Cành đào ngày Tết



Giáp Tết, mỗi gia đình ở Việt Nam đều mua cánh đào để cắm trong nhà, thậm chí ngoài Bắc còn gửi theo đường máy bay cành đào cho người thân ở trong Nam. Hoa đào có loại cánh đơn hay cánh kép, còn màu sắc từ đỏ thắm như hồng đào, bích đào đến phơn phớt hồng như đào phai hoặc trắng tinh như đào bạch.

Nếu tính đúng thời gian, cành đào được đốt gốc và cắm trong nước sẽ nở đúng vào ngày mùng một Tết. Đào được ưa chuộng vì nhiều lý do, tùy theo tuổi tác và thẩm mỹ của mỗi người, tuy nhiên ai cũng thích hoa đào vì vẻ đẹp mảnh mai của cánh hoa, của những thế đào uốn lượn trên cành...

Một số người cho rằng sắc đỏ rực rỡ của hoa đào mang lại sự giàu sang và may mắn, có nhiều người cho rằng nó tượng trưng cho hạnh phúc như truyền thuyết về hai chàng Lưu, Nguyễn vào năm 62 sau công nguyên đời vua Hán Minh Đế vào rừng hái thuốc và lạc trong cói tiên. Có người thấy ở hoa đào biểu tượng của tình bạn trung thành như chuyện Lưu Bị, Quan Công, Trương Phi kết nghĩa anh em ở vườn đào và giữ trọn lời thề...

Cành đào cắm trong nhà ngày Tết quả là đẹp. Có truyền thuyết kể rằng: Cành đào được dùng làm bùa đuổi yêu ma chuyên rình mò vào ban đêm. Ngày xưa ở Trung Quốc có một cây đào rất lớn mọc trên một sườn núi. Cây cao to khổng lồ, tán lá tỏa rộng mấy trăm dặm. Có hai vị thần cây đầy quyền uy là Thần Đồ và Uất Lũy ngự ở đó, chuyên chấn trị các loài quỷ và yêu quái. Nhờ vậy, người dân ở đây có thể sống yên bình, ngủ ngon lành, không sợ bị quấy nhiều trong giấc mơ.

Nhưng cứ đến cuối năm, hai vị thần phải lên thiên đình để tâu trình việc dân gian với thượng đế. Lo sợ lũ ma quỷ sẽ đến làm hại, người dân ở đấy cắt một cành đào thần để đặt lên bàn thờ tổ tiên. Một số nhà cẩn thận còn viết tên hai vị thần hoặc vẽ phác hình hai vị thần lên tấm giấy đỏ để treo lên cành đào, vì vậy không có ma quỷ nào dám lẩn quất vào nhà. Cách dùng đào để trừ ma quỷ dần lan rộng ra rồi sang cả Việt Nam.

Từ bao đời này, người dân Việt Nam đã ăn tết trong sự che chở của những cành đào xuân đầy sức mạnh này.

No comments:

Post a Comment