Pleiku vàng rực dã quỳ

TTO - “Đắm đuối cúc quỳ dẫn lối/ Dắt tôi về Pleiku thuở ấy thơ ngây”... Thăm phố núi Pleiku (Gia Lai) vào những ngày này, hoa dã quỳ vàng ươm dẫn lối ta đi.
Mùa dã quỳ nơi phố núi trập trùng đồi núi này bắt đầu từ cuối tháng 11 cho đến tận những ngày xuân sang. Hoa dã quỳ vàng rực các triền đồi, trải dọc ven các cung đường Tô Vĩnh Diện, Bùi Viện, Lê Duẩn…
Hoa dã quỳ nhuộm vàng khắp nơi có đất trống, dệt nên những thảm hoa vàng chạy tít tận chân trời. Loài hoa rừng có vẻ đẹp hoang dại, sức sống mãnh liệt đã đi vào thơ nhạc họa và làm đắm say bao người càng đẹp hơn dưới bầu trời trong xanh, tiết trời lành lạnh của phố núi khi mùa xuân sắp về.

Dã quỳ trên triền đồi
Mùi ngai ngái đắng đặc trưng của dã quỳ cùng màu vàng quyến rũ của loài hoa dại đã dệt nên những chuyện tình dã quỳ. Nơi cung đường nhỏ dẫn vào làng Văn hóa Pleiop (Pleiku, Gia Lai), chàng trai trẻ thích thú khi chọn được nhành dã quỳ ưng ý tặng người yêu. Đâu đó nơi trường phổ thông trung học Pleiku, chàng thư sinh mải mê ngắm cúc quỳ, chờ người thương.
Mùa dã quỳ đến cũng là lúc bé trai, bé gái tha hồ vờn hoa, bắt bướm, đuổi ong bên những dậu dã quỳ ven đường. Dã quỳ nâng bước những chú ngựa lên đường chở khách đêm...
Giăng khắp lối vào ra phố núi, dã quỳ đẹp mê hoặc còn long lanh giọt sương ban mai... Dọc đường đến Biển Hồ cũng một màu vàng dã quỳ. Dã quỳ nơi đây được tôn lên vẻ đẹp nhờ làn nước trong xanh của Biển Hồ làm nền. Cái màu vàng đặc trưng ấy đã níu chân bao nhiêu lữ khách lại chụp hình.
“Biển hồ duềnh sóng
Thông say
Biển hồ say”

Và ta say dã quỳ nơi phố núi.

Bướm và hoa bên Biển Hồ xanh trong

Dã quỳ len vào phố

Du khách say sưa chụp ảnh dã quỳ

Một nét đẹp khác của dã quỳ lúc chiều buông
CÁT MINH

Nguồn Tuổi trẻ Online

Hoa nào cho Đà Lạt?


Trong cuốn Đà Lạt năm xưa (NXB TP.HCM, 2001), nhà nghiên cứu Đà Lạt Nguyễn Hữu Tranh trích dẫn văn bản của hai người Pháp là Pierre Andelle và P. Munier (đăng trên tạp chí Indochina số 28, năm 1941 chuyên đề về Đà Lạt) mô tả vẻ đẹp của xứ sở hoa Đà Lạt. Có thể đây là hai người đầu tiên chính thức dùng từ “thành phố hoa” để tôn vinh Đà Lạt.

Hoa dại điểm trang khắp nơi cho thành phố hoa
Pierre Andelle mô tả hoa ở một “khoảng cách” gần: “Một cây mimosa gần tôi tỏa hương thơm theo gió. Thông reo và không khí ngào ngạt nhựa thông. Trong một thung lũng nhỏ phía dưới, hoa mai anh đào màu hồng thắm nở rộ trên những cành trơ trụi…”.
Và cũng ở “cự ly gần”, P. Munier chi tiết, định danh hơn: “Bên phải tôi, một lọ hoa lớn cắm hoa layơn tuyệt đẹp. Bên trái tôi là những đóa hoa cẩm chướng xinh tươi như ở Pháp. Trong một lọ hoa khác là vài hoa địa lan màu vàng tôi vừa hái trong rừng. Trước cửa sổ, sáu cành mimosa đong đưa trước gió. Ba đóa hoa cẩm tú cầu (hortensia) như ba khối tròn màu xanh biếc đặt trên lò sưởi chờ cắm vào bình. Đà Lạt như vậy đó! Trước hết là xứ sở của hoa, những luống hoa cuốn kèn và cúc trắng, hoa giấy đỏ và hoa rạng đông leo lên tận các bao lơn… Đà Lạt cung cấp cho Sài Gòn và các nơi 90 tấn hoa mỗi năm”.
Có lẽ từ đó mỹ từ “thành phố hoa” đi vào văn chương nhạc họa và tâm thức của nhiều người từng sống, từng đến, từng yêu Đà Lạt. Có người nói Đà Lạt là đất của ký ức. Mỗi người tìm đến đều có một góc riêng, một không gian cỏ hoa hay một gốc cây, một bờ rào ghi dấu hoài niệm.
Hoa Đà Lạt được cảm nhận từ những “cự ly gần” như thế. Từ trong quy hoạch kiến trúc biệt thự những năm đầu thế kỷ 20, người Pháp đã rất chú ý đến sự cộng hưởng tuyệt vời của thiên nhiên trong không gian sống của con người vùng đất này. Mà không chỉ người Pháp, ngay những cư dân Việt đầu tiên, những nhà nông “cổ điển” của Đà Lạt sống trong những gian nhà vườn có gác gỗ, cũng tạo không gian hài hòa sân vườn, cỏ cây.
Nhà Đà Lạt trước đây từ biệt thự đến nhà vườn đều dành bancông, khoảng sân và tường rào… cho hoa cỏ. Rồi thì ngoài đường, bốn mùa hoa dại, hoa trồng leo nương vào nhau, khoe sắc từ cửa sổ xuống tận hiên nhà. Hoa tường vi, hoa quỳ, hoa bồ công anh nở ven đường làm cho những dốc đồi có cảm giác bớt chập chùng, sương gió bớt rét mướt…
Hoa đã sống chung với người trong từng hơi thở. Hoa cỏ có một mối quan hệ gần như là sinh khí đối với con người, là cái gạch nối giữa người với đất. Hoa còn tạo ra một nền nông nghiệp sạch đem lại cho người dân sự tự hào. Lịch sử hoa Đà Lạt đã tạo nên các thương hiệu khắp nơi biết đến như ấp hoa Vạn Thành hay thung lũng hoa sạch ở vùng ven Trại Mát, Lạc Dương...
Lịch sử hoa cũng tạo nên những nghệ nhân hoa nổi tiếng như kỹ sư Lương Văn Sáu - người sang tận Pháp học canh nông, sưu tập giống hoa quý và bằng tri thức của mình đã góp thêm nguồn hoa cho Đà Lạt, như ông Mười Lời - một nông dân gốc Quảng Nam đã loay hoay tìm cách lai tạo, chỉnh ghép nhiều loại hoa làm giàu cho thung lũng Đào Hoa của mình…
Và phải kể đến những con người vô danh đang đi “ngược xu thế” phát triển chung của thành phố để giữ cho mình một khu vườn, một khung cửa sổ, một bancông hoa cho đời sống thêm thư nhàn, cho thành phố thêm hương sắc. Họ đều đáng được ghi công. Chỉ tiếc, những người như ông Sáu, ông Lời, những nghệ nhân vô danh kể trên ngày càng thưa vắng.

Tùy vào ý thức nhân văn mà những cây mai anh đào này bị xem là cản trở tầm nhìn của một cơ sở kinh doanh nào đó hay là ngược lại
Vài năm gần đây, phương thức sống của người Đà Lạt đổi thay nhiều. Cứ nhìn sự chật chội bề bộn kiến trúc thì biết. Là một thành phố có lịch sử xây dựng hoàn chỉnh và định danh chỉ hơn trăm năm, với quá trình hình thành những khu cư dân khá phức tạp, người Đà Lạt, chính quyền Đà Lạt đang rơi vào tình trạng lúng túng, trượt dài trong hành xử với di sản thiên nhiên.
Người ta đang bỏ qua giá trị thẩm mỹ, thiên nhiên để chọn lựa tính công năng, dịch vụ không gian sống. Và, dĩ nhiên, xu thế ưu tiên công năng, dịch vụ đang dần thắng thế, nhất là trong thời tấc đất tấc vàng, trong bối cảnh một thành phố du lịch và nghỉ dưỡng. Không gian vườn trong phố ngày một ít. Bêtông đang lấn đất của hoa và thông. Bảng hiệu khách sạn, hàng quán… mọc lên trùng trùng.
Người dân xa dần thiên nhiên ngay từ chính ngôi nhà của mình, xa dần sự nâng niu vẻ đẹp thành phố ngay từ những lan can, cửa sổ ngôi nhà mình; Nhà nước xa dần vai trò định hướng, quy hoạch bền vững ngay trong việc bạt đồi, đốn thông để xây dựng những tòa nhà hành chính kiểu mới, trọc phú và ngạo mạn. Không ai nói được ai, khi mà hoa, cái đẹp bất lực trong việc làm “dấu gạch ngang” - nối kết tương quan máu thịt của người với đất.
Nhiều người không ngần ngại đập bỏ lan can hoa để bán không gian cho những bảng quảng cáo chễm chệ. Nhiều người sẵn sàng phá những rào hoa để nới thêm một mét đất xây nhà trọ cho du lịch. Mới đây, ngay tại hồ Xuân Hương, giữa trung tâm thành phố, có một chủ quán cà phê sẵn sàng đốn một gốc anh đào đẹp hàng chục năm tuổi để mở rộng tầm mắt cho quán của mình.
Trước đó, hàng anh đào cổ thụ trên phố cà phê Nguyễn Chí Thanh cũng bị các chủ quán đúc ximăng dưới gốc làm cho chết đứng. Lạ là những điều đó vẫn xảy ra ban ngày, trước sự dửng dưng của rất nhiều người qua đường. Không có một cơ chế nào để người ta có thể nhận ra và lên tiếng bảo vệ di sản thiên nhiên của thành phố mang bản sắc hoa này, ngăn cản một cây anh đào, một gốc thông hay một khóm hoa công cộng đang bị những kẻ nhẫn tâm tàn phá…
Làm sao xây dựng cho được cái cơ chế tự nhiên ấy để thúc đẩy trở lại một nguồn tài nguyên khác của Đà Lạt - tài nguyên nhân văn, chính là lối sống, văn hóa, tập quán biết trân quý và bảo vệ thiên nhiên ở một nơi mà đất trời quá nhiều ưu đãi?
Bao giờ cũng thế, festival hoa thành phố lại tấp nập du khách. Hoa được bày biện khắp nơi, từ khách sạn đến đường phố. Hầu hết là hoa chậu, hoa vừa được chuyển về từ những nhà kính. Có năm, hoa được chuyển từ Trung Quốc hay dưới miền Tây lên núi để phục vụ lễ hội. Năm nay người ta nói với nhau tình hình e có khá hơn, vì đã có rút kinh nghiệm trong tổ chức sự kiện. Nếu tư duy theo kiểu “tổ chức sự kiện” thì bao lâu nữa Đà Lạt mới có một mùa, một khoảng thời gian để du khách tìm đến thưởng ngoạn hoa cùng người dân như mùa ngắm hoa hướng dương ở Hà Lan, hay tháng ngắm hoa đào Nhật Bản?
Một khi lễ hội hoa chỉ là sự kiện mượn văn hóa làm dịch vụ đến hẹn lại lên thì sẽ không quá lời khi cho rằng cứ đến festival, Đà Lạt lại bê hoa ra đường để đón khách, xong thì đâu lại vào đó.
Sợ rằng bỏ quên mục tiêu bền vững là cái gốc văn hóa, “khoảng cách, cự ly” gần của tập quán sống thì sự kiện ấy chẳng khác nào việc một anh chồng có máu vũ phu, một hôm mời khách đến nhà tiệc tùng trà nước, tỏ ra thiết tha chiều chuộng, cho vợ đẹp ăn diện lộng lẫy, nhưng sau khi khách ra về thì lại thượng cẳng chân hạ cẳng tay với chính vợ mình!
Hoa nào cho Đà Lạt?
Theo Sài Gòn Tiếp Thị

Nguồn Báo Tuổi Trẻ Online