đó đều được trồng kín hoa cúc, dân làng hai ba chục hộ ở đấy đều rất thích ăn hoa cúc, uống nước suối, phần đông dân cư đều sống đến 120, 130 tuổi". "Bản thảo cương mục" cũng có những đoạn ghi chép tương tự, như dùng cam cúc chế thành thuốc viên "băng niên phương" (thang thuốc tăng tuổi thọ), uống vào một năm thì tóc bạc chuyển sang đen, uống hai năm thì răng rụng tái sinh, uống 5 năm thì cụ già 80 tuổi vẻ mặt sẽ rạng rỡ, phấn chấn hẳn lên. Tóm lại, dùng hoa cúc trong ăn uống có thể có lợi cho tuổi thọ rất nhiều, điều đó đã được ghi chép nhiều ở các sách cổ xưa; còn hoa cúc trồng để làm rau ăn thì còn cần nghiên cứu khai thác thêm nhiều nữa để khẳng định thêm giá trị của nó.

Còn về cái thanh tao, cao khiết, sáng trong của hoa cúc thì ngay từ thời Khuất Nguyên, thời Đào Uyên Minh đến nay, các thi nhân của nhiều thời đại đều đã không ngớt lời ngợi ca về mọi phương diện; số tác phẩm hay đẹp được truyền tụng qua ngàn đời về hoa cúc rất nhiều. Nhưng, đối với việc hoa cúc có rụng hay không, thì trong số các thi nhân nổi tiếng thời Tống có một cuộc tranh luận nho nhỏ, trở thành câu chuyện vui. Thơ vịnh cúc của Vương An Thạch có câu: "Mưa gió hoàng hôn ngập vườn cây; hoa cúc vàng khắp đất này" (Hoàng hôn phong vũ minh viên lâm, tàn cúc phiêu linh mãn địa kim). Ấu Dương Tu cười viết: "Trăm hoa rụng tốt, còn trơ cành cúc khô mọc nhĩ" (Bách hoa tận lạc, độc cúc chi thượng khô nhĩ). Tô Đông Pha làm thơ nói khích: "Hoa cúc mùa thu không rụng như hoa xuân, đó là để báo nhà thơ nhìn cho kỹ" (Thu anh bất tỉ xuân hoa lạc, Vi báo thi nhân tử tế khán). Vương An Thạch nghe xong bảo rằng: "Hoa cúc mùa thu rụng là thơ của Khuất Nguyên, lẽ nào Tử Thiêm không rõ sao?". Bản thân Tô Đông Pha cũng có câu thơ vịnh "Dạo gót tường đông ngửi mùi hoa cúc rụng" (Man viễn đông li khứu lạc anh). Trên thực tế, hoa cúc trong phòng chỉ khô quắt lại chứ không rụng, nếu ở ngoài trời mưa to gió lớn cũng có thể rụng, song "vàng khắp đất" thì lại chỉ là lời khuếch đại của nhà thơ mà thôi. Hoa cúc làm thuốc thì hái vào lúc hoa còn chúm chím chưa nở bung ra, dĩ nhiên, không thể là hoa rụng được.

Còn về việc dùng hoa cúc làm ruột gối thì thời cổ xưa cũng đã có ghi chép lại còn lưu truyền trong dân gian cho đến ngày nay. Thành phần volatilization của hoa cúc được người hấp thu từ từ qua miệng, mũi, da làm cho ban đêm người ta dễ ngủ, đến sáng dậy thì đầu óc tỉnh táo, mắt sáng, nét mặt rạng rỡ. Có người dùng hoa cúc phối hợp với những vị thuốc như bạch chỉ chẳng hạn làm thành gói thuốc, dùng để điều trị cho trên 1.000 bệnh nhân mất ngủ, đã kéo dài thêm giấc ngủ được trên 2 giờ, tỷ lệ hữu hiệu trên 90%, không có bất cứ một phản ứng phụ nào. Đối với người già và người huyết áp cao lại càng thích hợp. Trẻ em dùng gối thuốc hoa cúc có thể phòng chữa bệnh rôm sảy.

Hoa cúc có thể ứng dụng rộng rãi trong việc ăn uống để chữa bệnh, như pha chế thành đồ uống, bánh điểm tâm, làm món ăn trong bữa ăn hàng ngày. Trong thức ăn hàng ngày dùng hoa cúc bày ở xung quanh mép đĩa, dùng cánh hoa làm món rau xào, nước hoa cúc đem nấu canh. Hoa cúc nấu với bột cua là một trong những món ăn nổi tiếng của Trung Quốc. Hoa bạch cúc ngâm rượu, không những màu, mùi, vị đều tốt, uống lâu dài không những sẽ bổ ích cho cơ thể, mà còn có thể giải nhiệt của rượu, có thể phối hợp dùng với cẩu khởi tử; nhưng độ rượu chỉ nên thấp thôi.

Nguyễn Tràng Cát

Bonsai, một nghệ thuật sống

Còn gì thi vị bằng vào một ngày cuối đông và đầu xuân, ngồi thanh thản uống trà Tiên Nữ (Ten Wu) hay trà Bích Loa Xuân (Pi Lo Chun) lại được ngắm một cành lan tím đang nở hoa hay một cây bonsai để thả hồn theo trí tưởng tượng, hòa mình với thiên nhiên và ký ức.

Bonsai là gì?

Nếu dịch sát nghĩa thì bonsai chỉ có nghĩa là cây trồng trong cái khay. Chữ Bonsai mới chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ xứ Phù Tang từ vài thế kỷ nay. Bonsai có nghĩa là cây cổ thụ làm nhỏ lại, bắt chước theo thiên nhiên, chứ không có nghĩa là làm cây lùn đi hay do sự lùn di truyền.

Người Nhật ngày xưa có biệt danh là chú lùn, ngày nay do sự cải tiến dinh dưỡng, họ không còn lùn nữa nhưng họ có khuynh hướng làm cái gì cũng nhỏ lại do hoàn cảnh điạ lý, nhân mãn, không gian, đất đai hiếm... Cứ nhìn sản phẩm của Sony thì thấy càng ngày càng nhỏ lại, người máy (robot) cũng vậy.

Bonsai mục đích là làm nhỏ thiên nhiên cũng vì nhu cầu thưởng ngoạn cây cảnh mà không có phương tiện thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên. Có một ông Zeko Nakamura nghệ nhân Bonsai (bonsai artist, bonsai master) có hơn 1,000 cây bonsai trong sân sau, không cây nào cao quá 4 inches.

Do định nghĩa trên bonsai bao gồm cả lịch sử, nghệ thuật, khoa học và cả ý nghĩa về triết học.

Lịch sử Bonsai:

Nghệ thuật trồng tỉa và tạo hình các cây kiểng và cổ thụ làm nhỏ lại đã có ở Trung Hoa ít nhất từ thế kỷ thứ 7. Một vị thiền sư Nhật đã du nhập vào Nhật Bản vào thời đại Kamakura (1192-1333). Dựa theo các di cảo trong văn khố, bonsai được ghi nhận đầu tiên trong bức tranh cổ của thiền sư Honen. Một vở kịch Noh (Kabuki) nổi tiếng mang tên Hachi No Ki đã đề cập đến cây mận, cây đào và cây thông được trồng trong chậu. Vở kịch đó chứng tỏ nghệ thuật bonsai đã được ca ngợi trước thời đại Heian (794-1191).

Mãi đến thời đại Edo (1615- 1867), tên cũ của Tokyo, nghệ thuật trồng bonsai mới trở nên phổ thông, được nhiều người yêu chuộng và phát triển mạnh mẽ.

Để đáp ứng với nhu cầu quần chúng ham mê chơi bonsai, lần thứ nhất một cuộc triển lãm bonsai đã được tổ chức tại Tokyo năm 1914. Đến năm 1934, một buổi trình diễn bonsai khác được trưng bày tại Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Đông Kinh và tiếp diễn cho tới ngày nay.

Bonsai ngày xưa được coi như thú tiêu khiển của các nhà giàu có. Ngày nay, bonsai được nhìn nhận là một nghệ thuật, một thú vui nhàn nhã cho đại chúng, nhất là ở các đo thị lớn, ít gần gũi với thiên nhiên.

Bonsai là một nghệ thuật sống :

Sống về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Cái khác giữa sự thưởng thức một cây cảnh thường và thưởng ngoạn bonsai, là trong cây cảnh thường người ta tập trung nhiều hơn vào việc ngắm hoa và lá. Ở bonsai, sự thưởng lãm thường nằm ở vẻ đẹp của toàn cây và sự hòa điệu của cây với chậu cành.

Bonsai được coi là nghệ thuật sống vì nó đang liên quan đến thực vật còn đang sống. Nó là một hình thức nghệ thuật cũng như nghệ thuật hội họa và nghệ thuật điêu khắc.

Người họa sĩ đem vẻ đẹp của thắng cảnh lên khung vải, phương tiện của họ là màu sắc và sự khéo léo tinh xảo của bàn tay.

Người nghệ sĩ bonsai cũng vậy, họ tái tạo thiên nhiên bằng cách thu nhỏ lại nhưng chất liệu là cây thật, cũng dùng bàn tay khéo léo cộng với sự tưởng tượng phong phú.

Kết quả là cả hai đều có tác phẩm từ sự sáng tạo mà ra.

Nhưng tác phẩm của họa sĩ dừng lại tại đó.

Tác phẩm của nghệ sĩ bonsai vẫn chưa bao giờ hoàn tất, vì nó là tác phẩm sống và vẫn sinh trưởng. Vì thế tác phẩm bonsai còn phải qua bao nhiêu thăng trầm, thử thách, có thể tốt đẹp hơn hay xấu hơn, về lâu về dài, miễn là nó còn sống.

Tác phẩm bonsai cũng vô giá vì nó là một trong các bộ môn ưa thích của các nhà sưu tập. Truyền thống nước Nhật là các bonsai nổi tiếng đều thuộc các đại gia đình Samurai và daimyo (sứ quân) danh tiếng. Mỗi bonsai là một tác phẩm duy nhất (unique) không bao giờ có hai cây hoàn tòan giống nhau kể cả chậu. Bon sai được yêu chuộng và còn được kính trọng vì tuổi tác của nó. Bonsai còn là gia bảo của các vua chúa, lãnh chúa, các samurai thuộc các dòng họ lớn. Nhân dịp nước Hoa Kỳ kỷ niệm lễ Độc Lập 200 năm (Bicentenial), Hoàng gia Nhật có gửi tặng sưu bộ bonsai 53 cây, trong đó cây già nhất là cây thông trắng 350 tuổi và một cây thông đỏ 180 tuổi, lần thứ nhất bonsai Hoàng gia Nhật đi ra khỏi vườn Thượng Uyển và lần đầu tiên ra khỏi nước Nhật để qua làm quốc khách trên đất Mỹ. Năm 1998, chính phủ Nhật lại bổ túc thêm 7 cây bonsai nữa cho chẳn 60.

Bonsai nổi tiếng thì các nghệ sĩ bonsai cũng nổi danh như các họa sĩ, điêu khắc gia quốc tế. Họ không chỉ tạo bonsai mà còn tạo cho nó một đặc tính, một linh hồn. Bonsai không có hồn thì không còn là bonsai.

Dầu mắc đến đâu, bonsai cũng như bức tranh, giá trị nó không nằm trong chất liệu từ đó nó được tạo ra, mà giá trị do nó mang lại sự sảng khoái tâm hồn cho người ngắm nó.

Bonsai và giá trị triết học:

Người chơi bonsai có một nhân sinh quan và một vũ trụ quan cao hơn mức độ bình thường.

Việc đem thiên nhiên thu nhỏ vào chậu với những đặc tính cao đẹp của nó cũng đã đòi hỏi một trình độ thưởng thức cao. Nhìn một cây bonsai với dáng dấp gió quất ngả (windswept style) ta tưởng tượng như đang ngắm một cây thông ngoài thiên nhiên, cang cường chống chọi với dương gió bão tố, khí hậu bất trắc, nói lên các đặc tính cao cả hiếm có của các "lão tướng" vẫn phấn đấu dẫu phải trơ gan cùng tuế nguyệt.

Người chơi bonsai còn tạo cho mình một tâm hồn yêu thiên nhiên, biết trọng cái đẹp của thiên nhiên và biết hòa mình vào thiên nhiên. Cái hòa nhịp (harmony) đó làm cho đời sống được quân bình giữa những bon chen, ô trọc... Ngay cách tưới bonsai cũng là một triết học, ta không thể tưới ào ào như tưới cây cảnh thường trong chậu sâu, mà mỗi lần một ít đợi cho nước thấm rút rồi mới tưới tiếp, thời gian đó rất bổ ích cho sự quán tưởng các định luật sinh tồn, đến vòng sinh hoá của trời đất, tương quan giữa con người và thiên nhiên, tạo nên một sự giao cảm giữa người và cây qua sự săn sóc trìu mến, nâng niu.

Vô hình chung người chơi bonsai tạo được đức tính thâm trầm, nhẫn nhục, biết yêu thương, tha thứ và có tâm hồn nghệ sĩ.

Bonsai là một khoa học:

Người yêu bonsai, ngoài sự đòi hỏi trình độ thưởng ngoạn, cũng cần phải có kiến thức tối thiểu về thực vật học, về hóa học, vật lý học, quang học và tính kiên nhẫn.

Biết về thảo mộc học sẽ gíup ta chọn cành cây thích hợp cho hòan cảnh sinh sống, cách nuôi dưỡng và săn sóc theo mùa.

Nắm được căn bản về kỹ thuật tạo hình, thay chậu, quán giây, bón phân, pha trộn đất sẽ giúp cây được lành mạnh, tiếp tục sinh trưởng và không bị chết (nhất là các cây đắt tiền).

Phân biệt Bonsai và Penjing:

Tại National Arboretum ở Washington D.C. còn có một bộ sưu tập khác do chủ một ngân hàng ở Hồng Kông, ông Yee Sim Wu tặng chính phủ Mỹ vào năm 1986. Sưu bộ mới này gồm 31 cây bonsai (tiếng Trung hoa gọi là Penjing) từ 15 đến 200 tuổi.

Đặc điểm là bộ sưu tập Penjing vô giá trên các chậu xứ đều là đồ cổ quý giá, không gì thay thế nổi. Một trong các chậu đó là một chậu xứ 300 năm hình chữ nhật màu xanh lục xen men trắng xuất phát từ tỉnhQuảng Đông, Trung Quốc. Cây cảnh thì có cây bông lài màu cam hơn trăm tuổi, cây trà Phúc Kiến, thông Quảng Đông...

Cũng là cây thu nhỏ, cái khác nhau giữa Penjing và Bonsai nằm trong đặc tính địa lý, thẩm mỹ và triết lý.

Penjing là cái nhìn từ ngoài nhìn vào. Thường Penjing đi với đá, tượng tháp hoặc chùa kèm với cây cảnh.

Bonsai là cái nhìn từ bên trong nhìn ra. Bonsai tạo nên mộ sự tĩnh lặng, sự trang trọng của một khu rừng già, sự tinh khiết của một khe suối, và vẻ quắc thước hoặc thướt tha của một thân cây, một cành cây có một linh hồn, trong bonsai không dùng các hình tượng (figurine) để phát biểu, bonsai thích kèm rêu và đá để tạo quân bình (accent).

Trong Penjing, ảnh hưởng khá rõ rệt của các trường phái hội họa trong các bức tranh cổ của giới nho gia (literaci) Trung Quốc.

Penjing thường chú trọng của đặc tính của thân và cành, lá chỉ là phần phụ. Penjing dùng chậu sâu nhiều hơn.

Trong bonsai, người Nhật cố gắng trong việc "chụp hình" được toàn thể cây kiểng trong dạng thu nhỏ hoặc tí hon - nhưng vẫn phát biểu được sự đáng kính về tuổi tác- với toàn thể rễ, thân, vỏ cây cũng như các cành rũ và lá. Bonsai dùng chậu cạn, những mảnh đá lõm hoặc bằng phẳng, chỉ có loại có dạng thác đổ (cascade) là bắt buộc phải dùng chậu sâu vì nhu cầu cân đối thẩm mỹ và đứng vững.

Điểm tương đồng giữa Bonsai và Penjing là cả hai tìm cách thu nhỏ cây lại qua cách tập luyện riêng rẻ hoặc từng nhóm. Kết quả không thực sự thu nhỏ toàn thể vì hoa và trái vẫn giữ vóc dáng bình thường, chỉ có lá là nhỏ hơn thôi.

Vì thế các loại cây kiểng có lá nhỏ đẹp, nhỏ nhắn mọc sát nhau và cành có dáng dấp đẹp là các loại lý tưởng để tạo thành bonsai và penjing.

Ngoài các yếu tố trên, nên chọn các cây có khả năng phát triển trong chậu cạn và khả năng "chịu trận" qua sự cắt xén liên tục từ rể đến ngọn.

Các cây bonsai nổi tiếng làm từ các danh mộc cao nhất thế giới như cây sequoia (redwood), bald cypress...

Các loại cây Việt Nam có dáng bonsai đẹp tự nhiên là cây me, cây bông giấy, cây cỏ trúc, cây sung, cây cùm nụm, cây liễu rủ...

Có lần tôi mang một "đứa con" đi triển lãm với Liên hội Bonsai vùng Potomac. Tôi làm một cây bonsai bằng cây chuối con, để y các lá khô cho có vẻ "cao niên", thêm rêu nhung , để một con ngựa màu bích ngọc (emerald) trong xanh, và một cục đá Atacamite xanh vân trắng có bệ gỗ của Đại Hàn. Trước sự ngạc nhiên của tôi, các hội viên và quan khách thi nhau chụp hình cây chuối, họ bảo chưa thấy bao giờ, khi họ tìm hiểu tuổi của cây bonsai, tôi trả lời: "Một tuổi ". Họ phá lên cười vì đa số các cây khác đề trên 10 tuổi. Thì ra người Mỹ họ biết chuộng tuổi tác của cây, nhưng tuổi tác của cha mẹ thì họ quăng vào nhà già, nursing home...

Phân loại Bonsai:

Bonsai có thể chia ra làm ba loại chính về nguồn gốc:
1. Bonsai thiên nhiên
2. Bonsai nhân tạo
3. Bonsai do sự trồng tiả từ hột hoặc cắt tháp nhánh.

1. Bonsai thiên nhiên:

Loại Bonsai này thường thấy mọc trong các kẽ đá trên núi cao, hoặc nơi các ghềnh đá dựng cheo leo dọc bờ biển trên các hosng đảo. Thường trên các cuộc đất rất khô khan và nghèo về dinh dưỡng, thế mà nhiều cây sống đến vài thế kỷ tuy chỉ cao có vài feet, mang đầy đủ các đức tính hiếm có và đáng kính của các "lão tướng".

Muốn sưu tập loại Bonsai này không phải dễ, nhiều người đã bỏ mạng trên các ghềnh đá chơ vơ.

Làm thế nào để bứng các cây bonsai đó mà không làm thiệt hại rễ? Làm thế nào để cây đem về được thích nghi với môi sinh mới? Nhiều cây bonsai thiên nhiên đã quen dạn dày sương gió, khi về nhung lụa vẫn chết vì "nhớ"mây nhớ nước, nhớ cảnh hùng vĩ, nhớ cả bão tố khí hậu hung tàn...

Nước Nhật cổ bao trùm bởi những huyền bí, cái gì cũng biến thành đạo, từ Thần đạo (Shinto) đến Võ sĩ đạo (Bushido), Kiếm đạo (Genko), Hiệp Sĩ đạo, Trà đạo, Hoa đạo... và họ tin là có các vị thần núi bảo vệ các cây cổ thụ, muốn mang về phải làm lễ bái không thì bị thần xô rớt xuống núi.

Ở Việt Nam , tôi vẫn thương nghe những người khai thác lâm sản nói, những người còn trẻ không nên nằm trên giường gõ hay divan bằng cây cẩm lai, gỗ nu vì các loại danh mộc đó thường sống trên trăm năm, nằm lên sẽ bị giảm thọ.

Tôi lại nhớ ở quê tôi có ông nhà giàu - ông Tám Mộng - nổi danh về chơi kiểng. Ông chuyên mướn người đi bứng các cây mai dại già trên 50 tuổi. Cách bứng khá công phu vì phải đào trước một bên nửa gốc đổ đất tốt trộn phân rồi bó rễ lại. Để ba tháng sau cho rễ nuôi mọc rồi mới làm y như vậy phân nữa gốc kia. Đợi thêm 3 tháng nửa mới bứng về để trồng trong các chậu khổng lồ. Ngày nay ông đã bị nhà nước tịch thu tất cả và biến ông thành một người làm vườn- giống như vua Phổ Nghi trong phim The Last Emperor - có phận sự săn sóc cây kiểng của mình cho khách ngoại quốc thưởng lãm (nhà ông thì bị xung công dùng làm cư xá vãng lai tiếp rước ăn ở cho các phái đoàn ngoại giao). Cái lạ là ông tìm được một hạnh phúc nào đó trong việc được nhà nước cho phép ông tiếp tục săn sóc các đứa con, tác phẩm tinh thần của ông.

Các loại Bonsai thiên nhiên nhiều và đẹp nhất nước Nhật thường nằm trên các đảo phía Bắc đảo Hokkaido, ngày lại là quần đảo Kuriles bị Nga sô chiếm đóng. Trên các ghềnh đá các loại Tùng (Juniper), Thông đỏ, Thông đen, Sargeant Juniper, Ezo Spruce...là các loại đẹp nổi tiếng để làm bonsai.

2. Loại Bonsai nhân tạo:

Có hai loại : từ cây giống thông thường trong các trại cây (nurseries) hoặc từ các giống kiểu được sưu tầm.

a. Cây giống thông thường:

Cây giống già từ 3 đến 10 tuổi là cỡ dễ tạo hình bonsai nhất. Hai loại cây thông dụng là loại lá xanh muôn thuở (evergreen) và loại cây lá đổi màu theo mùa (deciduous).

* Loại cây xanh phần lớn có dáng chóp nhọn (conifers) gồm các loại thông, tùng, bách, trắc, các loại Đỗ Quyên (Azalea và Rhododrendron...). Họ thông điển hình là Thông trắng, Thông đen, Thông đỏ, Larch, Fir, Spruce, Five Needle, các loại thông cypress thì có Bald Cypress, Hanoki Cypress...

* Loại cây lá đổi màu có cây Phong Nhật, Anh Đào (Cherry), Bích Đào (Quince), loại Peach cho hoa, cây Mơ (Apricot), các loại mận Đalạt (Plum), và các loại Crabapple... Tất cả các loại kể trên đều có cành rất dễ uốn nắn, đưa vào chậu mùa thu là tốt nhất. Thường bắt đầu với chậu nhỏ để rễ được "làm quen" với sự phát triển trong môi sinh mới. Chậu càng cạn càng tốt, lá sẽ nhỏ lại dần dần sau mỗi lần sang chậu.

b. Các giống hiếm sưu tầm:

Nhóm này gồm các cây đào lên từ thiên nhiên đem về cắt xén, cho vô chậu, nếu cần quấn dây huấn luyện nó theo hình dáng hoàn cảnh mới.

Đối với những cây có dáng bonsai tự nhiên, việc tạo hình dễ thôi, chỉ cần một giây đồng và vài sự thay đổi nhỏ trong ba tháng là thích nghi và ổn định với vóc dáng mới.

Đối với các cây mà rễ đã bị hư hại nặng lúc đào xới cần được săn sóc cẩn thận hơn, nhất là vào đầu mùa hè đầu tiên khi khí hậu nóng và khô. Thường thường thì tiêu chuẩn bonsai là không được cao quá 3 feet, nếu cần phải hy sinh cắt bỏ bớt, nếu tiếc thì sẽ không còn là bonsai mà thành cây cảnh thường.

3. Loại Bonsai gầy từ hạt giống hay cắt cành:

Đây là một trong những cách công phu và hào hứng nhất trong nghệ thuật chơi Bonsai vì chúng ta "đẻ" ra tác phẩm từ đầu và nuôi nấng qua thời gian.

Nếu hạt giống được gieo trong chậu cạn dưới 4 inches, rong vài năm cây sẽ mọc thấp như một vạt rừng nhỏ, cây cắt từ các cành cắm xuống cũng tạo được hình ảnh một cánh rừng thưa tương tự.

Các giống cây điển hình tạo Bonsai từ hạt giống đáng kể là các cây phong Nhật, cây Birch thân trắng (Bạch Đàn), cây Beech, cây lựu, cây sung, cây Ezo Spruce, các loại Thông, Tùng, Bách, Trắc, Wax tree, Lacquer-tree, Maidenhair tree, Zelkowa ...

Khi các cây on đã thành hình, chúng có thể chuyển qua chậu cạn riêng rẽ hay từng nhóm. Cứ mỗi hai năm lại sang chậu lớn hơn một chút, cứ thế sang chậu độ 2 hoặc ba lần là được.

Nếu lá non mọc quá thừa thãi, đừng tiếc mà phải ngắt bỏ đi cũng như các cành quá dài cũng phải cắt xén bớt, nếu thương tiếc thì dần dần sẽ mất dạng Bonsai mà trở thàng cây kiểng thường. Có các loại không nên ngắt đọt non là Đỗ Quyên (Azalea), Rhododrendron, Ankranthris, Hồng (Persimmon) , Quince, Lài (Jasmine), Fringe tree, Crabaple... vì nụ hoa nằm trên ngọn chuẩn bị nở cho mùa xuân năm sau.

Riêng cây liễu rũ và cây Tamarise được huấn luyện theo cách hay nhất là tất cả các cành mới đều bị cắt bỏ đi giữa mùa xuân. Như vậy khi các cành non mọc lại, nó sẽ trở nên mảnh khảnh, yểu điệu và thanh thoát hơn.

Bonsai còn đẹp nhờ trổ hoa vào mùa xuân, đổi màu lá cho trái vào mùa thu. Có lần tôi đang quay phim và chụp ảnh cây Quince đang mang trái, có ba bà Việt Nam tưởng tôi là Nhật hay Đại Hàn, nên bà này bảo bà kia :"Đào tiên đấy, lén hái ăn sẽ trẻ lại vài chục tuổi"... Cây Đào đó trên 150 tuổi của vua xứ Maroc tặng nước Tạp Chũng Quốc.

Các dạng Bonsai :

Tạo hóa là một nghệ sĩ tuyệt luân. Mỗi dạng cây ngoài thiên nhiên đều mang nét độc đáo với vẻ đẹp hiên ngang, hùng dũng hay ẻo lả của nó.

Cố gắng của người nghệ sĩ Bonsai là tái tạo lại toàn bộ dạng cây trong một mô thức nhỏ bé nhưng phải lột tả hết tất cả những đặc tính của thiên nhiên, cộng thêm với phần sáng tạo qua sự họa kiểu dựa theo đường nét, khối lượng, sự cân bằng của thị giác và thị hiếu trong một không gian ba chiều. Tất cả được tuân theo các quy luật thật tinh tế và khéo léo để đạt đúng nghệ thuật Bonsai: đẹp, dễ nhìn và có hồn.

Bonsai có quy luật của nó, bất cứ dạng thức nào cũng đều nằm trong một tam giác vô hình. Bonsai được tạo để nhìn từ trước chứ không phải nhìn từ chung quanh nên các cành từ phía sau phải nhiều hơn để tạo nên chiều sâu, ngược lại không có cành chỏi về phía trước chỗ người đứng ngắm nó. Các cành được cắt bớt theo lối xen kẽ tạo nên một sự hòa hợp nhịp nhàng với thân, dạng cánh rừng chỉ được dùng số cây lẻ...

Tuy Bonsai có quy luật, nghệ nhân Bonsai không bắt buộc phải cứng nhắc, mà họ có thể "phá cách" như trong thi họa, miễn là nó theo sát đường nét không chỏi lại toàn bộ và không "lạc điệu" làm mất vẻ thẩm mỹ.

Nói chung các dạng Bonsai được phân loại (categorize) theo dạng thức dựa trên yếu tố chánh là thân cây, do đó dạng Bonsai được đặt tên theo dáng diện của thân cây. Có tất cả từ 30 đến 40 dạng Bonsai:

a. Dạng một thân: (Single trunk Style)

Gồm các dạng thẳng đứng theo kiểu cổ điển, thẳng đứng kiểu tự do, dạng thân trên gỗ mục (driftwood), dạng gió rạp (windswept) , dạng rễ mọc trên đá (root over rock), dạng rủ (weeping), dạng thác đổ (cascade)... Mỗi dạng trên lại chia ra các dạng phụ.

b. Dạng đa thân: (multiple trunk style)

Hai, ba hoặc cánh rừng nhỏ. Các dạng đa thân còn chia ra tiểu loại như loại trồng trên đá hoặc loại trồng thắng cảnh (landscape).

Dẫu dưới dạng thức nào, chúng ta nên nhớ là Bonsai chỉ có một ngôn ngữ chung: phát biểu một ý thức nghệ thuật để lại những ấn tượng quý mến lâu dài trong trí người thưởng lãm.

Nên nhớ ngoài cách phân loại trên có những cây Bonsai không được xếp loại vì hình dáng độc đáo, ví dụ cây họ palm, cây chuối...

Cách nuôi dưỡng và săn sóc Bonsai:

Bonsai, cũng như Lan rất dễ trồng nhưng rất khó giữ nếu chúng ta trồng không đúng cách và không có thì giờ săn sóc. Bonsai càng khó hơn Lan vì cách trồng trong châu cạn, đất rất mau khô. Phân bón nhiều quá cây se mọc um tùm mất dạng Bonsai, phân ít, cây không đủ dinh dưỡng sẽ chết. Nước và ánh sáng cũng thế, cái gì cũng vừa đủ không thừa không thiếu.

Chậu Bonsai:

Một trong các yếu tố quan trọng nhất sau chính loại cây được chọn là chậu. Chậu phải thích hợp với loại cây, chậu tròn, chậu vuông, chậu hình chữ nhật, hình đa giác, hình bầu dục. Màu sắc của chậu phải đồng điệu với cây tạo thêm sự duyên dáng cân bằng với cây. Nếu cây có dáng cổ thụ mà chậu thì "trẻ" quá cũng thiếu "môn đăng hộ đối".

Có một chuyện vui về Bonsai là một du khách Mỹ đến trại cây mua một Bonsai, sau khi đồng ý giá cả, người Mỹ trả tiền ngay. Nhưng khi vừa bước chân ra khỏi cửa người bán hàng mới nhận ra giá bán chỉ tương xứng với cây Bonsai mà thôi, ông bèn chạy theo đòi tiền cái chậu; trước sự ngạc nhiên của người bán hàng, người Mỹ quay lại nhổ trả cây Bonsai và quay lưng bước nhanh với cái chậu trên tay... Câu chuyện thì có ý chê bai người Mỹ nhưng đáng để chúng ta ngẫm nghĩ, vì trong các cuộctriển lãm Bonsai tôi có quan sát, các chậu đựng Bonsai nhiều cái là đồ cổ trên trăm năm.

Ngoài chậu đựng, Bonsai còn phải đi kèm với rêu, nó tạo nên sự cổ phong và người Nhật thường thích để đá đẹp chung với Bonsai hoặc để riêng bên cạnh để tăng lên sự nhịp nhàng (accent) của cây.

Rêu thì có nhiều loại nhiều màu khác nhau: đa số rêu nhung xanh là thông dụng hơn cả; tôi đã được thấy tận mắt rêu vàng, rêu nâu, rêu vàng đỏ, và có lần cả rêu màu tím thật lãng mạn.

Một cây Bonsai đẹp phải phơi cả rễ, có cây rễ phủ quanh cục đá (on the rock). Nếu một cây Bonsai mà gốc "cấm dùi" thẳng vào mặt đất thì chẳng còn gọi là Bonsai được.

Như đã đề cập ở trên, môi sinh của Bonsai không được giàu quá cũng không nên nghèo quá. Trong kỹ thuật Bonsai hình như hai chữ "quân bình" và "hòa điệu" (balance and harmony) là luôn luôn phải được nghĩ đến trước khi, đang lúc và sau khi hoàn thành một cây Bonsai có tầm vóc.

Trong khuôn khổ của bài này tôi chỉ có thể tóm lược mà không thể nào đi sâu vào chi tiết kỹ thuật pha trộn đất, cắt rễ, quấn giây. Nó đòi hỏi chúng ta phải theo các lớp huấn luyện chuyên biệt về Bonsai. Muốn đạt nghệ thuật Bonsai phải thực hành, vọc tay càng nhiều càng khéo, trăm hay không bằng tay quen chỉ đúng một phần, phải thêm trăm hay không bằng hên. Cách hay nhất là gia nhập một hội Bonsai địa phương, hiện có trên khắp các thành phố lớn, họp hàng tháng để thực hành kỹ thuật Bonsai, có diễn giả khách được mời (guest speaker) để thuyết minh và phê bình từng dạng thức (style) được thực tập, dần dần, tham gia triển lãm liên hội vùng và triễn lãm quốc tế.

Cách pha trộn đất trồng Bonsai:

Một hỗn hợp pha trộn đất trồng Bonsai chung chung cho mọi thứ là: 3phần đất thịt (loam) + 1 hay 2 phần cát thô hay perlite + 1phần lá mủn hay Peat moss + 1/2 phần phân chuồng (cow manure) + 1/2 thức ăn bằng xương nghiền nát (bone meal). Không bao giờ dùng potting soil pha chế sẵn.

Ngoài ra tùy loại cây chịu acid hay loại cây chịu tính kiềm mà chúng ta nên thêm vôi vào hổn hợp.

Nước và ánh sáng chiếm phần quan trọng còn lại trong việc săn sóc Bonsai.

Thường Bonsai loại xanh muôn thuở (evergreen), loại thông (coniferous) đều thích ở ngoài trời, tưới bằng vòi nước cho thật ướt cả cây lẫn đất.

Loại theo mùa (deciduous) cần phải đem vào nhà vào mùa đông. Để lên một cái khay tưới thật chậm, đợi cho nước thấm rồi lại tưới nữa, vừa tưới vừa "quán niệm" cho đến khi nào thấy nước chảy tràn ra khay hãy thôi.

Những người theo trà đạo thiền tập có thể áp dụng bài quán niệm hơi thở của thầy Nhất Hạnh:

Thở ra thở vào 
Là hoa tươi mát 
Là núi vững vàng 
Nước tĩnh lặng chiếu 
Không gian thênh thang 

sẽ tìm thấy được một hạnh phúc khó tả, một nguồn vui thanh khiết mang đến từ những đứa con tinh thần mà chúng ta nuôi dưỡng bằng nước và bằng tình thương do ta tưới tẩm.

Kết luận: Bộ môn nghệ thuật nào cũng vậy, không thoát khỏi vài vấn nạn. Có người cho là ép buộc cây đang tăng trưởng bị sống gò bó chật hẹp trong một cái chậu đẹp, rồi con bị quấn giây để tạo hình tạo dáng là ác độc đối với cây. Phe chống này điển hình là phim Karate Kid III trong đó ông Pat Morita bắt buộc đệ tử phải leo ghềnh thác cheo leo để trả cây về với môi sinh thiên nhiên; hay nhà văn Quí Thể với "Cây Cổ Thụ Lùn" đề nghị đem trồng bonsai ra đất để có bóng mát.

Phe mê Bonsai thì biện hộ là cây làm Bonsai được chăm sóc ưu ái, được chiều chuộng, được ngưỡng mộ, được coi như gia bảo, được coi là quốc bảo làm tặng vật giữa quốc gia và quốc gia. Vì thế có cây sống cả hàng mấy thế kỷ, nếu để ngoài thiên nhiên cây có thể đã chết từ lâu rồi.

Cây ơi cây, ước gì cây biết nói để loài người nhiều chuyện thôi cãi nhau nữa, và để cho các nghệ nhân Bonsai được bày tỏ lòng ưu ái, thương mến cây một cách tự do mà không bị ai trách móc, và được thực hành "nghệ thuật sống" cho quả đất này tròn hơn , vui hơn.

Thái Thụy Vy
(Hội viên Northern Virginia Bonsai Society)

Đà Lạt thành phố ngàn hoa

Khi đặt chân lên Đà Lạt thành phố nằm trên cao nguyên Langbian du khách sẽ không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng với những rừng thông trùng điệp, thác nước hùng vĩ và vô vàn các loài hoa. Không có nơi nào trên đất nước ta lại nhiều hoa như Đà Lạt - hoa rừng thiệt đới lẫn hoa vùng ôn đới, hoa Phương Tây lẫn hoa Phương Đông đua nhau khoe sắc.

Riêng hoa cúc, Đà Lạt đã có trên 20 loài. Một trong những loài hoa cúc hay được nhắc đến là Sans-souci (Không vướng ưu phiền), sau đó là Hortensia (Cẩm tú cầu), Pense'e, Cosmos (Bươm bướm), Oeillet (Cẩm chướng), Violetle (hoa tím), Immortelle (Bất tử). Một số loài có nguồn gốc từ Bắc Mỹ, Mêhicô, châu Phi hoặc châu Âu nhưng có tên Việt Nam như: hoàng Anh, Thược dược, Thu hải đường, Mõm sói, Lồng đèn.....

Lan Đà lạt có trên 200 loài, trong đó có 5 loài được phát hiện lần đầu tiên tại Đà Lạt. Có ba loại chính là Thổ lan, Thạch lan và Phong lan. Thổ lan tức lan đất, mọc ở bờ suối hay những nơi ẩm ướt trong rừng. Thạch Lan tức lan đá, mọc trong khe hay trên núi đá có rêu. Phong lan thì sống cộng sinh trên thân cây khác. Người ta còn đặt tên lan theo hình dáng và sắc hoa, lá hay thân, rễ của nó thư Bạch đính, Bạch hạc, Nhất điểm hồng, Thuỷ tiên, Tiên hài, Hàm Lân Kim Điệp, Long tu, Hoàng lan, Bò cạp...Ngoài ra, có nhiều giống nhập từ nước ngoài về làm phong phú thêm bộ sưu tập lan của Đà Lạt.

Một loại hoa khác đặc trưng của Đà Lạt là hoa anh đào. Hoa anh đào có năm cánh đơn giống như hoa mai, mọc hoang trong rừng và được đem trồng ở Đà Lạt từ đầu thế kỷ XX. Cứ độ gần Tết, hoa lại nở rộ báo hiệu xuân sang và một năm mới sắp về.

Hoa hồng Đà Lạt có lọai có nguồn gốc từ Trung Đông như loại Rose Lutea hay di thực từ Trung Quốc vào châu Âu thế kỷ XVIII như Rose Indicafragans. Còn có nhiều giống hồng mang tên Phương Tây như Brigitle Bardot hồng thắm như màu môi cô tài tử lừng danh nước Pháp. Silver Star tím nhạt quyến rũ, America đỏ tươi rực rỡ, Josephine Kennedy màu vàng óng ánh, Grance Monaco màu hồng phấn trang đài như hoàng hậu xứ Monaco.

Bên cạnh đó là vô số loại hoa Phương Đông duyên dáng, mềm mại. Tại các vườn hoa trong thành phố, các vườn nhà của tư nhân, du khách có thể nhìn thấy màu hồng của hoa tường vi, hoa đào, màu tím của hoa cúc Nhật Bản, Ngọc Hân, màu vàng của hoa cúc đại đóa, hoa thiên lý, màu đỏ của hoa dâm bụt, màu trắng của hoa sứ, hoa huệ, trà mi...Về đêm, hương thơm ngào ngạt tỏa ra từ hoa dạ lan, hoa lài, hoa hồng... làm cho núi rừng cao nguyên càng thêm quyến rũ.

Trong những rừng thông, ven bờ suối, trên đồi hoang, bãi đất trống, người ta còn gặp cơ man các loại hoa dại vừa lạ vừa đẹp lại dễ phát triển như me đất, trinh nữ, huệ đất, cúc quỳ, đỗ quyên, hoa mua, bướm bạc...

Có thể nói ở Đà Lạt đi đâu cũng gặp hoa. Bởi vậy mà Đà Lạt được mệnh danh là "Thành phố ngàn hoa".

(Theo TBDL)

Cây Mai ngày Tết

Qua khỏi cầu Bình Lợi, trên quốc lộ số 1 hướng về Thủ Đức là những khu vườn sầm uất với các loại cây ăn trái như mãn cầu, bòn bon, lê kei ma, ổi… và đôi khi có nhà vườn trồng đôi ba gốc chôm chôm và dâu da. Nơi đây là những khu vườn tư nhân không phải là nơi thương mại như các vườn cây Lái Thiêu. Các khu vườn nầy đôi khi có những con lạch nhỏ chảy qua và những gốc dừa xiêm cao không quá bức tường thành ngăn cách đường xe lửa xuyên Việt chạy qua khu vực. Những khu vườn nằm trên quốc lộ số một bên kia sông Sài Gòn không xa đô thành là mấy, như mang một vẽ khác hẳn với chốn thị thành. 

Những làng quê, nửa chợ nửa quê, là nơi vui thú điền viên của các chủ nhân một thời chen chân trong chốn bụi hồng. Tuy nhiên, phần lớn các gia chủ là những nông dân, tiểu thương gia, hoặc một đôi căn là nhà từ đường của giòng họ. Nằm dọc theo sông Sài Gòn về hướng Bình Triệu, Lái Thiêu, Thủ Dầu Một còn có những khu vườn nho nhỏ xinh xinh trồng hoa kiểng bán Tết. Trong những khu vườn đó có những khu vườn trồng rặt một loại: Hoa Mai. 

Hoa Mai, với miền Nam nước Việt, nằm trong vùng khí hậu nhiêt đới rất thích hợp môi trường cho Hoa Mai đơm bông nẩy lộc mỗi dịp Xuân về Tết đến. Khác với miền Bắc, khí hậu có phần nào lạnh lẽo hơn, thích hợp cho Hoa Đào khoe sắc. 

Đào đỏ, mai vàng. Màu đỏ thăm tươi biểu tượng cho sự vui mừng; màu vàng tượng trưng cho sự cao thượng vinh hiển cao sang. Tại nước Việt màu vàng còn tượng trưng cho Vua (thời phong kiến) Màu vàng thuộc hành Thổ trong ngũ hành- Thổ nằm ở vị trí Trung Ương, và màu vàng cũng tượng trưng cho nòi giống Việt. Không ngạc nhiên dân Việt chuộng mai vàng cho ngày đầu năm tại phương Nam.

Nói đến hoa Mai sách vở và trong dân gian chia Mai làm mấy loại: 

Khánh khẩu mai: Mai trồng ở vùng núi Khánh Khẩu (Có lẻ ở bên Tàu)

Hà Hoa mai: Cánh mai giống cánh hoa sen ôm tròn vào nhụỵ

Đàn Hương mai: Mai vàng màu sậm, nhiều hoa, hương thơm nồng, nở sớm.

Ban Khấu mai: Cánh hoa cong cong, không nở xòe như các loại khác.

Cẩu Đăng mai: Hoa nhỏ không có hương thơm.

Không biết từ lịch sử nào trong dân gian có những phân chia như vậy về Mai. Tuy nhiên, theo sự thông tục bình thường, người chơi mai, mua mai chỉ chú đến 2 loạị Mai Tứ Quý, nở bốn mùa có năm cánh, bông to, và một loại Mai có mười cánh, bông nhỏ hương thơm. 

Khi chọn mua một cành mai về chưng trong ba ngày Tết, người mua thường để ý các điểm sau đây.

- Những cành mai có dáng đẹp, với các hình dáng một gốc “lão mai” gốc to, da sần sùi, mọc rong rêu càng tốt, nhánh khẳng khiu và có thể có những hình thể như: Chân quỳ, Hạc bay, Phụng Hoàng…



Ngoài những nét trên, người mua mai còn chú trọng đến sự phân chia các nhánh trên một gốc mai. Nhánh to, nhánh nhỏ, sự sắp xếp các nhánh. Có thể phân chia tên gọi tùy sự phong phú của các tay chơi mai chuyện nghiệp. Nhìn chung có các điểm cần chú ý khi lực một nhành mai: Các cành phân chia thứ lớp, bông rải đều, nhánh to khỏe, nhánh uyển chuyển, nụ bụ bẩm, lá non vừa nhú. Ngoài ra các người chơi mai chuyên môn còn phân biệt thêm nhiều thứ phụ khác nữa mà chỉ có các nhà ấy biết mà thôi. Thí dụ như Nhụy Âm Dương, Cành Tứ Quý. Nhụy âm đương là chỉ đạo vợ chồng phu phụ, cành từ quý chỉ bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông…v.v. Đặc biệt là các nhà nho học chơi mai rất công phụ Một cành mai nở không đúng vào dịp Tết, mai vừa nở đã rụng, hoặc các nhánh phân bố không hợp cách là xui xẻo cả năm (Người chơi mai tin như vậy).

Nói chung do sự nhân cách hóa mà con người đã đặt vào cây mai khi đem bày trong nhà trong ba ngày Xuân. Phong tục á Đông nói chung, Việt nam nói riêng rất trọng sự tôn ti trật tự, trên dưới trong ngoài thành nề nếp. Và mỗi cuộc chơi đều mang theo nhiều ý nghĩa cao siêu.

Từ những nhu cầu như thế cho nên ngoài những cành mai bình thường bày bán trong các chợ tết, những cành mai nầy cắt từ những cây mai trong vườn, bó lại bằng lá dừa và mang ra chợ bày bán, cốt mua về cho có hương thơm, có màu vàng trên bàn thờ cho tăng thêm không khí tết; các chủ nhân các gốc lão mai thường ỏ công ra chăm bón những cành mai rất đạt tiêu chuẩn yêu cầu của các bậc danh nho đòi hỏi. Tất nhiên các gốc mai nầy giá đáng bạc vạn.

Trồng mai trên đất vườn phải là thứ đất đen, đất thịt nhưng không giữ nước để tránh úng thủy. Mai trồng trên các luống vồng cao, có khoảng cách vừa đủ đề cây tăng trưởng. Mỗi năm vào rằm tháng 10 Âm Lịch phải ngắt hết lá để dồn nhựa cho các nhánh ra hoa. Tuốt lá không đúng ngày sẽ ảnh hưởng đến ngày hoa nở. Khi cắt nhánh đem ra chợ phải đốt gốc. Cách đốt gốc cũng góp một phần không nhỏ vào việc giữ cho hoa nở bền hơn. 

Ngoài các loại mai vàng kể trên, tại Lục Tỉnh còn một loại mai trắng, còn có tên gọi là Nam Mai- Cây Nam Mai chánh thực là cây gì? Đó là cây Mù U. “Nhánh mù u con bướm vàng không đậu, vì xa em mà thành điệu nhớ não lòng” Mù u bông trắng, năm cánh, lá mù u to bản dày kích thước chừng bàn tay người lớn. Thân mu u là thân mộc, mù u có trái tròn không ăn được, hột mù u ép làm dầu thắp đèn, nhiều khói ít sáng. Cây mù u có tên Nam Mai trong sự tích Gia Long Tẩu quốc.

Cứ mỗi dịp Xuân về bất cứ con người Việt Nam nào, nếu còn yêu quê hương, còn trông về nguồn gốc, đều cảm thấy một nỗi sầu man mát dâng tràn. Dù cho đang sống tại quê nhà hay đang lưu lạc khắp năm châu bốn biển. Nhắc đến cây Mai là nhắc đến ngày tết cổ truyền dân tộc, nhắc đến bành dày bánh chưng, cây nêu tràng pháo, thịt mỡ dưa hành. Tại Hoa Kỳ không tìm được giống Mai Vàng nên tạm dùng cành đào hồng (plum) bông nhỏ mỏng manh thay thế cây Mai Vàng ngày đó để chưng nơi bàn thờ và treo đôi bà cánh thiệp xuân để nhớ những ngày Xuân yêu thương trên đất mẹ.

Lê Việt Điểu