Theo nghiên cứu y học hiện đại, hương thơm của một số loài hoa có tác dụng đặc biệt đến hệ thần kinh, khứu giác của con người
Từ xưa, ông cha ta đã dựa vào tính vị của các loài hoa để chữa bệnh. Một số loài hoa có nhiều hợp chất như ternoid, santenol, resin, rutin (hoặc hỗn hợp một số chất chưa chiết tách được), có tác dụng chữa bệnh.
Tại các nước phát triển đã hình thành phương pháp chữa bệnh bằng hoa. Người bệnh ngồi trong tư thế thoải mái, vừa hít hương hoa vừa nghe những bản nhạc êm dịu, thể chất và tinh thần đi vào trạng thái thư giãn. Tuy nhiên, liệu pháp này chỉ sử dụng cho một số bệnh, chứ không chữa được nhiều bệnh. Theo nghiên cứu y học hiện đại, hương thơm của một số loài hoa có tác dụng đặc biệt đến hệ thần kinh, khứu giác của con người, từ đó kích thích não bộ tiết ra một chất có tác dụng làm cho cơ thể thoải mái, hưng phấn, có tác dụng chữa một số bệnh.
Y học cổ truyền đã sử dụng nhiều loài hoa để chữa bệnh, xin đơn cử một số loài hoa sau:
Cúc vạn thọ
Người phương Đông coi hoa cúc vạn thọ là hình ảnh trường sinh và cuộc sống vĩnh hằng. Trong y học, người ta cũng sử dụng cúc vạn thọ làm thuốc. Thu hái hoa khi vừa mới nở, đem phơi nắng nhe, hoặc sấy khô. Nghiên cứu dược lý cho thấy, nước chiết từ hoa cúc vạn thọ có hoạt tính kháng khuẩn.
Theo kinh nghiệm dân gian, dùng hoa cúc vạn thọ, giã nát, trộn với ít đường, hấp chín, nghiền nát, chắt nước uống, có tác dụng chữa kiết lỵ. Nếu phối hợp với húng chanh, hoa đu đủ đực, đường phèn, hấp chín, chắt lấy nước uống có tác dụng chữa go gà và viêm phế quản.
Hoa đào
Hoa đào tính bình, vị đắng, có tác dụng lợi thủy (thông tiểu tiện), hoạt huyết và nhuận tràng. Sách “Bản thảo cương mục” của Lý Thời Trân đã ghi: Hoa đào có tác dụng thông đại tiện, tiêu tích trệ, chứng phù thũng toàn thân…
Hoa đào kết hợp với mật ong dùng chữa trị chứng táo bón. Hoa đào làm thuốc phải là hoa sắp nở, dùng hoa tươi tốt hơn hoa khô. Theo kinh nghiệm, sắc hoa đào để rửa mặt làm cho da mặt sáng mịn, mờ nếp nhăn và vết tàn nhang.
Hoa phong lan
Có một loài phong lan cứ đến tháng 3-5 nở rộ với những chùm hoa xinh, màu trắng pha hồng, cánh môi cuộn thành hình phễu có đốm màu tím sẫm ở họng là loài hoa thu hút hàng đàn ông. Đó là loại lan phi điệp, có tác dụng chữa chứng suy nhược cơ thể, thần kinh suy nhược, đau họng và yếu sinh lý ở nam giới. Cây được dùng trong y học cổ truyền với tên thuốc là thạch hộc hay kẹp thảo.
Dược liệu đã chế biến có vị ngọt nhạt, hơi mặn, tính lạnh, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, thanh nhiệt, sinh tân dịch, chỉ khát, được dùng để chữa sốt nóng, khô cổ, ho, đau họng, khát nước thuộc chứng âm hư, nóng trong, đau lưng, chân tay nhức mỏi và yếu sinh lý ở nam giới.
Hoa hồng
Hoa hồng vị ngọt, mùi thơm mát, tính bình, hoa dùng làm thuốc được hái từ sáng sớm. Tinh dầu được chiết xuất từ hoa hồng có tác dụng điều hoà hệ thần kinh đồng thời gia tăng hoạt động của các tuyến nội tiết. Theo kinh nghiệm, hoa hồng có tác dụng chữa mụn nhọt, dị ứng và là thuốc chữa ho rất tốt cho trẻ em. Dùng cánh hoa hồng bạch, hái vào sáng sớm, đem chưng với đường phèn và quất chín, nghiền nát, gạn lấy nước cho trẻ uống, rất tốt.
Hoa Đỗ quyên
Theo y học cổ truyền, hoa đỗ quyên có tác dụng hoà huyết, điều kinh, trừ đờm, khử phong thấp, làm hết ngứa, được dùng để chữa các chứng rối loạn kinh nguyệt, bế kinh, chảy máu cam tổn thương do ngã, phong thấp..
Hoa mẫu đơn
Hoa mẫu đơn to, mọc đơn độc đầu cành, màu đỏ, hồng, tía hoặc trắng, mùi thơm ngát. Theo đông y, hoa mẫu đơn có tác dụng hạ huyết áp và kháng khuẩn, dùng chữa các chứng bệnh sốt về đêm, đau nhức xương, phụ nữ bế kinh, người bị mụn nhọt, sưng đau do sang chấn, vấp ngã…
Theo Báo Phụ Nữ
Nguồn http://tintuconline.vietnamnet.vn/vn/khoe/242303/
No comments:
Post a Comment