Nguyên tắc chung là tìm loại hoa có đặc trưng phù hợp với sự kiện và vị trí hay địa điểm đón nhận sự kiện đó. Bạn cần chọn những bông hoa tươi tắn, vừa chớm nở và số lượng vừa đủ, nhiều quá thì dễ bị coi là khoe khoang.
Tulip: Phải chọn sao cho có đa số các bông hoa chớm nở, nhụy ở giữa vẫn còn màu xanh lá cây, lá và cánh hoa tươi sáng bóng.
Hoa Tulip có nguồn gốc từ phương Đông, rất được người Thổ Nhĩ Kỳ ưa thích, thậm chí họ còn ngưỡng mộ loài hoa này đến độ sùng bái vì Tulip có rất nhiều màu tuyệt vời như vàng, tím, tía nhạt, tím thẫm, đỏ thắm, hồng tươi... Tên hoa bắt nguồn từ chữ “tulipan”, một từ Thổ Nhĩ Kỳ chỉ chiếc khăn xếp đội đầu của phụ nữ, trông rất giống cái mũ của hoa. Người ta tin rằng Tulip sẽ bảo vệ cho những ai đã gieo trồng chúng vì những bông hoa này là loại được dành riêng cho các thiên thần nhỏ bé và các bà tiên, những người thường quây quần ngồi dưới các bông hoa và hát cho nhau nghe những bài ru con.
Hoa Tulip được ưa chuộng ở nhiều vùng khác nhau trên khắp thế giới. Người ta mau chóng ham thích chúng tại Châu Âu. Từ 1644 đến 1647, Hà Lan là nước điêu đứng vì chứng nghiện hoa Tulip. Trong những năm này, những mầm Tulip được bán với giá rất cao và nhiều kẻ đầu cơ đã trở nên giàu có. Tới thời Nữ hoàng Victoria, khi một người đàn ông tặng cho người mình yêu một bông Tulip đỏ, có nghĩa anh ta muốn nói: “Em rất xinh đẹp. Nếu anh được ngắm em chỉ một chút thôi thì gương mặt anh sẽ bừng lên như lửa và trái tim anh sẽ cháy thành than”.
Thủy tiên: Phải chọn củ trắng to, cành khỏe, lá sẫm màu, nhiều nụ hoa chưa nở và hơi chúi về phía cành.
Người phương Đông cho hoa này là biểu tượng của các tiên nữ thanh khiết. Phương Tây lại coi Hoa Thủy Tiên (Narcissus) là dấu hiệu của sự “yêu chính mình” hoặc “tính ích kỷ”. Truyền thuyết Hy Lạp kể rằng một chàng trai trẻ đẹp đã sống rất hạnh phúc cho đến một lần đi săn và thấy khát. Tìm đến một dòng suối, khi cúi xuống uống nước chàng thấy hình ảnh phản chiếu của gương mặt mình quá đẹp và từ đó chàng yêu chính hình bóng của mình. Muốn trả thù chàng vì bị ruồng rẫy, Nữ thần Echo, người yêu của chàng, đã thuyết phục các vị thần biến Narcissus thành loài hoa mang tên này.
Thủy Tiên thường được xem là một loài hoa nhiều chất thơ với những cánh phẳng láng và trắng như tuyết, với chiếc nhụy như một cái ly màu vàng nằm ở giữa, chung quanh mép viền một vòng đỏ thẫm sặc sỡ, có hương thơm rất dịu và nở vào tháng 5. Cái nhụy hình ly nằm giữa bông hoa được cho là dùng để chứa nước mắt của chàng Narcissus bất hạnh.
Hoa hồng: Phải chọn sao cho các búp đầu hoa tròn trịa, những chiếc lá non không bị rách, phía trên cành không có tì vết, nụ hé nở, trên cành có vài chiếc lá màu xanh thẫm.
Trong mọi trường hợp, hoa Hồng đều được xem là bông hoa đẹp nhất trong tất cả các loài hoa. Chắc chắn không có một nhà thơ nào, thuộc bất kỳ trường phái nào, trong thế giới văn học lại không ca ngợi loài hoa này. Hoa Hồng có nguồn gốc ở phương Đông nhưng ngày nay nó đã nở hoa trên khắp địa cầu với hương thơm tinh tế nhất, màu sắc rực rỡ nhất và những chiếc lá tươi xanh nhất...
Hoa Hồng luôn luôn gắn liền với tình yêu và sắc đẹp của người phụ nữ. Chuyện kể rằng: Khi Aphrodite, nữ thần tình yêu, được sinh ra từ biển cả, những đợt sóng bao phủ lấy thân trần của nàng và biến thành những bông Hồng trắng khi rơi xuống cát. Theo thần thoại, cũng chính nàng Aphrodite đã tạo ra hoa Hồng đỏ: Adonis, chàng thanh niên đẹp trai của nàng bị một con lợn lòi tấn công, khi chạy đến cứu chàng, nàng đã bị gai của một cây hoa Hồng cào xước và máu của nàng đã làm cho hoa từ màu trắng chuyển sang màu đỏ.
Hoa ly: Phải chọn sao cho có một số bông hé nở, nụ hoa sẫm màu, không có nhụy vàng rơi vãi, cành lá không bị khô và không lốm đốm vết thâm.
Hoa ly (lys) còn gọi là hoa Huệ tây, màu trắng lộng lẫy của nó luôn được xem là biểu tượng của sự thanh khiết. Theo truyền thuyết, hoa Huệ tây đầu tiên đã mọc lên từ nước mắt của Eva khi nàng rời khỏi vườn địa đàng. Tuy nhiên, từ rất lâu, người La Mã và Hy Lạp đã tôn vinh loài hoa Huệ tây màu trắng lên ngôi cao nhất của các loài hoa. Loài hoa dễ thương này được dâng hiến cho Đức Mẹ Đồng Trinh. Khi thánh Thomas nghi ngờ, khăng khăng đòi mở huyệt của Chúa Giêsu để xem Người có thật sự hồi sinh không, mở huyệt ra, ông thấy trong đó đầy ắp hoa hồng và những bông Huệ tây trắng xinh đẹp. Vì là loài hoa nở vào thời điểm “Lễ truyền tin” nên Huệ tây luôn luôn được dùng để trang trí bàn thờ của Đức Mẹ Đồng Trinh.
Trong ngôn ngữ loài hoa, các loài Huệ khác nhau có ý nghĩa khác nhau. Ví dụ: Huệ tây trắng có ý nghĩa “nhiệt tình”, Huệ đốm màu da cam mang thông điệp “Dù sao, ta vẫn có thể tự hào làm bạn với nhau”, Huệ tây vàng là biểu tượng của “tính hay làm dáng”...
Thược dược: Phải chọn sao cho có đa số các bông hoa chớm nở, nhụy ở giữa vẫn còn màu xanh lá cây, chưa có phấn hoa.
Hoa Thược Dược (Dahlia) có nguồn gốc từ Mexico, được mang vào Tây Ban Nha năm 1789 và đã trang điểm cho vườn Thượng uyển trong suốt 9 năm, sau đó vua Tây Ban Nha mới cho phép nó được du nhập vào các nước khác ở Châu Âu. Chính ở các nước này, Thược dược đã khiến cho bao du khách người Anh kinh ngạc vì sự dồi dào về chủng loại và độ lớn của nó. Hoa Thược dược được đặt tên theo tên của Andrew Dahl, một nhà thực vật học người Thụy Điển. Ông đã trao tặng giống hoa này cho Lady Holland cũng chính là người gieo trồng thành công nó tại Anh Quốc.
Có lẽ vì hoa thược dược không có hương và hơn nữa, những tán lá tuy có màu xanh nhưng hơi thô ráp và nhất là vì màu sắc hoa quá phô trương mà nó ít được các nhà thơ ca tụng.
Hoa Calla: Phải chọn sao cho các bông hoa đều chớm nở, thơm thoang thoảng, lá và cành còn cứng và tươi có thể bó dài.
Hoa Calla là một thành viên trong họ thực vật hoa kèn. Giống Calla có nguồn gốc từ xứ Ethiopia ở châu Phi và du nhập vào nước ta chưa lâu. Nó rất được ưa chuộng vì những đài hoa trắng như tuyết dễ thương, những chiếc lá xanh to bản và nhất là mùi hương dễ chịu. Là biểu tượng cho sắc đẹp lộng lẫy, Calla thường hiện diện trong các bó hoa cầm tay của các cô dâu.
Cúc đại đóa: Phải chọn sao cho có hoa chớm nở, nhụy hoa cứng, chắc và không bị quấn, lá không bị ngắt khỏi cành, cả lá và cành màu xanh thẫm, những chiếc lá ở dưới cứng và không bị rụng.
Cúc đại đóa được gieo trồng từ rất sớm ở Trung Quốc và Nhật Bản, nơi xuất xứ của nó. Mặc dù người Trung Quốc đã biết đến Cúc đại đóa từ khoảng 500 năm trước Công nguyên, nhưng mãi đến thế kỷ 18 loài hoa này mới du nhập thành công vào Châu Âu. Khi hầu hết các loài hoa khác đã tàn, gió và mưa thu đã bắt đầu rơi thì Cúc đại đóa mới nở. Giữa tiết trời tháng 10 và 11 ảm đạm, loại hoa này lại đạt đến đỉnh điểm của sự rực rỡ. Vì vậy Cúc đại đóa hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa “Lạc quan, vui vẻ trong nghịch cảnh”.
Lay ơn: Phải chọn sao cho cành dài và mẩy, có một số bông đã nở, nụ thẫm màu, lá tươi và không lốm đốm các vết thâm.
Truyền thuyết kể rằng Hoàng đế Bácbagalô ra lệnh treo cổ tất cả các tù nhân Phơranki trừ Têrét và Xép - hai kẻ khoẻ và đẹp nhất, nhưng là để dẫn về La Mã và đưa vào trường đấu. Hai chàng buồn nhớ quê hương, cay đắng vì mất tự do và chỉ biết cầu xin Chúa cho chết ngay tức khắc. Nhưng Chúa không bận tâm đến những lời thỉnh cầu của họ. Ngày lại ngày qua, hai chàng vẫn sống. - Phải chăng Chúa đã sắp đặt cho ta một số phận khác rồi? - Nếu Chúa cũng không đủ sức che chở dân lành thì ta làm sao rửa được nỗi nhục của dân tộc? - Ta phải cầu xin nữ thần Đất cho biết điều gì đang đợi ở phía trước. Một buổi sáng, Têrét kể cho Xép nghe về giấc mơ đêm qua của chàng. Têrét mơ thấy chàng cầm gươm bước lên đấu đài cùng Xép. Họ lúng túng nhìn nhau, còn đám đông la ó ầm ĩ đòi các chàng trai phải bắt đầu cuộc giao chiến. Trong khi không người nào vung gươm trước về phía bạn mình, bỗng một cô gái La Mã xinh đẹp chạy lại gần Têrét và nói: "Hãy giành chiến thắng, chàng sẽ được tự do và tình yêu của ta! Têrét vung gươm lên, nhưng ngay khoảnh khắc ấy, từ lòng đất vang lên một tiếng thét: "Hãy hành động theo trái tim!" - Kìa, dường như em đã chứng kiến giấc mơ của ta! - Xép kinh ngạc thốt lên. Trước lúc trời tối, khi đám bạn bè từ đấu trường trở về nhà hết, hai chàng bắt gặp Ốctavia và Lêôcácđia, các công chúa con gái của Bácbagalô. Têrét và Ốctavia, cả hai cùng không hẹn mà đưa mắt nhìn nhau. Họ không sao rời mắt khỏi nhau được nữa, vì vậy họ không hề biết giữa Xép và Lêôcácđia cũng đã xảy ra một chuyện tương tự như thế. Tình yêu đâu phải lúc nào cũng mù quáng, mà trái lại rất sáng suốt, và những người yêu nhau bao giờ cũng tìm thấy lối thoát để được ở bên nhau, ngay cả khi giữa họ xuất hiện một vực thẳm ngăn cách người chiến thắng và kẻ chiến bại. Bácbagalô biết các con gái của ngài vẫn bí mật gặp gỡ hai tù nhân. Và ngài có ý chờ xem hai cô có dám thú nhận tình yêu mù quáng của mình với Têrét và Xép không. Bácbagalô rất hiểu tính nết cương trực của các con mình, ngài không nỡ bỏ tù chúng, không ngăn cấm được chúng gặp gỡ người tình một cách vội vã. Ngài chỉ báo cho các con biết rằng, sắp tới, hai tù nhân Têrét và Xép sẽ phải so gươm với nhau, và kẻ nào chiến thắng kẻ ấy sẽ được tự do. Bácbagalô khát máu hy vọng rằng hai đấu sĩ kia sẽ giáp chiến không phải vì cuộc sống mà là vì cái chết, và cả hai sẽ phải rời khỏi cõi đời này, chỉ có điều sự thật ấy thì người đến xem không thể thấy được. Tất cả đều diễn ra như dự đoán của Bácbagalô. Ốctavia khích lệ Têrét phải bằng mọi cách để giành được chiến thắng và chàng sẽ được tự do; Lêôcácđia cũng khích lệ Xép như vậy. Hai chị em bỗng dưng trở thành kẻ thù của nhau, vì người nào cũng muốn bảo vệ hạnh phúc của mình - hạnh phúc được đổi bằng nỗi bất hạnh của kẻ kia. Ngày diễn ra trận đấu bắt đầu. Đấu trường chật ních công chúng. Ngay ở hàng ghế thứ nhất, có Bácbagalô và các con gái. Khi Têrét và Xép, mình trần như các chiến binh Phơranki bước ra đấu đài, họ giơ cao các thanh gươm lấp loáng và hô: "Những người đi tìm cái chết gửi lời chào em!" Lập tức đám đông reo hò vì bị kích động. Ốctavia đưa mắt khích lệ Têrét. Lêôcácđia chĩa ngón tay cái xuống đất rồi chỉ vào Têrét và gật đầu với Xép. Các đấu sĩ nâng gươm lên chuẩn bị giao chiến. Bầu không khí căng thẳng trùm lên đám khán giả, các cô gái thì chết giấc. Nhưng đúng khoảnh khắc mà Têrét xỉa gươm để đâm vào ngực Xép, bỗng anh nghe thấy tiếng trái tim mình thôi thúc. - Hỡi chàng trai Phơrăngki Têrét, chàng sẽ trả lời thế nào trước người mẹ Tổ Quốc về việc chàng sát hại đứa con trai của bà? Câu hỏi ấy cũng vang vọng trong trái tim của Xép, và cùng lúc đó hai đấu thủ đã lao vào ôm hôn nhau, khiến đám đông la ó phẫn nộ: - Hai đứa phải chết! Ốctavia chồm lên hét: - Têrét, hãy chiến đấu vì hạnh phúc của đôi ta! Cũng những lời lẽ ấy, Lêôcácđia khích lệ Xép. Têrét, sau khi vung gươm lên làm yên lòng khán giả, bèn ngẩng cao đầu một cách kiêu hãnh và nói: Các người có sức mạnh hơn, các người đã biến chúng ta thành nô lệ, nhưng các người đừng hòng buộc chúng ta phải làm những kẻ hèn hạ! Các người có thể giết chúng ta, song các người không phải là kẻ chiến thắng! Dứt lời, chàng bèn cắm thanh gươm của mình xuống đất; Xép cũng làm như vậy. Bácbagalô ra hiệu giết hai chiến binh nổi loạn. Khi xác của Têrét và Xép được đưa ra khỏi đấu trường, một chuyện kỳ lạ đã xảy ra: những thanh gươm được cắm xuống đất cứ kêu leng keng, và ngay trên mảnh đất có hai thanh gươm ấy đã mọc lên những bông hoa đỏ như máu và lá nhọn như kiếm. Những bông hoa mà người đời sau vẫn thường gọi: LAY ƠN (từ chữ latin "gladiolus" là đấu sĩ).
Phong lan: Phải chọn sao cho có hoa nở hết cỡ, lá không héo, màu xanh tươi.
Ở một miền xa xôi, khí hậu ấm áp và đất đai trù phú có một bộ lạc tên là Aruaki may mắn hơn các bộ lạc khác vì họ sai khiến được loài chim Orchide chuyên đẻ những quả trứng bằng vàng. Khi một con chim đẻ trứng vào tổ trong hốc cây thì thủ lĩnh Nato dùng tay chuyển quả trứng đó sang một cái cây khác, và sự kiện đó được coi như một ngày hội lớn.
Các cô gái của thủ lĩnh thay nhau phục trên các cành cây, bảo vệ tổ chim khỏi bị chim ưng phá hoại. Tuy vậy, trong từng góc buôn làng, các trai tráng tay cầm những mũi tên tẩm thuốc độc đứng canh giữ không cho các chiến binh của bộ lạc khác đến đánh chiếm kho báu của bộ lạc mình.
Từ ngày quả trứng vàng kia, những tay thợ lành nghề đã chế tạo ra các vòng tay, hoa tai và đủ các loại trang sức. Số trứng vàng dự trữ mỗi ngày một nhiều đồ dùng khác. Đàn ông của bộ lạc chuyên nghề săn bắn, còn đám đàn bà, con gái ở nhà dệt những tấm khăn voan, đan giỏ và hái nhặt thảo quả.
Một hôm cánh đàn ông đi săn trở về với một tâm trạng đầy lo lắng. Họ đã chạm trán cánh thợ săn của một bộ lạc xa lạ. Cánh thợ lạ này đã kể cho họ nghe về những chiến thuyền khổng lồ đã cập bờ biển, và về những con người tóc cắt ngắn, mặt mũi trắng trẻo nom rất lạ lùng, đã đặt chân lên đất liền. Những kẻ da trắng này rất hám vàng, đã dùng một loại súng có tai khạc ra những mũi tên có lửa khủng khiếp, cướp giật vòng chân, vòng tay của chị em, tra khảo dân bản xứ nơi có vàng. Nếu những người Aruaki hiểu rằng, con người cũng có thể biến thành những kẻ tàn ác, thấp hèn, thì chắc chắn không bao giờ họ lại cho phép kẻ lạ mặt kia vào làng bản của họ. Nhưng họ không hiểu được điều đó. Họ vẫn cứ khiêng những người thợ săn lạ mặt bị gấu đánh bị thương vào làng. Vị thủ lĩnh còn ra lệnh cho đám phụ nữ đi tìm những người bị thương, còn cánh đàn ông lại lên đường đi săn.
Một kẻ lạ mặt có tên là Khơramooi Métvét. Anh ta rất mê những đồ trang sức của phụ nữ và cứ gặng hỏi họ kiếm ở đâu thứ đá vàng làm ra được các loại vòng và hoa tai này. Nhưng chị em chỉ trả lời bằng một nụ cười. Dần dà, Métvét kết thân được với cô gái cả con của thủ lĩnh tên là Dincadơvin, và hứa hẹn sẽ cưới nàng làm vợ rồi ở lại với bộ lạc. Dincadơvin nói rằng nàng phải chờ đợi cha trở về để xin ý kiến.
Métvét bắt đầu làm công việc dò hỏi Dincadơvin về việc tại sao chị em nàng cứ thỉnh thoảng lại biến vào rừng sâu và ở đó làm gì. Còn Dincadơvin đã tự cho mình là vợ chưa cưới của Métvét rồi, bởi vậy nàng đã phạm sai lầm còn lớn hơn cả sai lầm của cha nàng cho phép đưa kẻ lạ mặt bị thương vào buôn làng.
Dincadơvin không hề ngờ rằng, người tình của nàng đã bán linh hồn cho bọn da trắng để lấy một thùng rượu, và còn hứa với họ sẽ tiết lộ bí mật của bộ lạc Aruaki? Và thế là sau khi biết chắc chị em nàng thường thay nhau phục trên cây, bảo vệ bầy chim đẻ trứng vàng, Métvét liền chuốc rượu cho những người canh gác say mèm, rồi thông báo điều bí mật cho bọn da trắng biết.
Métvét không hay rằng trên đỉnh một ngọn cây cao nhất còn có chàng Ôta Te đang phóng tầm mắt quan sát khắp vùng gần xa. Anh đã phát hiện ra có những người da trắng đang đến gần nơi con chim đẻ trứng vàng mà người dẫn đầu là Métvét. Sau khi loan báo cho buôn làng hay về mối nguy hiểm đang đe doạ và về sự phản trắc của Métvét, anh liền đóng chuông báo động.
Dincadơvin đau đớn thốt lên :
Ôi, cớ sao ta lại tiết lộ cho chàng bí mật của loài chim? Thảo nào mà chàng cứ căn vặn ta! - Rồi nàng quay lại hỏi ông thầy cúng - Hãy chỉ cho ta biết ta phải làm gì và làm thế nào để cứu loại chim đẻ trứng vàng?
Cô cô cô! - Tiếng thầy cúng thốt lên, có nghĩa là "Cứ sẵn sàng đi!"
Hết thảy đàn bà và con gái chạy đến, cùng đáp to: "Khô!"
Điều đó có nghĩa là: "Chúng tôi đã sẵn sàng!"
Hỡi các cô gái! Hãy nhanh chóng trèo lên ngồi vào các cành cây! Khi đó bọn da trắng sẽ không biết được chim làm tổ trên cây nào. Còn nếu chúng tìm thấy tổ chim thì Taxan-útke sẽ chạy đi tìm những người thợ săn, gọi họ về đuổi bọn da trắng đi.
Taxan-útke, tên thường gọi của con Ngựa chiến, phi như bay về phía những người đàn ông của bộ lạc đang mải săn bắn, còn hàng trăm cô gái khác thì vội vàng lao lên cây, tay ôm chặt lấy các cành cây.
Métvét dẫn đoàn người da trắng vào rừng, nhưng hắn lúng túng không biết nên chỉ vào cây nào. Bọn da trắng nổi giận, bắn những mũi tên có lửa vào các cô gái, nhưng các cô, kể cả các cô đã chết, vẫn ôm chặt các cành cây.
Khi cánh đàn ông chạy về tới buôn làng, đuổi được bọn da trắng đi thì đã quá muộn - những người con ưu tú - những cô gái đẹp của họ đã chết. Ông thầy cúng trỏ tay lên trời, gọi tên họ và nói:
Các con đã xả thân bảo vệ kho báu của bộ lạc ta, các con xứng đáng được ban thưởng. Tâm hồn các con sẽ biến thành những bông hoa ngát hương, chúng sẽ không ngừng sinh sôi trên các cành cây kia và sẽ kể lại cho các thế hệ mai sau về chiến công bảo vệ loài chim mỏ vàng của các con.
Những bông hoa tuyệt vời và đủ loại tựa như các cô gái của bộ lạc Aruaki đang đua nở trên các cành cây.
Người đời nay gọi đó là hoa Orchide - hay là hoa Phong Lan.
HOA LOA KÈN: Phải chọn sao cho phần lớn các cành đều có cả hoa nở và nụ hé, lá xanh nguyên vẹn và cứng cáp.
Hoa loa kèn có các loại thơm và không thơm, cũng như nhiều màu sắc khác nhau.
Một số người tin rằng Hoa loa kèn màu cam nói lên sự giận hờn, Hoa loa kèn sư tử loại lớn có màu đỏ tía hoặc lốm đốm đen biểu lộ sự giàu có và kiêu căng, Hoa loa kèn màu trắng tượng trưng cho sự trinh nguyên, thanh khiết và uy nghiêm, còn Hoa loa kèn vàng tỏ ý "Tôi đang đi trên mây" tức là sự viển vông hoặc sai lầm.
Cẩm chướng: Phải chọn sao cho trên mỗi cành mới có vài bông chớm nở, nụ chắc và đầy đặn. Bát hoa phía dưới có màu xanh, lá tươi, cuống dài, các lá trên cuống không bị ngắt.
Hoa cẩm chướng nói chung tượng trưng cho tình bè bạn, lòng quí mến hoặc tình yêu trong trắng, thanh cao.
Tuy nhiên, không hiếm người lại tin rằng màu sắc của hoa nói lên ý nghĩa khác nhau như sau. Hoa cẩm chướng hồng : Quà tặng trong ngày sinh nhật của mẹ. Hoa cẩm chướng tím : Hàm ý tính nết thất thường. Hoa cẩm chướng vàng : Tỏ ra coi thường, hắt hủi, cự tuyệt. Hoa cẩm chướng sọc : Thay lời từ chối, không tiếp nhận. Hoa cẩm chướng đỏ : Biểu hiện sự tôn kính, đau buồn, khổ sở.
Cúc tây: Phải chọn sao cho tất cả các bông đều nở cùng nhau.
Hoa Cúc tây, còn được gọi là hoa Sao, có tên gọi bắt nguồn từ chữ Hy Lạp "Aster", có nghĩa là ngôi sao. Người ta nói nó tượng trưng cho sự chín chắn vì nó nở hoa vào đầu thu khi mà đa số các loài hoa khác đã tàn.
Cúc tây được đem từ Trung Quốc vào Châu Âu năm 1730 bởi một nhà truyền giáo người Pháp. Vì là kết quả của sự gieo trồng với kỹ thuật cấy ghép nhiều màu nên ngày nay loài hoa vốn trắng như tuyết này đã trở thành rất phong phú và đa dạng về chủng loại. Điều này giải thích vì sao Cúc tây còn mang ý nghĩa là "tình yêu muôn màu" nhưng có người lại cho là "lòe loẹt".
Mẫu đơn: Phải chọn sao cho có nhiều nụ trong các khóm hoa chớm nở. Nếu bạn trồng hoặc mua được cả chậu thì trưng bày hoa như thế sẽ đẹp hơn là cắm bình.
Mẫu đơn, tên tiếng Anh là peony, tên khoa học: Paconie Suffruticosa, thuộc họ thược dược. Xuất xứ hoa từ cao nguyên Tây Bắc Trung Quốc, biệt danh: Lộc phỉ, Thử cô, Bạch truật, Bạch lượng kim, Mộc thược dược, Lan Dương hoa, Phú quí hoa, Quốc sắc thiên hương, Vương hoa... Ở Trung Quốc, Mẫu đơn trồng cách nay trên 1500 năm và được mệnh danh là bà chúa của các loài hoa, chỉ đứng sau Hoa Mai.
Loài hoa này thể hiện vẻ đẹp sang trọng, quý phái, sức hấp dẫn nồng nàn, cảm xúc của sức trẻ toát ra mạnh mẽ. Tinh hoa nó toát ra đem lại vẻ đẹp, sức quyến rũ và may mắn trong tình yêu. Hoa mẫu đơn thường dùng để tỏ sự thận trọng và e thẹn. Nhưng nhiều người lại nghĩ rằng nó tượng trưng cho hạnh phúc gia đình.
No comments:
Post a Comment