Scarborough Fair - Lời của cỏ cây

Những bài hát ca ngợi tình yêu trên thế giới thì nhiều lắm. Có bài viết từ huyền thoại được thêu dệt thêm, truyền từ đời này qua đời nọ như chuyện tình Romeo and Juliette, hay sáng tác cho phim để rồi thành tình ca cho các cặp tình nhân như Love Story. Cũng có ca khúc được ra đời từ những mối tình thầm kín của nhạc sĩ để rồi người nghe tưởng như chuyện tình của chính mình, I left my heart in San Francisco, Oh mon amour, Tình Khúc Không Tên .... Nhưng chắc ít ai biết bài hát "Scarbough Fair", giai điệu nhẹ nhàng, giản dị, mà nhạc sĩ Phạm Duy đã chuyển lời Việt, với tựa là "Giàn Thiên Lý", là một bài hát tình yêu rất lãng mạn đã có từ nghìn xưa ...

Bài hát "Scarborough Fair" là một bài hát dân ca xuất xứ từ Anh Quốc, thời Trung Cổ. Scarborough là một thành phố nằm ven bờ biển nước Anh, là hải cảng mà các thương gia, thuyền bè thời đó dùng làm nơi trao đổi hàng hóa, thương mại. Thành phố thành lập từ một ngàn năm trước đây, khi chúa tể Viking Skartha, quyết định lưu lại lâu dài tại Scarborough, biến hải cảng này trở thành một thương cảng quan trọng trong vùng Tây Bắc Anh Quốc.

Lịch sử thành phố:
Ngày nay chữ "Fair" có nghĩa là Hội Chợ, được tổ chức vào mùa hè, nơi mọi người tụ họp vui chơi, trước kỳ gặt vào mùa thu. Mùa hè là thời gian có thể dựng những gian hàng và các trò chơi nằm ngoài trời. Hội Chợ thường có sân khấu trình diễn âm nhạc cho tới khuya. Thường các hội chợ mang tên là Country Fair, Strawberry Fair, hay lấy tên quận, hạt của thành phố như Orange County, Scarborough Fair v.v. ...

Scarborough Fair thời đó không có nghĩa là hội chợ, mà là một cuộc hội họp thương mãi, nơi các thương gia trao đổi hàng hóa với nhau. Bắt đầu vào trung tuần tháng Tám, đặc biệt Hội chợ thương mại Scarborough Fair kéo dài tới 45 ngày, một thời gian tương đối dài hơn so với các hội chợ thương mãi khác trong nước. Hội chợ rất lớn và quan trọng, tất cả mọi nơi khắp xứ Anh và ngay cả tại những xứ lân cận khác đều tụ về Scarborough Fair, để trao đổi hàng hóa và dịch vụ. Năm tháng trôi qua, hải cảng của thành phố Scarborough suy giảm, và các hoạt động thương mãi cũng giảm theo. Ngày nay Scarborough chỉ là một thành phố nhỏ hiền hoà, nằm ven biển.

Lịch sử bài hát:
Người ta bắt đầu nghe bài hát "Scarborough Fair" qua những người hát dạo thời đó, thường được gọi là bard hay shapers, khi họ di chuyển từ làng mạc này qua thành phố nọ. Tuy vậy tại mỗi nơi lời và cách hòa âm có thay đổi đôi chút, lâu đời người ta không còn biết tác giả là ai. Hiện nay tại Anh quốc có nhiều bản có lời khác nhau nhau, nhưng có cùng nốt nhạc và cùng mang tên "Scarborough Fair".

Có lẽ bài hát Scarborough Fair được toàn thế giới biết tiếng, nhờ Paul Simon và Garfunkel thâu vào đĩa album có tên là "Parsley, Sage, Rosemary and Thyme" vào năm 1966. Khi sang Anh Quốc trong một lần trình diễn, Paul Simon biết đến bài hát, qua lời ca và hòa âm của nhạc sĩ Dân Ca Anh Quốc Martin Carthy. Sau này Paul Simon đã cho thu bản nhạc, và có dùng một phần hòa âm của Martin Carthy, tuy P. Simon đã "quên" khg ghi tên Martin Carthy vào dĩa hát của anh.

Ðây là lời bài hát đã được cắt ngắn, trích từ dĩa nhạc của Paul Simon:

Are you going to Scarborough Fair?
Parsley, sage, rosemary, and thyme
Remember me to one who lives there
She once was a true love of mine

Tell her to make me a cambric shirt
Parsley, sage, rosemary, and thyme
Without no seam nor needlework
Then shéll be a true love of mine

Tell her to find me an acre of land
Parsley, sage, rosemary, and thyme
Between the salt water and the sea strand
Then she'll be a true love of mine

Tell her to reap it in a sickle of leather
Parsley, sage, rosemary, and thyme
And to gather it all in a bunch of heather
Then she'll be a true love of mine

Are you going to Scarborough Fair?
Parsley, sage, rosemary, and thyme
Remember me to one who lives there


Ý Nghĩa của bài hát:

Ngày xưa các giới thượng lưu và các chàng hiệp sĩ (knights) bày tỏ tình yêu qua bài thơ, bản nhạc với những lời ví von đẹp đẽ, để tả tấm lòng thương yêu, ngưỡng mộ người đẹp. Nhưng lối diễn tả tình cảm này thường là một chiều, chàng ngưỡng mộ sắc đẹp nàng từ xa xa, khi bóng nàng thấp thoáng xuất hiện trên lầu son, hay cùng đám bạn gái dạo chơi trong vườn nhà. Những bài tình tự này không diễn tả hy vọng, ước muốn tình yêu của mình sẽ được đáp lại với tình của nàng. Bài hát Scarborough Fair viết từ dân gian, nên tình yêu là một nghịch lý trái ngược hẳn giới thượng lưu và xã hội thời đó. Chàng trai trong bài hát đã đặt vấn đề một cách lãng mạn, tình tứ, đầy chất thơ. Chàng đề nghị nàng làm nhiều điều thật khó khăn, khó thực hiện, tỉ như dệt áo cho chàng, vải lấy từ gỗ của cây phong, và may thật khéo léo để chứng tỏ nàng thực là người yêu chàng.

Tell her to make me a cambric shirt
Parsley, sage, rosemary, and thyme
Without no seam nor needlework
Then shéll be a true love of mine


Và trong bài nguyên thủy, chàng đòi hỏi nàng hãy tới tỏ tình với chàng, hỏi xin bàn tay của chàng. Chàng ước muốn như thế, vì nàng đã phụ chàng, bỏ chàng ra đi một cách đột ngột, vì thế nàng phải trở về thực hiện những điều khó khăn mà chàng đề nghị.

Dear, when thou has finished thy task
Parsley, sage, rosemary and thyme
Come to me, my hand for to ask
For thou then art a true love of mine


Bài hát không có lời nào diễn tả rằng nàng phụ rẫy chàng cả, nhưng sao ai cũng hiểu như vậy? Người xưa đã có lời giải thích như sau

Bài hát lấy "Scarborough Fair" làm tựa, tuy rằng có người cho xuất xứ cũng có thể là từ Whittington Fair. Tại sao Scarborough? Ngày xưa tỉnh Scarborough nổi tiếng với lệ mau chóng hành quyết những kẻ ăn cắp hay tình nghi phạm pháp bằng cách treo cổ họ . Sau khi bản án được xử lẹ làng ngay tại đường phố, những người thay mặt nhà cầm quyền bèn thi hành bản án ngay tức thời. Tiếng Anh thời nay khi dùng chữ "Scarborough warning, là mang hàm ý nghĩa là chẳng có lời cảnh cáo nào cả. Thành ra người ta đã suy rằng, bản hát mang tên tỉnh Scarborough, là nói đến sự ra đi đột ngột của người yêu, không nêu lý do. Tác giả không cần phải trình bày rõ ràng, và ai cũng hiểu như thế.

Ý nghĩa của bốn thảo mộc trong bài hát:

Mỗi đoạn của bài hát đều có lập lại câu thứ hai, và cũng là ý nghĩa chính của bài hát, đó là câu nói đến bốn cây thảo mộc: parsley, sage, rosemary, thyme. Ngày nay các loại thảo mộc này chỉ có ý nghĩa đối với các đầu bếp thôi, họ dùng chúng là gia vị vì tất cả đều có mùi thơm. Vào thời Trung Cổ các thảo mộc này có nghĩa giống như hoa hồng của ngày nay, nghĩa là các thảo mộc này tượng trưng cho tình yêu, mà không cần phải ví von lôi thôi. Sự lập lại cố ý của tác giả, đã nói lên lời ước muốn sâu xa nhất của chàng, ước mong người yêu trở về.

Parsley - (ngò tây) Ngày nay các y sĩ chuyên trị bệnh bằng dược thảo, vẫn kê toa thuốc có lá parsley cho những bệnh nhân bị khó tiêu trong khi ăn. Thật thế, Parsley ăn chung với những rau cải có chất đắng như spinach, thì mọi sự tiêu hoá được dễ dàng hơn. Thời xưa bác sĩ còn đồng hoá điều nay trên phương diện tâm lý con người. Parsley làm cho công chuyện được thông qua dễ dàng.

Lá Sage, ta dịch là xô thơm. Loại lá cây này tượng trưng cho sức mạnh ngàn năm. Lá có mùi thơm rất đặc biệt!

Rosemary (hương thảo) nói đến lòng trung thành, tình yêu và trí nhớ. Ngày xưa các chàng tình nhân Hy Lạp đã tặng lá hương thảo cho người mình yêu. Hiện nay tại Anh Quốc cũng như tại một vài xứ Châu Âu, các cô dâu trong ngày cưới, vẫn còn dắt lên tóc lá hương thảo. Hương thảo còn tượng trưng cho tính nhạy cảm và sự cẩn thận. Các bác sĩ thời La Mã khuyên bệnh nhân buộc một bó hương thảo dưới gối, khi cần phải quyết định, suy nghĩ những việc khó khăn. Hương thảo tượng trưng cho tình yêu phụ nữ vững bền, mạnh mẽ dù rằng tình yêu đến rất chậm.

Thyme- Cây húng tây. Cây húng tượng trưng cho sự Can Ðảm. Bài hát này viết vào thời khi các chiến sĩ ra mặt trận, trong tay có cây mộc, gắn hình cây húng thêu bởi bàn tay của vợ hay người yêu, một hình ảnh nói lên lòng ngưỡng mộ sự can đảm của các chàng hiệp sĩ.

Qua bốn loại thảo mộc được nhắc đi nhắc lại trong bài hát, chàng trai bị phụ tình đã nói lên lòng mong mỏi tình yêu chân thành, đằm thắm của mình sẽ xoa dịu những cay đắng giữa hai người. Tình yêu đó sẽ có đủ sức mạnh để đứng vững trong thời gian hai người xa nhau, chàng ước muốn nàng trung kiên, chờ đợi chàng trong thời gian xa cách, nàng sẽ có can đảm đi ngược lại lại với xã hội đế làm những việc khó khăn nhất mà chàng đòi hỏi, để chứng tỏ tình yêu của nàng đối với chàng.

Câu hát mang tên bốn loại thảo mộc tầm thườnng nhưng mang ý nghĩa thật thâm thúy. Không như loài hoa muôn màu sắc tươi thắm được người đời ca tụng, và gán cho mỗi loài hoa một ý nghĩa sâu xa qua những cảm xúc riêng biệt: hoa hồng đỏ tượng trưng cho tình yêu nồng cháy, hồng vàng là tình bạn, cẩm chướng nói lên lòng ngưỡng mộ đối với đối tượng được tặng hoa, cúc thì là trái tim tôi đang bị thu hút, hoa lan là tình yêu thanh cao, pensée bày tỏ lòng thương nhớ vvv ... Còn các thảo mộc chỉ là những lá cây trông thấy hàng ngày, ai cũng có và dùng được. Thế nhưng mùi hương của các thảo mộc lại là điểm tất yêu. Mùi hương lưu giữ ký ức lâu dài và mạnh mẽ nhất trong tâm của con người, và chàng nhạc sĩ đã nhẹ nhàng, khéo léo nhắc nhở người yêu hãy theo mùi hương mà trở về với tình yêu chân thật chàng đã trọn vẹn dành cho nàng.

Như đã đề cập lúc đầu, bài hát được Nhạc sĩ Phạm Duy đã chuyển lời Việt với tựa "Giàn Thiên Lý". Giới trẻ thành thị miền Nam lớn lên trong thời chiến, được biết đến giàn thiên lý trước tiên qua các mẩu chuyện của nhà văn Duyên Anh. Giàn thiên lý xanh trong trí nhớ tác giả, đẹp như tuổi thơ êm đềm. Hoa thiên lý màu xanh ngọc, be bé xinh xinh. Nhà có giàn thiên lý, bà nội trợ thường hái vào nấu canh, ăn rất mát. Có lẽ vì tính cách gần gũi với dân gian của giàn thiên lý, mà nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã mượn hình ảnh giàn cây mát mắt, nở vào mùa hè ấy để kể một chuyện tình xanh màu tuổi thơ, với "thằng bé con mới lớn đã lỡ yêu cô em ngày xưa, và nó cứ nhớ mãi giàn thiên lý êm đềm". Trong bài hát có thấp thoáng hình ảnh thằng Vũ, con Thúy của nhà văn tuổi thơ, và thoang thoảng mùi hương của bốn loài thảo mộc ở tận trời Âu.

Trần Viết Minh-Thanh

Tài Liệu tham khảo: About the song Scarborough Fair

Chuyện hoa

Hoa có một vị trí trang trọng đối với con người. Nó không thể thiếu trong các nghi lễ, giao tiếp, thưởng ngoạn. Hoa là biểu hiện cao khiết trong đời sống tinh thần .

Mỗi loài hoa có một vẻ đẹp riêng. Có điều, ngoài màu sắc, dáng vẻ, hương thơm… hoa thực sự toát lên tinh anh ở những thời điểm, vị trí nhất định. Bạn có bao giờ ngắm hoa dằng dưới trăng chưa? Dằng phủ trên gai dại khắp các đồi, gò một màu trắng loá những bông hoa thanh tú rắc từng chùm sáng sinh động dưới trăng, chừng như chỉ chiếu sáng cho riêng chúng, còn hương thơm toả ra ngây ngất cả vùng. Lúc này, mọi loài hoa sang trọng khác phải xin nhường. Mai chiếu thuỷ nở rộ vào tháng hai. Sáng sớm, khi sương chưa tan, khí trời trong lành, thoảng nhẹ hương thơm, hoa thanh khiết và duyên dáng lạ thường. Bởi cuống hoa thật mảnh và dài nên những nụ lớn tròn căng những chấm trắng cùng hoa nở đều cúi mặt như e thẹn, cuống hoa lại như chùm tia sáng toả xuống tạo nên vẻ hư thực kỳ lạ. Trưa càng nắng, bông trang, bông bụt càng ngời sắc đỏ. Bông chuối nước chỉ đẹp khi đứng ở góc vườn, bờ rào. Đi qua vùng cỏ may, nghe mang mang mùi nắng, biết chiều đang xuống vội vàng …

Không phải ngẫu nhiên dân gian có thành ngữ: “nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa”. Thậm chí thời Bắc Tống, danh sĩ Lâm Pha yêu mai say đắm, trồng mai để sớm chiều bầu bạn. Còn Tống Huy Tôn (1108–1135), ông vua đam mê nhan sắc và hoa mai đến nỗi mất cả ngai vàng nhưng đã để lại cho đời bức danh hoạ két 5 màu đậu trên cành mai hiện là một báu vật ở viện mỹ thuật Boston. Hoa mai làm ông bất tử!

Người phụ nữ thường được sánh với hoa: mặt hoa, lệ hoa, giấc mơ hoa… cụ thể là những cành phù dung, đoá trà mi, bông hoa lài… Nhưng có lẽ ở phương diện so sánh sắc đẹp người và hoa, phái đẹp gắn với hoa hồng là sát hợp nhất. Hãy xem nụ hồng tinh khôi mơn mởn xinh xắn. Cái e ấp vẫn còn hồn nhiên lắm. Rồi rạo rực nhoài ra mãnh liệt bằng những mộng mơ, chợt ngạc nhiên trước chập chờn vài cánh bướm khi kín đáo thoảng nhẹ làn hương vào tuổi dậy thì. Hàm tiếu đây, nét môi thắm, má ửng hồng, nét tròn căng nguyên trinh thiếu nữ, hương dù còn kín vẫn mãnh liệt xiết bao! Bán mãn khai… rồi mãn khai: này đây hương này đây sắc, tôi đây, dữ dội và mãnh liệt buổi hồi xuân, loé sáng cuối cùng. Và kia, từng cánh hoa bắt đầu nhàu nhò, đổi sắc, tàn phai… Một đời hoa!

Chẳng biết có phải vì sợ sự liên tưởng tàn nhẫn ấy không mà xưa nay các nhà thơ ít tả hoa tàn. Hoa nở đẹp phơi phới bao nhiêu thì hoa tàn úa xấu xí và thật buồn bấy nhiêu. Bởi vậy, cảm xúc sẽ không hề suy giảm khi ngắm cảnh tàn hoa. Mỗi loài hoa có cách nở khác nhau thì cũng tàn, chết không giống nhau. Những cánh cúc vàng lả tả rơi trong gió xuân vẫn còn nguyên sắc – luyến tiếc gì chăng hoa? Mặc chu lan sầm mặt giận dữ còn đoá hồng hom hem đau đớn quặn lòng! Duy chỉ có quỳnh hoa không tàn mà chết trên cành xanh. Hoa xuôi tay gục xuống, ngút lên nỗi đau rất thật trong ta.

Tào Tuyết Cần đưa một chi tiết thật đắt vào Hồng Lâu Mộng: nàng Lâm Đại Ngọc gom nhặt rồi khóc chôn những cánh hoa tàn! Trên đời này, đã mấy người thực sự khóc hoa? Và Tố Như, chúng tôi hiểu ông, nước mắt đã nhiều, xót thương đã lắm nên mới “tìm thấy” cảnh hoa tàn mà lại thêm tươi. Vâng, chỉ có trái tim cực kỳ nhân hậu mới toả thành ánh nhìn hiếm hoi ấy!

Ai đã từng trồng hoa hẳn biết rằng công lao chăm sóc, tưới bón một ngày nào đó cây sẽ đền ơn. Vậy mà hầu hết cứ sững sờ, lòng bật lên tiếng reo vui lúc phát hiện chồi hoa đang nhú ra. Ngạc nhiên đến ngây ngô trước hương trước sắc, rằng: nó từ đâu đến, giữa lá cành, gốc rễ với chậu đất ẩm đen sì? Cây mai thường làm nhiều người mất ăn mất ngủ. Chăm chút cả năm trời, những ngày tháng chạp quyết định sự thành bại. Gặp thời tiết diễn biến thất thường, người mỏi mắt thắt lòng chờ mãi nụ chưa trồi ra khỏi áo, kẻ đếm hoài số ngày còn lại khi mới rằm, hoa đã rực cây. Đâu chỉ người kinh doanh, ai có một chậu mai mà hoa vào tết không đạt, chẳng buồn? Loay hoay “chữa chạy”, thắc thỏm trông mong, sáng sớm đầu năm, vài bông rưng rưng hé nở là phút giây hạnh phúc vô cùng! Rất nhiều lần, vì hoa, tôi chứng kiến tiếng reo vui trẻ thơ và nỗi buồn chết lặng của những người bạn. Hoa gần gũi, thân thiết với con người xiết bao! Chẳng thế mà Abutalip, nhà thơ nhân dân của Đaghextan nói rằng người đàn ông chỉ quỳ xuống trong hai trường hợp: uống nước suối nguồn và với hoa !

Thuở nhỏ chăn bò, nhiều lần nằm trên vạt cỏ chiều, tôi thử nhá ngọn cỏ mềm mà chẳng hiểu vì sao bò ăn ngon vậy, mê mẩn ngắm hoa rau đắng trắng li ti, dí cái mũi khổng lồ như thằng tồ bên những ngôi sao bé xíu. Lớn lên một chút, có lần giữa trưa hè, đứng bên bờ đầm, cầm lòng không đậu, tôi lội ra ngắt trộm một búp sen hồng, áp môi mình lên lớp cánh mềm ấm nắng, lòng ngất ngây mơ mộng …

Giờ ngồi viết những dòng này giữa một vườn hoa: tố tâm lan, từ bi, hồng, sứ… lòng chợt dâng lên một ước muốn chân thành rằng: Tặng hoa là hành vi thật đẹp con người đã nghĩ ra… Và mọi người sẽ còn tặng hoa nhau mãi mãi, mỗi người ít nhất trong đời tìm thấy một lần cảm xúc:

Người về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cám ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ nỗi lẻ loi

(Tô Thùy Yên)

Lê Hoài Lương

Tặng hoa thật không đơn giản

Ở các nước phương Tây, người ta thường tặng hoa mỗi khi đến nhà nhau chơi. Thói quen tốt đẹp này đang rất thịnh hành ở Việt Nam. Nhưng tặng hoa cũng giống như tặng quà, không đơn giản chút nào. Người tặng phải chú ý đến đối tượng và hoàn cảnh cụ thể, nếu không dễ gây hiểu nhầm, nhiều khi còn phản tác dụng.

Ngôn ngữ các loài hoa

Kiến thức đầu tiên của tặng hoa là phải hiểu được “ngôn ngữ của các loài hoa”, bởi các loài hoa thường bao hàm những tình cảm và ý nghĩa khác nhau qua sự nhân cách hoá của con người. Như hoa hồng thể hiện tình yêu nồng nàn và tình hữu nghị thuần khiết, hoa tử đinh hương thể hiện sự cao quý và xinh đẹp. Hoa thủy tiên, hoa sen, mẫu đơn, hoa ly thể hiện sự thánh thiện, lịch sự. Hoa lan được coi là loài hoa thể hiện cho đức cao vọng trọng, mang khí thế của người quân tử. Hoa mẫu đơn, thược dược tượng trưng cho phú quý, may mắn, hạnh phúc và phồn vinh. Hoa sơn trà, thạch lựu thể hiện cho những năm tháng sôi nổi và tương lai sán lạn.

Những chậu cây xanh như vạn niên thanh, tùng La hán, trúc, lan quân tử thể hiện cho sự trường thọ, mạnh khỏe. Hoa cúc thể hiện cho sự siêu phàm, thoát tục. Nhưng ở một số nước phương Tây và châu Mỹ La tinh lại coi cúc vàng là loài hoa tượng trưng cho điềm gở.

Tặng hoa như thế nào?

Mọi người phải căn cứ vào những trường hợp và nhu cầu khác để chọn những chậu hoa làm quà. Nếu tặng hoa cho cặp vợ chồng mới cưới thì tốt nhất nên tặng hoa hồng hay cây trường xuân - loài hoa tượng trưng cho hạnh phúc, để chúc mừng cô dâu chú rể sống thủy chung bên nhau đến đầu bạc răng long. Nếu là người chuẩn bị hoa cưới cho cô dâu thì bạn nên chọn hoa lan, ly, hồng... Nếu tặng hoa cho người yêu thì nên chọn những loài hoa thể hiện được tình yêu như hồng đỏ, hoa tường vi, tử hương, lan hồ điệp...

Nếu đi dự sinh nhật, bạn cần phải suy nghĩ đến tuổi tác của đối phương để tặng hoa: nếu là thanh niên có thể tặng hoa hồng, nếu ở độ tuổi trung niên thì bạn nên tặng hoa lan, hoa trà; nếu là người già thì nên tặng chậu trúc, vạn niên thanh, lan, lan quân tử, cây si nhỏ, tùng La hán...

Tặng hoa để chúc mừng bạn bè thăng quan tiến chức thì nên chọn cây xương rồng bà (cây bàn tay tiên), có ý là chúc thuận lợi và vạn sự như ý. Tặng hoa người ốm thì tốt nhất nên chọn những loài hoa có mùi thơm nhẹ như hoa hồng, hoa lan để an ủi, còn tặng hoa ly tức là mong người ta chóng bình phục. Tránh tặng những loài hoa hoặc những chậu hoa dễ gây dị ứng cho người ốm.

Tặng hoa cho người làm kinh doanh thì nên chọn những loài hoa tượng trưng cho sự nghiệp phát triển, tương lai sáng lạn như hoa đỗ quyên, hoa thược dược, dây trường xuân. Đối với các cán bộ lãnh đạo sắp về hưu thì nên tặng hoa mai, hoa dạ hương, hoa lan, lân quân tử, đây là những loài hoa lý tưởng nhất, vì chúng có ý nghĩa chúc sống lâu, luôn giữ được tấm lòng của người quân tử, mãi mãi nhiệt tình với người khác.

Đến nhà bạn bè vào những dịp lễ tết, bạn nên tặng những loài hoa mang ý nghĩa may mắn như thủy tiên, hoa ly, trạng nguyên, vạn niên thanh, cây cát tường...

Khi tiễn bạn bè đi xa, bạn có thể tặng người ta bó hoa nhành sam để chúc họ mọi sự tốt đẹp. Cũng có người tặng hoa thược dược để thể hiện sự luyến tiếc hoặc cành liễu thể hiện sự bịn rịn. Khi bạn muốn cổ vũ ai thì hãy tặng một bó hoa hồng đinh hương để chúc người ta thành công. Còn khi đi thăm người đẻ, nếu sinh con trai thì tặng hoa màu xanh da trời nhạt, sinh con gái thì tặng hoa màu phấn hồng. Vào một số ngày lễ tết nổi tiếng như Ngày lễ tình nhân thì tặng hoa hồng đỏ, ngày lễ Vu lan thì tặng hoa ly, tết cha thì có hoa sen đỏ, ngày Nhà giáo thì có lan kiếm, hoa cúc...

Ở một số nước như Trung Quốc, khi tặng hoa, người ta phải chọn bông theo số chẵn. Còn khi tiễn một người con gái đi xa, người ta không tặng một bông hoa đơn độc. ở Đức, bạn không được tặng hoa hồng đỏ cho vợ của bạn. ở Pháp, nếu đến nhà người quen ăn cơm, bắt buộc bạn phải mang hoa đến, nhưng nhớ là không được mang hoa cúc, vì ở Pháp, hoa cúc tượng trưng cho sự đau thương. Người Pháp cũng rất ghét hoa đinh hương. Ngoài ra, ở các nước Âu - Mỹ, khi tặng hoa không bao giờ được tặng 13 hoặc 15 bông, vì họ cho rằng hai con số đó không tốt lành.

Về màu sắc, màu đỏ thể hiện sự nhiệt tình; màu trắng thể hiện sự thuần khiết; màu vàng sáng thể hiện sự giàu có; xanh lá cây thể hiện tuổi thanh xuân; xanh da trời thể hiện niềm vui, hoà bình; màu tím thể hiện sự cao quý...

(sưu tầm)

Nghệ thuật tặng hoa

Trong cuộc sống của chúng ta, không ai là không đã ít nhất một lần tặng hoa cho người khác trong một dịp nào đó. Lúc mua hoa tặng chúng ta thường để ý đến màu sắc, cách sắp xếp hoa khéo léo của người bán hoa mà ít có dịp tìm hiểu xem loại hoa mà chúng ta mua mang ngầm ý nghĩa gì. Vì vậy, ta cũng nên mở rộng kiến thức bằng cách học hỏi một số ý nghĩa của các loài hoa thông thường mà chúng ta hay thấy mỗi lúc đi ngang qua tiệm bán hoa.

Hoa được dùng để tặng trong rất nhiều dịp. Nào là chúc mừng sinh nhật, chúc mừng thành công, khai trương cửa hàng, đi Tết và tặng hoa để tỏ lòng ưu ái đối với một người nào đó. Hoa tượng trưng cho sắc đẹp nhưng đồng thời cũng tượng trưng cho một sự mong manh, yểu điệu. Có lẽ vì lý do này, nên không biết bao nhiêu nhà văn, thơ đã dùng hoa để tả người con gái. Và có lẽ cũng vì lý do này mà người ta thường tặng hoa cho 'phái đẹp' nhiều hơn.

Vào mùa xuân hoa mai nở rộ, đón chào nàng xuân mới đang yểu điệu bước sang. Hoa mai còn có một tên khác nữa là càn mai. Trong phong tục của người Việt Nam ta, Hoa mai tượng trưng cho mùa xuân nhưng, hoa mai không chỉ có ý nghĩa đón mừng xuân mà còn biểu hiện cho tình yêu trung thành. Hoa mai là biểu hiệu của sự trung thành trong tình yêu là vì hoa nở rất đúng hẹn, mỗi năm hoa đều nở đúng vào dịp xuân về không bao giờ sai hoặc trễ cả. Vì vậy, hoa mai được giao một nhiệm vụ thật quan trọng trong thiên nhiên, đó là nhắc mùa xuân đến đúng hẹn.

Hoa đào cũng nở trong mùa xuân, vậy hoa đào mang ý nghĩa gì? Hoa đào đại biểu cho tình bạn thân thiết. Ngày xưa ba vị Lưu-Quan-Trương đã kết nghĩa nguyện thề làm bạn thân trong một vườn đào rực rỡ. Có lẽ vì lời nguyện này mà mãi đến ngày nay, nếu thấy vườn nhà ai có nhiều hoa đào rực rỡ thì mọi người đều nhớ đến tích xưa và có thể đưa người bạn thân nhất của mình đến xin kết nghĩa. Nếu bạn muốn thử thì cứ rủ một người bạn đến vườn đào kết nghĩa, biết đâu với phong cảnh trữ tình trong vườn đào thay vì kết nghĩa huynh muội (hoặc tỷ đệ) bạn sẽ đổi ý muốn kết nghĩa phu thê hơn.

Còn nếu gặp một người đẹp mà tính khí kiêu căng hợm hĩnh thì sao? Xin thưa nên gửi cho nàng một giò thủy tiên. Thủy tiên là một loại hoa đắt tiền, đòi hỏi người trồng phải bỏ nhiều công phu chăm bón kỹ càng hoa mới chịu nở. Như đã nói trên, hoa và 'người đẹp' tuy hai mà một, vì vậy muốn mời một người đẹp đi chơi bạn phải bỏ nhiều công .. dụ khị, đưa đón vậy mà nhiều khi nàng còn chưa chịu đi. Đặc biệt chỉ có thứ thủy tiên của Á đông mới khó trồng chứ thủy tiên Âu châu, vừa nồng hương vừa dễ trồng, bỏ xuống đất là mọc như cỏ dại. Vì vậy, trước khi định trồng một loại hoa, bạn nên bỏ công ra nghiên cứu xem loại hoa mình trồng có chịu nở hoa không đã.

Hoa lay-dơn mang ý nghĩa của sự hẹn hò. Hoa này còn một cái tên khác nghe rất đài các nữa là "kiếm lan". Hoa được gọi là kiếm lan vì lá nó dài giống như lưỡi kiếm, tiếng Anh gọi là gladiola. Kiếm lan thường được tặng cho người mình thầm yêu với ngụ ý rằng mình mong được gặp mặt người yêu, vì vậy, người nhận sẽ tìm cách hẹn gặp người gởi hoa. Nếu nhận bó hoa mà không biết ý người gửi thì thật là uổng công người tặng hoa.

Màu trắng luôn được tượng trưng cho sự trong trắng, tinh khiết, chắc vì lý do này mà hoa cô dâu cầm thường được kết bằng hoa màu trắng. Một trong những loại hoa được ưa thích hơn hết trong đám cưới là hoa lily. Người Âu châu chia ra nhiều thứ lily mà người Á đông gọi chung là bách hợp, văn hoa hơn gọi là thụy liên. Bách hợp có nhiều màu, chỉ màu trắng (Easter lily) mới được đại biểu cho sự tinh khiết, dùng trong bó hoa cô dâu. Thứ bách hợp màu vàng điểm rằn (tiger lily) giống da hổ, các cô dâu không nên chọn làm hoa cưới, vì sẽ bị những người biết tên hoa chọc rằng cô dâu sẽ là hổ cái hoặc sư tử Hà đông.

Hoa 'đừng quên tôi' (forget-me-not), tiếng Việt gọi là lưu ly thảo có một truyền thuyết rất lâm ly của một cuộc tình dang dở. Chuyện kể rằng có cặp tình nhân này một hôm đi dạo bên bờ sông, bỗng cô gái nhìn thấy một bông hoa thật đẹp. Nàng muốn hái bông hoa đẹp kia nhưng với không tới. Muốn làm đẹp lòng người yêu, chàng trai làm một hành động rất quân tử, vươn tay ra hái hoa cho nàng. Chẳng ngờ đất bên bờ sông lở, chàng trượt chân ngã xuống, bị nước cuốn đi chỉ kịp ném bông hoa lên bờ cho người yêu với một câu nhắn tha thiết "Xin đừng quên tôi". Từ đó, loại hoa này được mang tên 'đừng quên tôi'. Tác giả xin nhắn vài lời với những 'quân tử' đọc bài này, nếu biết bơi hãy hái hoa bên bờ suối cho người đẹp. Nếu không biết bơi xin đừng làm anh hùng ... rơm vì chàng chết ... nàng sẽ xuống thuyền sang sông với người khác.

Nói đến hoa không thể không nhắc đến hoa hồng. Hoa hồng không những là chúa tể các loài hoa mà còn được rất nhiều người yêu thích. Hoa hồng còn được tôn làm sứ giả của tình yêu trên toàn thế giới. Hoa hồng nhung đỏ thắm như màu máu được tượng trung cho sự nồng nàn, son sắt trong tình yêu. Hoa hồng có thật nhiều màu nhưng có lẽ màu đỏ là màu duy nhất được dùng để diễn tả tình yêu.

Còn biết bao nhiêu loại hoa khác nữa nhưng giấy mực có hạn nên người viết chỉ xin nêu lên thêm ý nghĩa của vài loại hoa thông thường. Hoa huệ được biểu hiệu cho sự khao khát vật chất. Người ta không dám cắm hoa này trong phòng ngủ vì ban đêm hoa tỏa hương rất nồng, làm ngộp giấc. Các loại phong lan đều nói lên sự nồng nhiệt cao quí của mối tình. Nó được dùng thay lời tỏ tình và đồng thời cũng là lời khen tặng. Hoa thược dược, để xin trở lại với người mình đã bỏ ra đi, và hẹn sẽ trung thành mãi mãi; hoa lựu nói lên sự say đắm nồng nàn. Hoa cẩm chướng bày tỏ ý phê bình người bạn, hoa pensee (tử la lan hoặc đồng thảo) là hoa của kỷ niệm êm đềm. Hoa uất kim hương (tulip) mang lời trách 'không nhất quyết'.

Tặng hoa không chỉ đơn giản là mình muốn mua hoa cho người khác mà là cả một nghệ thuật. Vì vậy lần sau khi tặng hoa cho một người nào đó bạn nên tìm hiểu xem loại hoa đó người nhận có thích không và mang ý nghĩ gì. Nếu bạn sợ người nhận hoa không biết ý nghĩa của loại hoa bạn gởi thì thật đơn giản, nhờ cô bán hoa cho bạn một tấm thiệp nhỏ và bạn chỉ việc viết ý nghĩa của loại hoa mà mình gởi lên tấm thiệp. Đôi khi có những điều mà ta thấy viết lên giấy dể dàng hơn là nói thẳng khi đối diện một người nào đó, có phải không bạn?

Có một điều bạn không bao giờ nên làm (trừ khi cố ý), đó là tặng cho người khác hoa héo. Tặng hoa héo mang ngầm ý nghĩa bạn muốn kết thúc mối giao hảo với người được tặng hoa. Nên nhớ một điều, người tặng hoa vào một ngày đẹp trời nào đó cũng có thể sẽ là người được nhận hoa. Chắc chắn là bạn sẽ không muốn nhận một bó hoa ... héo phải không?

(sưu tầm)

Hoàng lan thức trong đêm...

"Em ơi, Hà Nội phố ! Ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa.Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ, ai đó chờ ai, tóc xoã vai mềm..." 

...Tôi nhớ mãi cảm giác một chiều giáp Tết. Hanh khô và lạnh. Gió thao thác luồn qua những tàng cây trơ trọi, lạo xạo đám xác lá nâu khô suốt mặt đường vắng. Ngồi bên cửa sổ tầng hai nhìn ra nền trời âm u xam xám, thấy mùa đông này dằng dặc tựa như không thể kết thúc. Chợt từ một nơi cao và xa đâu đó, chắc một chiếc loa phát thanh già nua nào, vọng về tiếng hát Hồng Nhung, lúc đậm lúc nhoà trong gió. Nghe, mà cảm nhận rõ sự trôi chảy dửng dưng của thời gian. Nghe, mà cảm nhận rõ sự rơi rụng tàn phai của kỉ niệm. Bởi đang đông, còn đâu hoàng lan và hoa sữa, còn đâu cơn mưa nhỏ, cảm giác đợi chờ tóc xoã bờ vai...Những cơn gió đông lạnh thốc đã cuốn chúng tan tác về phía cuối đường! Bất chợt, hai bàn tay lẻ cảm thấy cóng hơn, thọc sâu thêm vào chiếc áo khoác to sù, tìm hơi ấm...

Tôi đã xa HN vào mùa thu, để rồi trên những con đường vắng nồng hoa sữa của thị xã TB, nhận ra hồn vía HN trong tôi chính là hương hoàng lan. Không hiểu sao hương hoàng lan luôn gợi cho tôi về những kỉ niệm xưa cũ.Có thể tại mùi hương xôn xao quá và cũng bình yên quá.Cũng có thể vì nó đã lặng lẽ toả hương trong nhiều điều đáng nhớ của tôi ...

Hoàng lan cây thân gỗ, trống ít nhất 6-7 năm mới nở lứa hoa đầu tiên. Thế nên nó không thuộc về những cái thất thường, tạm thời, ngắn ngủi. Hơi cổ một chút, hơi cũ một chút, hoài niệm một chút - đó là khoảng không gian mà hoàng lan thuộc về. Ba gốc hoàng lan trong sân Bảo tàng Mỹ thuật VN, hàng cây đầu Điện Biên Phủ, cuối Tràng tiền, ngã ba Hàng Lược, chếch bên kia hiệu sách Tiền Phong... đều toả bóng trước những toà biệt thự, những ngôi nhà từ thời Pháp thuộc. Mùi hương ngọt ngào, sâu thẳm, xôn xao ấy có cái gì đó thật hợp với những ngôi nhà HN màu vàng ấm áp hoặc còn nguyên vẹn, hoặc phảng phất kiến trúc hồi đầu thế kỉ. Tưởng như chỉ cần dừng chân lại đó lâu lâu một chút thôi, sẽ thấy một thiếu nữ HN xưa áo dài tóc mai cặp cao, phía sau buông xoã hặc cặp hững hờ, tay cầm chiếc xắc nhỏ, khẽ khàng mở cánh cửa gỗ xanh đầy bụi và nhịp guốc đi qua lạo xao lá và hương hoàng lan, ra đường phố...

Mùa hoàng lan vắt từ thu sang giữa đông.Cũng nhiều sắc độ khác nhau trong mùi hương ấy. Cây trong khuôn viên ngôi chùa cổ thả suốt đường Bà Triệu vị dịu nhẹ thanh thản. Hàng cây Điện Biên Phủ, buổi tối đi qua chỉ muốn nhắm mắt lại và bay lên như Hoàng tử bé về phía tán lá - nơi cất giấu những chùm hoa vàng trong bóng đe^m sâu thẳm. Trong một cái ngõ nhỏ đường Hoà Lạc, nơi tôi học thêm, sau mỗi cơn mưa, mùi hoàng lan thơm ngọt như kẹo...Mùi hương khác, hay bởi tâm trạng tôi mỗi lần đi qua khác nhau nên đã vẽ nên bao nhiêu sắc độ ? Không biết nữa...

Mùa thu, sau một cơn mưa, vòng vèo qua nhiều phố, giật mình vì đã đột ngột trọn ven ở trong một khoảng không gian ướp hương hoàng lan, rồi lại đột ngột xa rời. Nhưng nhất là những đe^m đông, bất chợt gặp mùi hương thân quen trên một con đường đơn độc, cảm nhận thật rõ một nỗi nhớ, một nỗi buồn len nhẹ trong không gian, lặng thầm nhưng dai dẳng qua những mùa hoa. Và tôi không quên. Và tôi lại nhớ...

" ...Ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em..." " Khi ta nói "ta còn em" nghĩa là ta đã xa em vĩnh viễn..." - tôi đã đọc lời của ai như vậy nhỉ. Một người bạn thân của tôi, thích ngọc lan hơn, bảo :" Ngọc lan thơm dịu dàng, bình yên. Hương hoàng lan xôn xao và có gì đó đau đớn quá". Tôi nghe, lặng im, không phản đối, dự cảm về những ngày mai...

Tôi đặt một bông hoàng lan trong quyển sổ. Và quên. Mùa sau, năm sau mở ra. Sắc vàng không còn nữa nhưng hương còn phảng phất trong từng trang giấy da diết gợi về những ngày đã cũ...

Tối, bất ngờ nhận email của anh sau một thời gian dài cả hai cố tình gián đoạn. "...Chiều nay chờ ô tô dưới gốc hoàng lan, chợt nhớ em..." xúc động muốn ứa nước mắt. Anh vẫn chưa quên hoàng lan nhỏ bé thẳm sâu! Và, tội nghiệp nỗi nhớ, chúng ta cố gắng che giấu dưới lớp vỏ bình thản, không cho phép chúng tự bung ra. Nhưng, chiều nay anh đã nói...

Hà Nội mùa này biết bao tán hoàng lan lặng lẽ toả hương vào mênh mang. Dưới gốc cây nào anh đã nhớ ?

"Con đường vắng rì rào cơn mưa nhỏ, ai đó chờ ai..."

Hoa Hà Nội gìn giữ lòng Hà Nội Cho những phần Hà Nội ở nơi xa

Hoa Hà Nội? Có loài hoa nào của riêng HN, không có! Cái gì gìn giữ lòng HN, không biết! Vậy mà "những phần HN ở nơi xa" vẫn nhớ về hoa như một phần của HN, hay là của chính mình.

Bắt đầu từ những hàng hoa trên những chiếc xe thồ len lỏi vào mọi ngóc ngách của Hà Nội. Mẹ mua ở đây mỗi dịp ngày rằm, hoặc cả vào những ngày thường "mát giời". Hoa cắm trên bàn thờ thường là hoa hồng với đầy đủ lá, cành và lộc. Hoa hồng này hơi khác vì nó chẳng phải là loại hồng Pháp hay Ý không có gai, bụ bẫm tròn trịa; nhìn nhỏ bé, giản dị như người nông dân nhưng gai sắc, đỏ tươi và toả hương thơm. Hoa hồng này hình như cũng tươi lâu hơn, nở bùng lên một lần rồi rụng lá chứ không như hoa hồng ngoại nhìn ngoài vẫn đẹp mà bên trong đã héo từ bao giờ.

Hoa đặt trên bàn phòng khách thường là những bông dơn trắng cắm vào lọ to, cao cổ. Ghét hoa dơn vì mỗi lần khổ sở khi bị mẹ sai đi thay nước. Thỉnh thoảng 1 năm 1 lần vào dịp tết cây Ngọc Trâm lại có dịp làm sáng một góc nhà, hoa nở nhiều, thành từng chùm, thơm, trắng muốt mà lại tươi lâu. Bố mẹ tự hào về cây Ngọc Trâm này có khi còn hơn cả 2 đứa con "chăm ngoan, học giỏi". Thích nhất là những chậu hoa đủ các loại cúc, thược dược, ... và nhiều loại chả biết tên, em gái cắm rất khéo rồi đặt ở mọi góc nhỏ xinh xắn trong nhà, từ bàn học, cửa sổ đến nóc tủ lạnh. Chúng như những món quà nhỏ bé nhưng đủ sức lấp được mọi lỗ trống trong nhà.

Một buổi sáng dậy sớm tiễn bạn ra ga, lang thang ngược dòng những chiếc xe thồ chở hoa, chở rau, người lạc ra những chợ hoa, chợ rau ngoại ô HN. Chợ rau lớn nhất có lẽ ở cuối đường Láng phía Cầu Giấy, đi qua đây không ai lại không tranh thủ hít thở thật nhiều mùi thơm rau cỏ qua cái không khí tươi mát, lành lạnh còn ướt đẫm sương sớm này. Chợ hoa thì họp ngay phía bên ngoài đê ở dốc đi xuống Quảng Bá. Chợ họp rất sớm, từ 3 giờ sáng. Đến đó lúc 4h30 - 5h trời vẫn tối mù, đèn đường vẫn bật. Hoa hồng 100 bông đến 200 bông đặt thành từng bó, xen kẽ là những gánh hoa cúc, violet và đủ các loại hoa khác mà người xem chẳng đủ sành hoa để có thể nhớ hết mặt, hết tên. Hoa chợt chẳng phải là hoa nữa trong ánh đèn vàng, trong bước chân vội vàng, vô ý của người đi lại, trong tiếng mặc cả và gọi nhau ý ới của người bán kẻ mua.

Ra khỏi chợ, chia nhau hoa rồi phóng xe mải miết trên đường "đi về" thành phố. Chợt thấy trời sáng từ lúc nào, những bông hoa trên tay, trên giỏ xe như vừa thức giấc, mỗi loại hoa một vẻ, đua nhau vươn vai tập thể dục rồi cười thật tươi với người đi đường, với đường phố, hàng cây và với cả ánh nắng ấm áp buổi sớm. Bất giác ánh mắt ai nhìn nhau - trong trẻo, mát mẻ vô cùng.

Một lần gần Tết, mấy đứa đến thăm nhà bạn ở ngoại ô HN, phía bên kia đường cao tốc. Lạc đường, phóng xe tít mù theo một con đường đất đến khi chợt nhận ra mình ở giữa những cánh đồng hoa. Chẳng ai bảo ai, cả bọn dừng xe, nhìn quanh rồi ai cũng nhoẻn miệng cười. Đẹp nhất là những cánh đồng cúc vàng rực, nhìn xuống ai cũng thèm lăn một vòng giữa luống hoa mượt mà, lấp lánh đó. Hoa hồng ở ruộng vẫn được bọc lớp giấy báo xung quanh, ai đó bảo rằng trông như những nàng công chúa Ba Tư giấu mặt sau miếng vải che mặt nhưng mình chỉ thấy những viên kẹo kéo xám xịt gắn trên đầu những cái que dài ngoằng. Ngắm chán chê rồi sinh tà tâm, nhảy xuống vặt trộm một que kẹo kéo rồi tặng ai, ánh mắt người ta nhìn thật lạ. Phóng xe chầm chậm tới chân đê, chợt thấy mấy bông hoa tím mọc ven đường, "Hoa gì vậy, đố biết!", người sau xe nói mà như cười ... nhẹ như gió "Hoa rau muống" ...

Tiêu Dao

Trắng muốt hoa sưa



Có nhiều thứ hoa để tỏ tình. Nào tha thiết đắm say hồng nhung, nào nhớ thương vời vợi păng xê, nào tấm lòng quân tử cúc vàng cúc trắng, nào thủy chung trong đồng thảo tím... Có lẽ đã có một đồng cảm dâng đầy không gian khiến đất phải mượn hoa gửi tình cho trời, hoặc trời nhờ hoa trao say mê cho đất...

Mùa xuân đang chín cây, khi tấm man mưa xuân làm vũ trụ thành mông lung hư ảo, khi ta chững bước chân, nôn nao tấc dạ một sớm nào bắt gặp một hàng cây đã bất ngờ trắng muốt tự lúc nào.

Hay là... đêm qua có một chàng lực sĩ miền Bắc cực đã cưỡi con tuần lộc chở cây về nên tuyết còn đầy trên cành to nhánh nhỏ?

Hay là... cái Tết đã đi qua nhưng luyến tiếc hơi người ấm áp nên gửi lại niềm say mê trinh bạch của mình, vì gửi vào hoa lê, hoa mận, hoa mai hoa bưởi mà vẫn chưa thỏa tình nhau?

Mà cũng hay là... những vòm sao còn náu mình trong sâu thẳm vì chưa có hoa gạo dắt lối, đàn đom đóm đưa đường, nên phải gửi nàng sứ giả long lanh ánh trắng của mình cho phồn hoa đô hội, nhắc ai từng quên phút giây thanh thản được hòa mình vào vũ trụ mê tơi?

Hay là nữa... Ôi, ta mê đi trong hoan lạc, trong ngỡ ngàng, trong cái ngơ ngác của kẻ si tình thoáng gặp lại cố nhân vừa xuất hiện sau trùng trùng xa cách và đòi đoạn nhớ thương...

Cây Sưa đấy. Cây Sưa im lặng khuất chìm vào bao màu xanh biếc khác, bây giờ mới tỉnh giấc cô miên, bừng dậy một vòm hoa, một trời hoa trắng ngần, trắng muốt, thanh khiết, nguyên sơ như tấm lòng người con gái ta yêu mà lỡ làng ngay từ thời vụng dại.

Trên cái phố cổ của một Hà Nội nghìn năm đang rộn ràng từ sớm tinh mơ đến khuya đêm sáng rực, nơi có bày hàng vạn đôi giày dép, có hàng vạn đôi trai thanh gái lịch mải mê nào chọn kiểu, nào ướm chân, nào hỏi giá trao tiền... chăm chú vào bàn chân của mình để góp cho Hà Nội yểu điệu dáng đi, khoan thai nhịp bước và có cả quay cuồng bước nhảy trong ánh đèn xanh đỏ... thì trên cao kia, trên những cành cây tưởng như chết lịm vô hồn kia, suốt bao ngày hanh khô đầy bụi bặm phố phường kia, phố Hàng Dầu đấy, đã sáng rực một trời những hồn hoa phách nụ, trong ngần, thanh sạch, tuyết băng, thứ hoa Sưa của kinh thành xưa cũ Thăng Long góp mình vào đông liễu tây hòe còn sót lại địa danh: Hòe Nhai, Liễu Giai.

Sưa ơi, sức mạnh nào cho cây tự biến mình từ khẳng khiu khô nỏ vụng dại thành sức hút còn mạnh hơn cả những ánh mắt cô gái áo trắng tà bay của hào hoa Hà Nội trong chiều hồ lộng gió?

Hoa Sưa trắng rợn người, trắng nổi gai trên da thịt khiến ta tạm khuây những ồn ào tiền bạc ở mặt đường kia, mà tự nhẹ bỗng mình bay lên, tự lan truyền thân ta từ cành la lên cành bổng, từ chùm này sang tán khác, hoa rung rinh cho ta lâng lâng, hoà tan hồn mình vào hồn hoa lãng đãng.

Cây Sưa ấy không có nhiều trên các đường phố Hà Nội chen vai. Ngọn gò xinh xinh trong vườn Bách Thảo, xưa kia, từng có tên Sư Sơn, bởi có nhiều cây Sưa, đến nay cây Sưa phiêu bạt, chia tay với gò, khiến có nhiều người lầm tưởng đó là Núi Nùng hoặc Núi Khán mà Núi Nùng là ở trong Thành, núi Khán ở gần Lăng Bác bây giờ, cả hai đã lụi tàn, không còn dấu vết.

Nay cây Sưa nhiều nhất ở phố Hàng Dầu, nằm lẫn vào khu phố cổ Hàng Thùng, Hàng Sũ, Cầu Gỗ, Hàng Bè, cạnh đền Bà Kiệu bóng đa rủ rợp cùng với tượng đài chiến sĩ Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

Ngoài phố Hàng Dầu ra, bên bờ Hồ Gươm, xế cửa nhà Đèn là Sở Điện lực, bên cạnh gốc sung già, cũng có một cây Sưa nhỏ bé cũng đơm đầy một vòm tuyết trắng long lanh. Hẳn nó được ngắm nhìn nhiều hơn lớp đàn chị nó vì có không gian thoáng rộng, giữa xanh trời, xanh cây, xanh cỏ, nên sắc ngần băng tuyết kia càng nổi bật trước mắt người, dù đó là chàng thi sĩ đa tình lơ ngơ hay nhà doanh nghiệp lúc nào cũng hối hả vội vàng vì theo câu " thì giờ là vàng bạc".

Phố Phan Chu Trinh, trước cửa đại sứ quán Algérie cũng vút lên một vài hồn Sưa như thế, nhưng lẫn vào chiều cao cây khác, nên Sưa như là tủi phận, rụng trắng mặt đường dưới bánh xe tàn nhẫn.

Hà Nội dưới con mắt du khách là thành phố xinh xắn, trữ tình, bình lặng, êm đềm. Dưới con mắt "làm ăn" thì Hà Nội quá chật hẹp, cần mở rộng xây cho cao thỏa vòng đua tay lái và cửa hàng, khách sạn mọc lên san sát...

Dưới mắt người yêu Hà Nội, thì kinh thành lịch sử nghìn năm vẫn oai hùng và thanh lịch, vẫn tao nhã và hào hoa mà những cây Sưa kia là một chút hồn sót lại, mang sự lẩn khuất nỗi niềm nhắc ta suy ngẫm và giữ gìn bản sắc dân tộc đang có chiều tàn phai, mai một.

Những đỏ rực hoa Phượng đường Thanh Niên, tím ngát Bằng Lăng Thợ Nhuộm, vườn Chí Linh rực rỡ Vàng Anh, Lộc Vừng đỏ trữ tình bên mép nước... là để điểm xuyết vào một Cổng thành Cửa Bắc thêm một Ô Quan Chưởng cổ kính, một Tháp Hòa Phong thâm trầm, một đền Quán Thánh tịch liêu...

Riêng hoa Sưa có lẽ là hồn một cô gái ngàn xưa kết tinh thành bạch ngọc, cứ mỗi độ xuân về lại nhớ tình tang là chàng trai Thăng Long Hà Nội, nên hiện ra mơ hồ thoáng một ít ngày ngắn ngủi rồi lại bay về hư ảo, nói những lời im, bay tà áo mỏng, tung tóc vào trời mưa phấn, phô cái gáy nõn nà mây trắng cho phất phơ đối sợi tóc mềm lả lướt nắng bạc hiếm hoi... để ngơ ngẩn những ai yêu Hà Nôi, yêu đến bứt rứt một kiếp người...

Nhiều người đã ngợi ca hoa Sữa thơm ngát đêm thu. Còn hoa Sưa chút hồn xưa Hà Nội vẫn bị phũ phàng quên lãng một cách hờ hững vô tình trong bụi đời ô nhiễm. Tuy vậy, hoa Sưa vẫn bao dung rộng lượng, xuân theo xuân, mùa theo mùa, cứ về trắng ngát một góc Hà Nội cổ như lời hẹn ước đắm si...

Xuân 1996

Băng Sơn

Phố hoa sữa



Người Việt Nam mấy ai không thuộc một vài câu Kiều. Nguyễn Du (1765-1820), người viết nên thiên truyện Kiều ấy, là con trai thứ bảy của tể tướng Nguyễn Nghiễm. Quê cha Hà Tĩnh, còn mẹ là người quan họ Bắc Ninh, có lẽ vì thế mà trái tim cậu Chiêu Bảy đã run rẩy mấy trăm năm một chất đằm thắm trữ tình.

Hà Nội có phố Nguyễn Du, 1.060 mét đường nhựa phẳng phiu có so sánh được chăng với 56 năm đầy gập ghềnh đời thi sĩ? Ngẫu nhiên chăng khi (phố) Nguyễn Du ở trung tâm Hà Nội nối (phố) Huế vào (đường) Nam Bộ, long lanh một con hồ Thiền Quang như con mắt nhỏ xanh xanh ngự toạ một cụm chùa cổ với những hàng cây lao xao bốn mùa lá múa.

Sinh thời, gần hai trăm năm trước, cái ông quan Tham Tri, ông ở ẩn tự xưng là thợ săn trên núi Hồng (Hồng Sơn liệp hộ), ông thi sĩ viết bài Văn tế thập loại chúng sinh ghê rợn ấy... có lần nào bơi thuyền, ngồi câu trên sóng nước con hồ nối với bảy mẫu, ba mẫu mà lúc ấy hẳn phải còn tre trúc, ngõ quê, cầu ao mái lá, thấp thoáng áo dài nâu Đồng Lầm làm mê lòng bao công tử, thi nhân, thầy khoá? Nguyên đây là mảnh đất phía nam kinh thành, mang tên phường Phục Cổ, thôn Thuần Mỹ, thôn Liên Thuỷ, thôn Cung Tiên thuộc huyện Thọ Xương văng vẳng tiếng gà. Giữa ngã ba phố Nguyễn Du, là lối vào phố Liên Trì, dấu tích một đầm sen, bởi đến đầu thế kỷ này, hồ Thiền Quang còn ăn sang cả phố Quang Trung, chỗ trường tiểu học, mà khi quy hoạch đường bàn cờ, hồ mới bị lấp đi. Đoạn đầu phía đông, gần phố Huế đến ngã tư phố Quang Trung từng mang tên Rikiê (Riquier), đoạn giữa kề mép hồ là phố Hale (Halais) tên một viên Đốc lý người Tây, đoạn cuối phố giáp với Hàng Lọng, Nam Bộ, Lê Duẩn là phố Đuyphuốc (Dufourcq). Từ cách mạng, phố mới mang tên Nguyễn Du, những người yêu nhau, nhạc sĩ và nhà thơ, người xa Hà Nội lại gọi nó bằng cái tên mộng mơ: phố Hoa Sữa.

Những cây sữa cao vút cành thưa lá thoáng, cứ cuối thu lại xức vào lòng Hà Nội một loài hương nồng nàn quyến rũ thành kỷ niệm tình yêu, thành nỗi nhớ trong hồn, thành niềm mong của người chưa một lần đến Hà Nội. Cho đến khi gió bấc đổ về tê tái, quả sữa treo mành, chờ mùa hè sang năm mới thả những đàn con đi lang thang đậu vào vai áo người, có cô gái hoảng hốt tưởng là con sâu gì, nhưng chợt nhớ đó chỉ là hạt cây có lông tơ, bay lãng đãng. Trời đất kết kinh, nó sẽ tìm được nơi nào trú ngụ, ai mà biết được.

Với một ngàn thước đường cây, phố Nguyễn Du có nhiều nhà khá đẹp. Phố xuất hiện khi Hà Nội đã thành đô thị, nên thẳng băng, mát mẻ, thoáng đãng...

Quãng phố trông ra hồ Thiền Quang là một khoảng mây trời thơ mộng, mây soi bóng vào lòng hồ, mặt nước có những con thiên nga, con cá chép, con rồng, tất cả bằng sắt tây, bơi được nhờ vào chân người, có mấy quán cà phê đặt ghế mây sát những bức tường có hoa leo cho khách ngồi nhâm nhi trong gió hồ thổi tung ngực áo; tự thưởng cho mình chút không gian hé mở sau những chật chội nào Trần Quốc Toản, Hạ Hồi, Trương Hán Siêu, Đoàn Nhữ Hài gần đó.

Sáng sáng bờ hồ Thiền Quang thành sân tập thể dục của các cụ già trong các câu lạc bộ ngoài trời, giơ tay, giơ chân, đi bộ, tập thở... Thời gian của con người sao mà vội vã, đã bao lớp qua, rồi đến lượt ta, rồi lớp sau này... chỉ có gió hồ là hào phóng, cho họ chẳng tiếc chút gì.

Còn buổi tối và đêm về, có hương hoa sữa nồng nàn một làn thơm. Còn ven hồ đây có nhiều cây cụt, những cây hai gốc, chẳng cành, chẳng lá, hai gốc ấy cứ chạm vào nhau, sát vào nhau mà thì thầm, mà rúc rích... có lẽ chỉ có lớp cỏ bên hồ nghe thấy và nhìn thấy lặng lẽ các chuyện đời, kể cả một cây xà cừ đổ bão, nằm ngang mặt đất, bò một quãng dài rồi cứ vươn lên không chịu chết, không chịu thành củi, mà lớn lên, mà xanh ngắt, mà thành chiếc cây kỳ dị, nửa đứng, nửa nằm đã bấy nhiêu năm.

Phía đầu phố, từ ít lâu nay đã hình thành một đoạn toàn những hàng ăn uống, nào phở gà, phở bò, phở trứng, nào rượu thuốc, rượu trắng, nào cà phê, nước trà... Hàng thuốc lào ông Cả Nghị nổi tiếng từ rất lâu đời cũng đã thoát hình thành tiệm phở, bàn ghế trắng toát.

Cũng may mà phố Nguyễn Du không giống như đoạn phố Mai Hắc Đế, Trần Nhân Tông, hàng hoá lấp cả người ngồi người đi, phố Nguyễn Du vẫn còn dăm ba khuôn viên, ít biệt thự, phần nào giữ được chút thanh lịch một Hà Nội hào hoa, với vài ba quầy bán báo, ít hàng quả tươi đẹp, có chỗ chuyên ươm và bán các loại xương rồng...

Đôi khi đi lang thang trên hè phố, chợt vẳng lên trong tâm thức một câu Kiều Của tin còn một chút này... cũng không cần biết đúng hay sai, giống như không cần xác định Nguyễn Du là người Hà Tĩnh, Bắc Ninh hay Hà Nội trong lúc hoa sữa cứ ngào ngạt tâm hồn.

Băng Sơn

Hoa sữa



Hoa sữa
Nhạc sĩ: Hồng Đăng

Em vẫn từng đợi anh
Như hoa từng đợi nắng
Như gió tìm rặng phi lao
Như trời cao mong mây trắng

Em vẫn từng đợi anh
Trên những chặng đường quen
Tiếng hát ai xao động
Thoáng mùi hoa êm đềm

Kỷ niệm ngày xưa vẫn còn đâu đó
Những bạn bè chung
Những con đường nhỏ

Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm
Có lẽ nào anh lại quên em
Có lẽ nào anh lại quên em

Download Bài hát "Hoa sữa" trình bày bởi Thanh Lam

Hoa sữa Hà Nội



Hoa sữa không biết được du nhập vào Hà Nội từ bao giờ, cây cao, dáng đẹp, thân mốc thếch, cao tới gần 20m, cành đan xen khúc khuỷu. Khác với nhiều loại cây, lá cây hoa sữa phát triển từng đốt, mỗi đốt thường xoè ra từ 6-7 lá, giống như lá cây ngũ gia bì nhưng to hơn. Từ những đốt cành nảy ra những nhánh nhỏ vươn về mọi phía, làm cho tán cây luôn xanh mướt, bấm vào cành non thấy chảy ra chất nhựa có màu trắng như sữa, phải chăng vì thế mà dân gian gọi là cây sữa. Cùng với hoa dạ lan, nhài, trà mi, nguyệt quế... hương hoa sữa chỉ thơm về đêm.

Cây hoa sữa không có mùa trút lá, chỉ lác đác rụng lá vàng, nên suốt năm cây luôn xanh tốt. Hoa sữa nở vào độ cuối thu đầu đông, những cụm hoa nhỏ xíu chen chúc từng đám mầu trắng phớt. Ðộ hoa nở, những ngày lặng gió, không gian xung quanh như được ướp bằng mùi hương hắc thơm ngào ngạt, một mùi hương như mơ như thực, bởi hoa nở trên cao không nhìn thấy, còn cái mùi hương nồng nàn quyến rũ ấy cứ lan xa, dưới gốc cây rơi rắc những chấm hoa nho nhỏ, như tấm voan mỏng mịn màng còn phảng phất mùi hương.

Nhưng không hiểu sao, hễ nói về hoa sữa, người ta vẫn nhớ về con đường Nguyễn Du, nơi ấy có không gian tĩnh lặng, có hồ nước lung linh khiêm nhường mà thơ mộng. Những đêm đầu đông, trong sương giăng lành lạnh, ngồi bên bồ Thiền Quang dù ở bờ bên kia, vẫn ngửi thấy mùi hoa sữa. Nhiều lứa đôi thường đến đây dạo bước dưới hàng cây sữa, phải chăng bởi hoa sữa thơ mộng dễ khắc vào nỗi nhớ kỷ niệm tình yêu?

Ngược đường Thuỵ Khê theo tàu điện về chợ Bưởi ngày xưa cũng có nhiều cây hoa sữa. Mới cách đây gần 30 năm, ngồi trên toa xe điện vào những đêm đông, suốt đoạn đường vẫn ngửi thấy hương sữa, giờ đây đoạn đường này chỉ còn lại 5 cây, dọc đường hầu hết được trồng dâu da xoan. Kể ra, cây dâu da xoan cũng đẹp, rất dễ trồng, lá xanh mướt, mùa xuân, mùa hè hoa nở trắng có mùi thơm dịu nhẹ, dưới nắng vàng những chùm quả cũng lung linh đỏ rực. Nhưng cây rất thấp, không thể nào sánh được với hoa sữa. Vì sao cây hoa sữa ở đoạn này lại ít đi? Tìm hiểu thì được biết một số người thiếu ý thức thấy cây sữa mọc trước nhà, hoa toả hương họ chê là hắc, nên tìm cách hạ đi.

Mấy năm gần đây, chừng như người ta cũng bắt đầu thấy được giá trị của hình tượng hương hoa sữa với phố phường Hà Nội, nên một số phố được trồng thêm rất nhiều cây sữa.

Hoa sữa trên đường phố Hà Nội từ lâu đã đi vào kỷ niệm của người Thủ đô và những khách xa về thăm Hà Nội. Hoa sữa cũng đi vào nhạc, vào thơ, đã làm xốn xang bao tâm hồn trẻ, ai không khỏi bâng khuâng khi nghe câu hát "Em ơi Hà Nội phó, ta còn em mùi hoàng lan, ta còn em mùi hoa sữa"... Hương hoa sữa ở đây như gắn với tình yêu và phố phường Hà Nội. Rồi "hoa sữa thôi rơi, em bên tôi những chiều tan lớp" như nỗi niềm luyến tiếc mùa hoa sữa đã qua gợi bao kỷ niệm. Và nhiều lắm, có biết bao bài văn, bài thơ viết về hoa sữa, cây hoa sữa đã tôn thêm biết bao thơ mộng cho Hà Nội những mùa đông.

Tôi yêu Hà Nội, tôi yêu những đêm đầu đông không gian lành lạnh sực nức mùi hoa sữa, tôi ước mong có nhiều đường phố Hà Nội được trồng thêm nhiều cây sữa, một loại hoa không đẹp nhưng ngát hương, và chẳng thể nào quên với những người đi xa. Hoa sữa quả là một món quà quý giá mà thiên nhiên ban tặng cho Hà Nội, Thủ đô yêu dấu của chúng ta

Nguyễn Văn Lục (Hà Nội Mới)

***

Quảng nam thì gọi là cây "bù lời" hoặc "bời lời". Tuy Hoà thì gọi là cây "mùa cua". Chỉ có về đất Hà nội, nơi có những hồn thơ lai láng thì cái cây ấy nó mới có cái tên thơ mộng là Hoa sữa.

"Tình yêu đầu mang hương sắc mùa Thu
Mùa hoa sữa tan trong áo em và mái tóc
Tình yêu đầu tưởng không gì chia cắt
Vậy mà tan trong sương khói mong manh
Tại vầng trăng, tại em hay tại anh?
Tại sang Đông không còn hoa sữa
Tại siêu hình tại gì không biết nữa
Tại con bướm vàng có cánh nó bay..."

Monet và sự quyến rũ của những bông hoa súng


Nhà Claude Monet tại Giverny, Haute-Normandie, France

Bức tranh "Nymphéas bleus" (Blue Water Lilies, Hoa Súng xanh) được vẽ từ năm 1916 đến năm 1919.

Monet vẽ những bông hoa súng. Ông cũng vẽ thành phố London, Venise và những phong cảnh đẹp đẽ của nước Pháp, nhưng những bức tranh về khu vườn ao của ông là cái thực sự thu hút công chúng.

Claude Monet, người được mệnh danh là "người cha của hội họa ấn tượng", đã bỏ ra 30 năm cuối đời để vẽ về khu vườn ao của mình, một niềm say mê đơn độc và thu hút được sự ngưỡng mộ khắp nơi. Một triển lãm gồm khoảng 60 bức tranh về hoa súng của ông, khai mạc vào tháng năm vừa qua, tại Bảo tàng Orangerie ở Paris, hàng ngày đã thu hút những lượng khách tối đa, những người háo hức muốn được xem những bức tranh nguyên bản đã không ngớt được in lại trong các ấn phẩm và bưu thiếp. Trước đó, một triển lãm về Monet ở London vào tháng tư kết thúc với 813.000 người xem, một kỷ lục đối với triển lãm nghệ thuật tại Anh.

Ngôi nhà của Monet và khu vườn ao của ông nằm ở vùng Giverny, cửa ngõ Tây Bắc của Paris, nơi ông sống và vẽ từ năm 1895 đến năm 1926, cũng trở thành một thánh địa hành hương với những "tua" du lịch bằng xe khách và tàu hỏa từ Paris đến.

Những dãy người xếp hàng rồng rắn tại triển lãm Paris và Giverny đã nói lên sức quyến rũ của những bông hoa súng. Monet đã vẽ khoảng 300 bức tranh về khu vườn - ao ở Giverny, trong đó có 40 bức tranh khổ lớn.

Triển lãm "Chu kỳ của hoa súng" tại Bảo tàng Orangerie, nhằm trình bày những mưu toan chuyên nhất của họa sĩ - đôi khi đầy tuyệt vọng - để nắm bắt vẻ đẹp đến sững sờ của một khu vườn - ao với những nét đổi thay của bầu trời, màu sắc, ánh sáng và sắc độ. Trong một bức thư năm 1916, Monet đã viết: "Tôi thực sự bị ám ảnh bởi những gì mình đang vẽ".

Những họa sĩ lớn là những người biến những cái thông tục thành những vẽ đẹp tuyệt kỳ. Và thiên tài của Monet hiện ra trong những bức tranh về vườn ao. Pierre Georgel, Giám đốc Bảo tàng Orangerie, nhận xét: "Cuộc cách mạng của Monet là việc đi đến tận cùng cái mà ông tìm kiếm, vượt quá thế giới hiển hiện thông thường để đạt tới sự phát hiện, cái mà chúng ta không thấy qua vẻ quen thuộc của chúng và cái nhìn vội vàng của chính ta".

Năm 1951 Monet đã quyết định một dự án đã chiếm lĩnh những năm cuối đời mình. Ông viết: "Nó thuộc về chủ đề mà một thời đã chiếm lĩnh tôi - nước, hoa súng, cây cỏ, nhưng trên một mặt tranh rộng khiến cho người xem không chỉ bị vây quanh mà còn bị chìm ngập vào đó"

Cuộc triển lãm này nhằm đánh dấu ngày kỷ niệm 80 năm của dự án lớn của nhà danh họa - sự trao lại một loại bích họa cho tổng thống Pháp Georges Clemenceau vào ngày 12/11/1918, ngày tiếp sau ngày đình chiến.

Nhưng khi sự trao lại này được thực hiện, những cuộc thương lượng căng thẳng đã kéo dài sau đó nhiều năm khi những quan chức chính phủ cãi cọ lằng nhằng với Monet về con số bức tranh, cỡ tranh và những phòng tranh mà chúng được treo.

Những tranh này được trưng bày năm 1927, sau khi Monet qua đời.

Chu kỳ ban đầu của tranh hoa súng bắt đầu vào năm 1897. Những tranh này tràn ngập ánh sáng và vẻ duyên dáng được tạo nên bởi những sắc thái đục mờ của các màu xanh lam, xanh lá cây và hồng nhạt, để miêu tả nước và những nụ hoa.

Nhưng từ năm 1914, sau 2 năm đào bới, những cảnh về chiếc ao có màu sẫm hơn với những nét bút dày đặc về những sắc độ thẫm của màu tím, hung, lam và xanh. Đây là những cảnh về đêm được vẽ dưới ánh trăng.

Một chiếc cầu gỗ kiểu Nhật Bản trông thanh nhã và duyên dáng, trong những bức tranh thời đầu được chuyển thành những thanh dầm thẫm màu mang đậm nét u uẩn và lo âu. Cây cỏ trên bờ ao thì mơ hồ huyền ảo và rối ren nhàu nát. Màu sắc đã lấn chỗ của hình thể. Những bức tranh này tạo thành chiếc cầu, nối liền hội họa ấn tượng thế kỷ 19 với hội họa trừu tượng và biểu hiện của thế kỷ 20.

Những bức tranh tối màu và u uẩn ra đời sau khi Monet chịu tang bà vợ, chết vì bệnh bạch cầu năm 1911. Ông sống một mình ở Giverny sau khi Thế chiến I nổ ra, biến miền Bắc Pháp thành bãi chiến trường. Lúc này thị lực ông đã sa sút. Ông đã viết rằng vẽ đã trở thành việc tra tấn khi ông vật vã để hoàn thành dự án lớn vào những năm cuối đời.

Triển lãm Paris kết thúc với những bức tranh tường tạo ra khoản di sản chuyển nhượng trong di chúc của ông. Được sắp xếp trong hai căn phòng bầu dục, những bức họa này gợi lên một giấc mơ về ánh sáng, không gian, sự tĩnh lặng và sự chấp nhận - sự thức ngộ của Monet sau quãng đời mang cái nhìn tăm tối của cô đơn và tuyệt vọng.

Với bất cứ ai yêu Monet, Giverny là một địa điểm hành hương, nơi mà phép lạ của nghệ thuật được tạo ra. Ngôi nhà và những mảnh vườn nép mình dưới chân tường ngọn đồi nhấp nhô um tùm, hàng ngày thu hút hàng trăm du khách.

Một cặp vợ chồng, David và Lynda Hoxley, từ vùng Woodford phía Tây Nam nước Anh, từng xếp hàng để xem triển lãm của Monet tại London và sau đó lại xếp hàng để thăm khu vườn của ông. Khi vào bên trong để thăm thú, họ tuyên bố rằng thật bõ công chờ chực, Lynda nói: "thật kỳ diệu, đẹp tuyệt vời" và nói thêm rằng, khu vườn còn đẹp hơn nữa nếu không đầy những người.

Khu vườn thượng, được chăm sóc ân cần từ bàn tay 9 người làm vườn, đầy hoa diên vĩ ngạt ngào trong sự hòa sắc giữa màu tím nhạt, xanh lam và trắng, viền quanh là luống oải hương màu hồng nhạt. Quanh chiếc ao, những cây diên vĩ nước mọc lẫn với liễu và một chiếc thuyền sơn màu xanh lá cây cắm sào giữa những đám hoa súng huyền thoại.

"Giverny làm cho người ta phải nín thở, đúng như từng chờ đợi. Nhưng những bức tranh lại còn hơn thế nhiều. Chúng đến với nhiều nơi hơn", Christopher Hughes, một sinh viên Mỹ, phát biểu tại triển lãm Orangerie.

Julianne Eager, một sinh viên mỹ thuật người Mỹ khác, người đã đến cả triển lãm lẫn Giverny nói rằng khu vườn - ao đã làm thay đổi cái nhìn của cô đối với tranh của Monet, từ cái đẹp hời hợt đơn giản đến một cái đẹp sâu lắng hơn. "Thật lạ lùng. Ông có cặp mắt nhìn mà tôi không có được. Tôi nhìn xuống ao súng từ chiếc cầu gỗ Nhật Bản và cố hình dung ra những tranh vẽ của ông. Nhưng không thể. Tôi không thể thấy được cái mà ông thấy".

Loạt tranh hoa súng, loạt tranh cuối cùng mà đã bỏ ra 20 năm cuối đời đã trở thành sự kết thúc huy hoàng của sự nghiệp một danh họa, "những tác phẩm tuyệt đỉnh" như Proust đã nói. Dự cảm về những giới hạn của nghệ thuật ấn tượng, nhà họa sĩ của Giverny đã đẩy nghệ thuật ấn tượng đến mức tối thiểu trong tranh ông. Bằng sự lặp đi lặp lại, chủ đề của tranh trở thành giai thoại, nó tự hòa tan, tự tiêu ma đi, để lại môi trường tự do cho thứ hội họa thuần khiết: đấy là nghệ thuật trừu tượng.

Giống như Titien trước ông, giống như Matisse sau ông, giống như mọi nghệ sĩ mà tuổi già đã giáng phúc cho họ, Monet, với tuổi 70, đã dấn thân vào những con đường mới. Đấy là những con đường của nghệ thuật hiện đại. Liệu ông từng có ý thức về điều này không? Khi hỏi ông điều này trước khi ông qua đời mấy tháng. Ông đã vui lòng thổ lộ: "Tất cả những gì mà tôi có thể nói: Hội họa là một công việc cực kỳ khó khăn".

Thật vậy, có thể nói gì khác hơn với con người đã âm thầm lật đổ mọi sự chuyên chế để dẫn dắt hội họa đến những cuộc phiêu lưu mới.

(Thể thao văn hóa - 27/7/1999)

***

Liste des plantes et des fleurs du jardin de Claude Monet
(List of plants and flowers of Claude Monet's garden)

BASSIN / POND
Arbres / Trees
Saules pleureurs / Weeping willow / Liễu rủ
Saules têtards / Willow / Dương liễu
Peupliers / Poplar / Bạch dương
Bambous / Bamboo / Tre
Bambous noirs / Bambusa nigra
Cognassiers du Japon / Quince tree of Japan
Cerisiers du Japon / Cherry tree of Japan / Hoa Anh Đào Nhật
Pommiers du Japon / Apple tree of Japan / Táo Nhật
Aulnes / Alder
Frênes / Ash tree
Ginkgos
Plantes / Plants
Rhododendrons
Azalées / Azalea /Đỗ quyên
Pivoines arbustives tardive / Peony / Mẫu đơn
Agapanthes / Lily of the Nile / Lily sông Nile
Fougères de Kalmia / Fern of Kalmia / dương sỉ Kalmia
Berberis
Sceaux de Salomon
Gyneriums
Framboisiers / Raspberry bush
Petasites
Houx / Holly / Nhựa ruồi
Fleurs de Printemps / Spring flowers
Glycines mauves et blanches / Wisteria white and mauve
Tamaris / Tamarisk
Iris / Diên Vĩ
Lupins
Fleurs d'été / Summer flowers
Nympheas / Water Lily /Súng
Rosiers tiges / Stem rose
Lys / Lis / Huệ tây
CLOS NORMAND
Arbres / Trees
Cerisiers du Japon / Cherry tree of Japan /Hoa Anh Đào Nhật
Pommiers du Japon / Apple tree of Japan / Táo Nhật
Erable du Japon / Maple of Japan
Erables sycomores / Maple Sycamore
Marronniers / Chestnut tree
Tilleuls / Lime tree
Fleurs de printemps / Spring flowers
Aubrietias
Iris germanica mauve et violet / Iris germanica mauve and purple / Diên Vĩ Đức màu hồng tím và tím
Perce-neige / Snowdrop / Giọt tuyết
Roses de Noël blanches / Christmas rose / Hồng Giáng Sinh
Primevères / Primerose / Anh thảo xuân (Ngọc trâm)
Pensées / Pansy / Hoa Bướm
Violas cornutas
Crocus
Jonquilles / Daffodil / Thủy Tiên
Myosotis / Forget-me-not
Seringats
Viburnums
Tulipes rouges, jaunes, roses, mauves, perroquet / Tulip
Iris hollandais / Dutch Iris / Diên Vĩ Hà Lan
Pavots d'Orient / Oriental Poppy
Pivoines / Peony / Mẫu đơn
Doroniques
Ancolies
Clématites / Clematis / Hoa ông lão
Fleurs d'été et d'automne / Summer and autumn flowers
Anémones / Anemone / Cỏ chân ngỗng
Dahlias cactus
Asters mauves / Mauve Aster
Campanules des Carpathes / Bellflower / Hoa chuông
Passiflores grimpants
Dahlias jaunes, blancs et roses / Yellow, white and rose Dahlias / Thược dược vàng, trắng & hồng
Rosiers tiges à fleurs simples roses, jaunes et orange / Stem Rose
Rosiers grimpants à fleurs simples roses et rouges / Climbing rose / Hoa hồng leo
Rudbeckias
Clématites / Clematis
Sauges / Salvia
Soucis / Marigold
Aconites
Oeillets / Carnation / cẩm chướng
Pelargoniums
Cannas /Hoa chuối
Ipomées
Hypericums
Mufliers / Antirrhinum
Capucines grimpantes / Climbing Nasturtium / Sen cạn leo
Soleils / Sunflower /hướng dương
Marguerites / Cúc
Delphiniums / Phi yến
Campanules / Bellflower / hoa chuông
Digitales / Digitalis
Oenothères
Heliopsis
Epilobes
Verbascums
Glaïeuls / Gladiola / Hoa Lay-ơn
Lammiums
Lys / Lis / Huệ Tây
Roses trémières / Hollyhocks / Mãn đình hồng
Chardons bleus / Blue Thistle
Sumacs roses / Pink Sumac
Pois de senteur / Sweet Pea / Đậu hoa
Solidago
Hortensias bleus / Blue Hydrangea / Cẩm tú cầu

Những điều thú vị về các loài hoa

Hoa bồ công anh có thể báo giờ. Hoa màu đỏ để quyến rũ chim. Hoa nhài trắng giúp thúc đẩy hưng phấn... Đó là những thông tin thú vị về các loài thực vật trên trái đất.

Ảnh: Daily Mail.

Tại sao chỉ những lá ở dưới thấp của cây nhựa ruồi mới có gai?

Gai nhọn ở đó là để xua đuổi động vật hoang dã. Nếu không chúng sẽ ăn những lá non mọc yếu ớt ở bên trên.

Loài thực vật nào có thể kích thích tình dục?

Những cây rau xanh vẫn được biết đến là mà mang lại sức khỏe tốt cho bạn, gia tăng lượng sắt và vitamin giúp bạn cảm thấy sung sức, nhờ đó tăng khoái cảm.

Theo một triết gia Hy Lạp, các cô gái Ba Tư chuẩn bị cho đêm tân hôn của mình bằng cách ăn táo.

Các thực phẩm khác bao gồm khoai tây và một loài phong lan có 2 thân màu tím dài (Orchis mascula).

Một nhà dược liệu vào thế kỷ 17 khuyên rằng chiết xuất từ hoa nhài trắng có thể làm ấm tử cung, giúp mang lại cảm giác thư giãn, thoải mái.

Tại sao không nên để hoa trong phòng ngủ qua đêm?

Trong ngày, hoa và cây hút CO2 từ không khí và thải ra oxy. Nhưng vào ban đêm thì ngược lại, hoa sẽ làm căn phòng tràn ngập CO2.

Và đừng bao giờ đặt lọ hoa lan chuông ở cạnh giường - nó chứa cardiac glycosides gây đau bụng và rối loạn nhịp tim.

Cây bồ công anh có thể báo giờ?

Vào ngày nóng nực, hạt cây bồ công anh mất đi chất ẩm và không còn bám chặt vào thân. Vì vậy khi bạn thổi chúng vào 2, 3, 4, 5 giờ chiều để xem mấy giờ, thì có thể là chính xác. Tuy rằng, phần lớn có thể là do may mắn.

Hoa màu đỏ để hấp dẫn ai?

Chim bị hấp dẫn bởi hoa màu đỏ bởi mắt chúng nhạy cảm với màu này. Nhưng màu đỏ lại không có tác dụng gì với côn trùng.

Cây tử đinh hương có thể dự báo thời tiết?

Các câu chuyện dân gian truyền lại rằng hoa tử đinh hương có thể báo sự thay đổi thời tiết. Nếu chúng nở lâu hơn bình thường, thời tiết sẽ đẹp. Nếu chúng nở ra nhanh chóng, sắp có mưa. Nếu bông hoa rủ nhanh và héo đi, một mùa hè nóng nực sẽ đến. Hoa nở muộn báo hiệu một mùa mưa.

Tại sao ăn thịt cừu với sốt bạc hà?

Ngày trước, cừu thường ăn cây bạc hà nước ở đầm lầy Romney ở Kent và người ta cho rằng điều đó mang lại hương thơm bạc hà dễ chịu cho con vật, vì vậy ăn thịt cừu với nước sốt bạc hà sẽ phù hợp.

Tuy nhiên, nước sốt bạc hà ngon nhất thực ra lại làm từ bạc hà cạn chứ không phải bạc hà nước.

Có nên gieo hạt theo chu kỳ mặt trăng?

Có giả thuyết rằng mặt trăng có thể khống chế sự lên xuống của thủy triều, vì vậy nó cũng ảnh hưởng tới dòng nước trong mặt đất nơi trồng cây. Vì vậy, những người làm vườn được khuyên rằng nên trồng hạt đậu xanh và đậu Hà Lan khi mặt trăng khuyết để cây được nghỉ ngơi trước khi nảy mầm.

Mặt khác, trăng đầy mang đến ánh sáng kích thích màu vàng ở những cây mọc vào mùa xuân. Trăng tròn làm các loại củ quả như dưa chuột, củ cải, tỏi tây, nghệ tây béo hơn.

Nên giữ những cây nào ở ngoài nhà?

Những cây không nên trồng trong nhà bao gồm cây đầu xuân, cây táo gai và cây bạch đầu ông.

Cây có thể sống sót mà không cần mưa?

Trên vùng đất khô cằn mang tên Skeleton Coast ở Namibia, châu Phi, hầu như không có loài sinh vật nào sống sót.

Một loài cây đã thích nghi được với sự khô cằn này là Welwitschia mirabilis, lấy chất ẩm từ lớp sương mù thỉnh thoảng lắm mới có. Từ thân của mình nó chìa ra những chiếc lá mỏng dài để hứng lấy giọt sương và truyền về thân cây.

Loài cây đắt nhất thế giới?

Có thể đó là một loài lan dạ hương được gọi là "bí ẩn của bóng đêm". Cây hoa nở ra những bông đen tuyền này được bán lẻ với giá 8 bảng Anh mỗi bông. 7 năm trước, một công ty Suffolk đã mua 3 cây từ một nhà cung cấp Hà Lan với giá 150.000 bảng Anh.

Quả việt quất. Ảnh: Daily Mail.

Vì sao cây việt quất lại đặc biệt?

Chúng có rất nhiều vitamin, chất chống oxy hóa và hoạt chất giảm cholesterol. Nó còn giúp làm chậm quá trình lão hóa, thúc đẩy cuộc sống tình dục, cũng như cải thiện thị giác.

Thực phẩm có màu đỏ vàng bổ hơn loại có màu trắng?

Loại chất quercetin chống oxy hóa, tác nhân ngăn ngừa ung thư, chỉ có ở những củ hành màu vàng và đỏ. Khoai lang màu vàng cũng có hàm lượng vitamin A cao.

Loại gia vị nào tốn kém thế giới?

Để chế biến nên nghệ tây, cần tới 150.000 bông hoa nghệ tây nở để thu hoạch được được 1 kg nhụy hoa có màu đỏ tươi để làm nghệ.

Màu xanh quần jeans lấy từ đâu?

Chất chàm để nhuộm màu lấy từ Indigofera, một loài cây do người Ai Cập, Hy Lạp và La Mã sử dụng. Về sau nó được đưa qua Đại Tây Dương và người tạo nên chất nhuộm thành công đầu tiên là Eliza Lucas ở South Carolina vào năm 1742. Chất nhuộm mà họ tạo ra có chất lượng vô song vào lúc ấy.

Năm 1850, hãng Levi Strauss đã tạo ra quần jeans màu xanh nổi tiếng, dù ngày nay chất nhuộm được làm từ chàm tổng hợp.

M.T. (theo Daily News)

Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Khoa-hoc/2008/05/3BA0285F/

Những 'sát thủ' trong thế giới hoa

1. Thủy tiên

Ảnh: devesgarden.com
Thủy tiên trắng. Ảnh: devesgarden.com.

Thủy tiên là tên gọi của một nhóm cây dạng thân hành cứng, chủ yếu ra hoa về mùa xuân, trong khi một số loài ra hoa vào mùa thu. Thủy tiên có nguồn gốc ở khu vực Địa Trung Hải, nhưng được tìm thấy ở cả Trung Á và Trung Quốc.

Tuy sở hữu một cái tên rất đẹp, nhưng thủy tiên chứa chất độc và có thể gây chết người nếu ai đó ăn thân và củ của chúng với số lượng lớn. Hai loài đáng sợ nhất là thủy tiên trắng (còn được gọi là hoa trường thọ) và thủy tiên vàng. Một số người nhầm tưởng hai loài cây này với hành và tỏi. Chất độc của thủy tiên vàng có thể gây buồn nôn, chuột rút và tiêu chảy. Các bác sĩ thường đề xuất biện pháp truyền dịch hoặc dùng thuốc để chấm dứt tình trạng nôn mửa nếu bệnh nhân là trẻ em hoặc các triệu chứng tỏ ra nghiêm trọng.

2. Đỗ quyên

Đỗ quyên tím. Ảnh: mooseyscountrygarden.com.

Đỗ quyên trông rất rực rỡ vào mùa xuân với những bông hoa hình chuông, nhưng lá của nó có chất độc. Ngoài ra, mật ong làm từ mật hoa đỗ quyên cũng có độc. Nếu ăn lá hoặc mật hoa đỗ quyên, miệng của bạn sẽ phồng rộp rồi tiết nước bọt mỗi lúc một nhiều. Bạn cũng có thể bị nôn mửa, tiêu chảy và cảm thấy ngứa ngáy toàn thân. Sau đó, các triệu chứng khác như đau đầu, nhũn cơ và mờ mắt có thể ập tới. Nhịp tim sẽ giảm dần hoặc trở nên loạn xạ và bạn có thể rơi vào trạng thái hôn mê hoặc co giật. Nếu nạn nhân kịp tới bệnh viện, bác sĩ sẽ cố gắng truyền dịch vào cơ thể và giúp bạn thở dễ dàng hơn. Sau đó họ dùng thuốc để nhịp tim của nạn nhân trở lại bình thường.

Nhờ vẻ đẹp dịu dàng, đỗ quyên là một trong những loài hoa cảnh rất được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới. Cây có nguồn gốc ôn đới, mọc nhiều ở những vùng núi cao, có khí hậu mát mẻ quanh năm. Đỗ quyên rất sợ nắng và nơi không thoát nước (vì thế còn được gọi là họ cây khô). Chúng rất đa dạng về chủng loại, kích cỡ và màu sắc. Trên thế giới, đỗ quyên phân bố nhiều ở vùng ôn đới Bắc Mĩ, vùng cao nguyên tiếp giáp Á - Âu và Đông Á, Nhật và Bắc Triều Tiên. Tại Nepal, đỗ quyên được chọn là "quốc hoa". Ở Việt Nam, đỗ quyên có ở những vùng núi cao như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo, làng Trình Xuyên bên bờ sông Trà Lý phụ cận thành phố Nam Định.

3. Trúc anh đào

Trúc anh đào đỏ. Ảnh: plantanswers.com.

Tất cả mọi thứ trên thân cây trúc anh đào đều có độc. Ngay cả việc hít khói từ một cây trúc anh đào bị đốt bạn cũng có thể khiến bạn cảm thấy choáng váng hoặc bất tỉnh. Các triệu chứng phổ biến gồm thay đổi nhịp tim (đập dồn dập hoặc chậm bất thường), sự gia tăng nồng độ kali trong máu. Các bác sĩ có thể dùng một loại thuốc để bình ổn nhịp tim. Muốn loại bỏ chất độc ra khỏi hệ thống tiêu hóa, người ta thường tẩy ruột hoặc cho nạn nhân ăn than củi để hấp thu chất độc.

Tại những khu vực cận nhiệt đới ấm áp, trúc anh đào được trồng để trang trí công viên, các địa điểm công cộng và đường phố. Nó có thể sống trong điều kiện khô hạn và chịu được các trận sương giá không thường xuyên tới -10°C. Hoa trúc anh đào sặc sỡ, có mùi thơm và đó là lý do khiến nó được trồng rộng rãi. Tới nay các nhà khoa học đã đặt tên cho hơn 400 loài trúc anh đào. Hoa trúc anh đào có nhiều màu, trong đó phổ biến nhất là hồng và trắng. Ngoài ra chúng còn có màu tía, đỏ và cam. Một số giống còn có hoa kép. Mặc dù độc, song nước chiết từ lá trúc anh đào được dùng để trị sung huyết và các rối loạn da.

4. Cúc

Ảnh: khaivy.net.
Ảnh: khaivy.net.

Có khoảng 100 tới 200 lòai hoa cúc. Chúng thường mọc sát đất và có thể phát triển thành bụi. Người ta trồng cúc ở các nông trại để xua đuổi thỏ vì hoa của chúng có độc. Mặc dù hàm lượng chất độc không lớn, nhưng nếu chạm vào hoa của chúng bạn sẽ cảm thấy ngứa, rát và vùng tiếp xúc có thể phồng rộp. Bác sĩ sẽ chỉ kê cho bạn một loại thuốc trị ngứa, bỏng hoặc dị ứng.

Cúc phân bố khắp thế giới, nhưng xuất hiện nhiều tại các vùng ôn đới và miền núi nhiệt đới. Đặc trưng phổ biến nhất của các loài cúc là kiểu kết cấu "cụm hoa". Các cánh hoa dài (hoa tia) tạo thành vòng ngoài, còn phần bên trong của cụm hoa được hình thành thành từ các hoa nhỏ với các cánh hình ống.

Theo y học cổ truyền, hoa cúc có tác dụng tán phong thấp, giáng hỏa, giải độc. Người ta cũng dùng làm thuốc chữa nhức đầu, chóng mặt, đau mắt, tăng huyết áp. Cháo thuốc từ hoa cúc có thể chữa đau mắt.

5. Đậu tía

Đậu tía xanh. Ảnh:
Đậu tía xanh dương. Ảnh: flickr.com.

Đậu tía có thể mê hoặc những người lãng mạn với những cành hoa màu tím, xanh dương, hồng hoặc trắng. Tuy nhiên, mọi bộ phận trên thân loài cây này đều có chất độc. Nếu ăn đậu tía, chúng ta có thể bị nôn mửa, chóng mặt, chuột rút, tiêu chảy.

Đậu tía có nguồn gốc từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chúng mọc rất nhanh nên thường được coi là loài cây xâm lấn. Đậu tía ưa đất ẩm ướt và màu mỡ, nhưng chúng vẫn có thể sống ở đất cằn và thiếu ánh sáng. Chúng có thể leo tới độ cao 20 mét so với mặt đất. Cây đậu tía lớn nhất thế giới ở thành phố Sierra Medre, bang California, Mỹ có khối lượng 250 tấn, bao phủ một diện tích khoảng 1 ha.

Lá của đậu tía mọc xen kẽ và có chiều dài 15-35 cm. Hoa mọc thành cành với chiều dài 10-80 cm. Những loài có nguồn gốc từ châu Á nở hoa vào mùa xuân, trong khi những loài từ Mỹ nở vào cuối hè. Hoa của một số loài có mùi thơm ngát, đặc biệt là đậu tía ở Trung Quốc. Chúng có màu tím, hồng, trắng, tím phớt xanh. Người ta chưa từng nhìn thấy đậu tía có hoa vàng.

6. Mao địa hoàng

Mao địa hoàng hồng và trắng. Ảnh: redrocknursery.com.

Nhóm cây bụi lâu năm thuộc họ hoa Mõm sói có cái tên và vẻ ngoài khá huyền bí. Mao địa hoàng có nguồn gốc từ châu Âu và hiện có khoảng 20 loài. Chúng có thể đạt chiều cao 1 mét và mọc hoa màu tím phớt xanh, hồng hoặc trắng dọc theo một thân chính. Một số loài có chấm bên trong hoa.

Nếu ăn bất kỳ bộ phận nào trong nhóm cây bụi này, bạn sẽ hứng chịu một số trục trặc ở tim sau các triệu chứng ban đầu như chóng mặt, nôn mửa, chuột rút, tiêu chảy, chán ăn và đau ở miệng. Lá và phần trên của thân có hàm lượng độc chất cao nhất và có thể gây tử vong. Bác sĩ sẽ phải đưa than củi vào dạ dày bệnh nhân để hút chất độc hoặc tẩy ruột và sử dụng một số loại thuốc để đưa nhịp tim của bạn về mức bình thường.

7. Tú cầu

Tú cầu màu lam. Ảnh: thegardenhelper.com.

Tú cầu là một chi thực vật thân mộc có xuất xứ từ Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và châu Mỹ. Chúng có hoa vô tính. Ban đầu hoa có màu trắng, sau chuyển sang màu lam hoặc hồng. Màu hoa phụ thuộc vào độ pH của đất. Tú cầu ưa bóng râm và điều kiện ẩm thấp. Tất cả bộ phận của cây chứa độc tố. Bạn có thể đau bụng vài giờ sau khi ăn tú cầu. Các triệu chứng khác bao gồm: ngứa toàn thân, nôn mửa, mất sức, đổ mồ hôi, co giật, rối loạn tuần hoàn máu. Y học thế giới từng ghi nhận nhiều trường hợp hôn mê sâu do ăn tú cầu.

Điều đáng mừng là chúng ta đã có thuốc chống độc tú cầu. Nếu một ai đó ăn phải loài cây này, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để giúp nạn nhân trở lại trạng thái bình thường.

8. Lan chuông

Lan chuông trắng
Lan chuông trắng. Ảnh: doctorbg.com.

Loài cây thân thảo sống lâu năm này (còn được gọi là linh lan) được nhiều người trồng làm cảnh vì những bông hoa hình chuông nhỏ của nó đẹp và có mùi thơm. Tuy nhiên, tất cả bộ phận của lan chuông đều có độc. Vấn đề không nghiêm trọng lắm nếu bạn chỉ ăn một cánh hoa hoặc lá, nhưng nếu ăn nhiều bạn sẽ bị nôn mửa, chóng mặt, đau miệng, co rút, tiêu chảy và quặn thắt ruột. Nhịp tim của bạn có thể giảm dần hoặc hỗn loạn.

Lan chuông có nguồn gốc từ những khu vực ôn đới mát châu tại Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Lan chuông có khả năng tạo thành các cụm dày dặc nhờ các rễ ngầm dưới mặt đất (thân rễ). Vào mùa xuân các thân rễ này tạo ra rất nhiều chồi. Thân lan chuông cao 15-30 cm, với hai lá dài 10-25 cm và cành hoa bao gồm 5-15 hoa trên đỉnh ngọn thân cây. Hoa có màu trắng (ít khi hồng), hình chuông, đường kính 5-10 mm, có mùi thơm ngọt. Hoa nở vào cuối mùa xuân. Lan chuông có quả mọng màu đỏ, nhỏ với đường kính 5-7 mm.

V.L (theo Livescience)

Nguồn: http://www.vnexpress.net/GL/Khoa-hoc/2008/11/3BA08669/
http://www.vnexpress.net/GL/Khoa-hoc/2008/11/3BA08935/

Dã quỳ vẫn nở

1. Dã quỳ vẫn nở
Lang thang trên đồi quỳ
Nghe thu về trong gió
Chốn xưa như bỡ ngỡ
Rối nhịp bàn chân ai
Dã quỳ vàng phôi phai
Hẹn cùng ta có nhớ
Bao năm đời lở dở
Bao năm đời đa đoan
Ta bây chừ cô đơn
Lối xưa quỳ vẫn nở
Con đường vàng rực rỡ
Gió đưa mùa hương về
Xua ngày dài lê thê
Lung linh đồi dã quỳ
Bâng khuâng chiều thương nhớ
Yêu người từ muôn thuở
Người đi rồi ... có hay ?
Dã quỳ nở cho ai ?
Lung linh đồi dã quỳ .
Bâng khuâng chiều thương nhớ
Yêu người từ muôn thuở
Người đi rồi có hay ?
Dã quỳ nở cho ai ?...

2. Dã quỳ nở cho em
Như nỗi buồn lang thang vào bóng tối
Em thổi thảo nguyên về những phía quỳ vàng
Mây thổn thức bên mặt trời phố núi
Cơn mưa mùa dằng dặc cao nguyên
Và 1 dòng sông ám ảnh nỗi vô hình
Miền xa khuất trôi nhanh về xa lạ
Và em vẫn 1 mình như lá
Thuở địa đàng thanh thản trái cấm rơi
Gió dã quỳ hoang dại tuổi thơ tôi
Thổi thăm thẳm xa xưa miền cổ tích ...

Trích Truyện "Mùa Hoa Dã Quỳ" của Giao Giao

Những cây hoa già lặng lẽ

Trước khi kể về những loài hoa lạ “chưa được ai biết đến” tôi muốn nói về “cây hoa già lặng lẽ” dường như cũng bị lãng quên như loài hoa: kỹ sư Lương Văn Sáu, một kỹ sư chuyên về hoa, tốt nghiệp Trường Canh nông ở Versailles (Pháp), một trong vài người đầu tiên thiết lập nên công viên hoa Đà Lạt. Tất cả các loài hoa quí Đông Tây trong vườn hoa bây giờ đều lưu dấu những cuộc tìm kiếm của ông, người theo đuổi suốt đời với những loài hoa thân mộc. Ông chính là người đầu tiên đưa phượng tím (Jacaranda) có nguồn gốc từ châu Mỹ về trồng ở Đà Lạt vào năm 1962. Một trong vài cây do ông trồng bây giờ còn sót lại ở đường vào chợ Đà Lạt, ba cây khác chiết ra từ cây này. Các tài liệu về thực vật học phân loài hoa độc đáo, quyến rũ này vào loài hoa quí, nhưng mãi đến đầu năm 1994 bí mật về hoa Đà Lạt này mới thực sự được khám phá. Trong khi đó còn rất nhiều bí mật về hoa Đà lạt vẫn giấu kín trong “cây hoa già lặng lẽ” này. Càng bí ẩn hơn nữa khi mà căn bệnh hạch thanh quản đã cướp đi giọng nói của ông vĩnh viễn.

Suốt những năm qua, ông sống cô độc với người vợ trong một căn hộ chật chội ở đường Bùi Thị Xuân,và ba năm rồi ông phải gượng dậy chiết cành phượng tím gửi ra Huế, Hà Nội bán lấy tiền chữa bệnh... Cuộc trò chuyện về hoa Đà Lạt đã là một cuộc bút đàm. “Thưa bác, hình như cháu có nghe đến một loài hoa lạ có tên là chuông đỏ”. “Không phải là chuông đỏ mà là chuông vàng, tên khoa học Spathodea campanulata Bean, chuyển qua Hán Việt là sò đo cam, nhưng có nguồn gốc từ châu Phi. Một loài hoa thân mộc cao lớn, lá xanh gần giống lá muồng, hoa màu vàng pha cam, hình dáng như những quả chuông, mỗi chùm từ 40 đến 50 bông. Hoa nở suốt bốn mùa, những chùm chuông vàng rực rỡ trên nền xanh, trông như một thứ cây ăn quả. Vì nó quí và lạ, nên tôi mới mang về”õ. Và câu chuyện về quá trình di thực loại hoa này bắt đầu dài ra trên trang giấy khó nhọc. Năm 1958, từ Trường Canh nông Versailles trở về, hành trang của bác Sáu là những giống hoa lạ, trong đó có phượng tím, chuông vàng và... Bác trồng cây hoa chuông vàng đầu tiên ở lâm viên Trảng Bom - Tây Ninh. Sau giải phóng, bác trở lại chiết một cành mang tặng chùa Quan Thế Âm ở phía Bắc hồ Xuân Hương (Đà Lạt). Đó là cây hoa duy nhất ở Đà Lạt, ngoài cây chuông vàng ở Trảng Bom và một cây nữa được chiết về trồng ở Thảo cầm viên Sài Gòn. Bác muốn nhắn hỏi bây giờ nó còn sống hay không?

Theo lời bác Sáu, tôi tìm đến thăm cây chuông vàng ở chùa Quan Thế Âm. Ni sư trụ trì kể rằng: Sau khi trồng được ba năm thì cây ra hoa. Thấy cây hoa lạ mà rất đẹp, nhiều người hỏi xin giống, nhưng nhà chùa vẫn không biết cách lấy giống và trồng nó như thế nào. Bác Sáu kể, hoa chuông vàng muốn kết trái thì phải có một loài chim đặc biệt mỏ cong mới có thể đưa phấn vào đài hoa.

“Còn một cây lạ nữa... không biết bây giờ có còn không, nên tôi không muốn nói nữa”. Tôi liền hứa nếu bác cho biết thì tôi sẽ tìm nó, chụp ảnh về cho bác. Trầm ngâm hồi lâu, bác cầm cây bút tô đậm: cây đậu tía. Tên khoa học là Wisteria, tên quốc tế thường gọi là Shycine, có hai màu: xanh lơ (bleu) và trắng (blanc), nhưng rất thơm. Có nguồn gốc từ Đài Loan, là loài hoa phương Đông “hữu sắc, hữu hương” rất hiếm. “Người Đài Loan và Trung Quốc mà chọn để trồng trước cổng sơn đỏ là quí lắm. Tôi lấy gốc từ Đài Loan về trồng ở công viên hoa Đà Lạt vào năm 1963. Đến bây giờ, các kỹ thuật viên ở đó vẫn không biết nó nằm ở đâu. Cây này, nếu không được chăm sóc thì khó thấy cái quí của nó lắm”. Nói xong, bác lục tìm một cuốn sách đưa cho tôi xem. Đó là cuốn Guiness (1991) ghi rằng: “Cây đậu tía khổng lồ của Trung Quốc Wisteria sinensis được trồng vào năm 1892 tại Sierra Madre (California) cành dài 150 m, bao phủ 0,4 hecta đất, nặng 230 tấn. Kỳ đơm hoa thông thường là 5 tuần, mỗi cụm có 1 triệu 5 hoa, có đến 30.000 người đến chiêm ngưỡng”.

Bác Sáu cho biết còn một cây hoa thân mộc rất quí, ở Đà Lạt chỉ có một cây một thôi, được trồng ngay cổng khách sạn Palace, đường Trần Phú bây giờ. Tên nó là: vông kê. Loài này có nguồn gốc từ Trung Đông và Châu úc, tên khoa học là Erythrina cristagalli l. (thuộc họ châu vông). Cái tên vông kê là do bác Sáu đặt. Hoa ở cuối đông đầu xuân, từng chuỗi dài năm tấc, màu đỏ như mồng gà (khác hẳn với hoa mào gà thân thảo). Cây vông kê ở khách sạn Palace được trồng vào năm 1965. “Những năm đầu hoa kết trên 5.000 chuỗi, đỏ ối, nặng trĩu cả cây. Sau này, vì không được chăm sóc nên cây cho ít hoa. Bây giờ là mùa vông kê trổ bông đấy, cháu hãy đến xem rồi về nói lại cho bác nghe với”.

Cây vông kê ở cổng sau khách sạn năm sao mọc lẫn giữa những cây thông, thân và cành tựa cây si, nhưng trổ ra những chuỗi hoa màu đỏ tươi. Chỉ tiếc hoa nở ít quá nên dễ lầm nó với những loại cây xanh bình thường. Còn ở công viên hoa, các kỹ thuật viên cho biết ở đây không có cây nào tên là đậu tía Wisteria cả. Cuối cùng, khi tôi gắng hỏi có cây hoa nào mà Đà Lạt không có, anh Phi - đội trưởng đội cây giống - cho biết: có một loại cây cẩm cầu. Tôi mang về định bụng hỏi bác Sáu có biết không. “Phải gọi cho đúng là cẩm cù. Nó đấy, nó là đậu tía đấy”. Bác mừng như tìm lại được đứa con đã thất lạc lâu ngày. Bác nói, cần phải kịp thời nhân giống để bảo vệ nguồn gen quí này nhưng các kỹ thuật viên về hoa ở Đà Lạt không biết cách đâu. Theo bác, phượng tím, chuông vàng vông kê (đỏ) là những cây lạ, vừa là hoa vừa là cây bóng mát. Nếu được trồng trên đường phố Đà Lạt thì sẽ có một phối sắc tuyệt vời. Còn vườn hoa, nếu muốn trở thành một bảo tàng hoa, thì không thể thiếu những loài hoa lạ như đậu tía. “Bác ơi, chắc là còn một cây nữa chứ?” ?. “Còn một cây nữa... nhưng thôi. Hãy từ từ mà lo cho mấy cây kia đi đã”.

Mùa xuân này, bạn lên chơi Đà Lạt, xin hãy tìm đến với những cây hoa lạ của bác Sáu, và cũng đừng quên có một “cây hoa già” đang chứa trong mình những bí ẩn về hoa Đà Lạt.

Nguồn Dalatrose

Truyền thuyết hoa thược dược và vị thuốc bạch thược


Paeonia Lactiflora

Danh y Hoa Đà trồng cây thược dược trong vườn mà không biết đó là cây thuốc. Hồn hoa hiện thành cô gái đứng khóc mong được chú ý, nhưng ông cũng chẳng bận tâm. Chỉ đến khi bà vợ được chữa khỏi bằng cây này, ông mới biết đó là thuốc quý.

Trong các loài hoa, mẫu đơn đứng đầu, thược dược đứng thứ hai. Mẫu đơn được tôn xưng là "hoa vương", thược dược được coi là "hoa tướng". Danh y Lý Thời Trân của Trung Quốc cũng đánh giá như vậy khi nói về tác dụng chữa bệnh của hai loài hoa này.

Tuy chỉ là "hoa tướng" nhưng thược dược lại thành danh sớm hơn mẫu đơn. Tương truyền từ 3.000 năm trước, vào thời Tam Đại, thược dược đã được trồng để thưởng ngoạn ở rất nhiều nơi trong khi người ta còn chưa biết đến hoa mẫu đơn. Khi mới phát hiện ra mẫu đơn, người ta tưởng đó chỉ là một loài thược dược, nên đã gọi nó là "mộc thược dược". Hai hoa này nhìn thoáng qua rất giống nhau nên người xưa thường gọi là hai chị em.

Về sau, người ta phát hiện mẫu đơn và thược dược tuy cùng họ nhưng là hai cây khác nhau. Thược dược là loài thân thảo, còn mẫu đơn là cây thân gỗ. Thược dược được xếp vào nhóm thuốc bổ huyết, sử dụng chủ yếu để bồi dưỡng cơ thể; còn mẫu đơn thuộc nhóm thanh nhiệt lương huyết, chủ yếu dùng khi cơ thể đã mắc bệnh.
Cây hoa thược dược cảnh. Ảnh: Cernyseed.

Bạch thược dược (Paeonia Lactiflora) có hoa rất to, mọc ở ngọn thân, tựa như hoa mẫu đơn hay thược dược cảnh. Cánh hoa màu hồng nhạt hay trắng muốt, nhị vàng cam, rễ phình to thành củ. Củ này luộc chín phơi khô chính là vị thuốc bạch thược. Cây bạch thược này không phải là cây hoa thược dược (Dahlia variabilis Desf) vẫn được trồng nhiều trong dịp Tết.

Tương truyền, tác dụng chữa bệnh của bạch thược đã được danh y Hoa Đà phát hiện ra trong một tình huống rất ly kỳ. Để nhận biết và tránh nhầm lẫn các vị thuốc, ông đã trồng đủ thứ cây thuốc quanh nhà. Một hôm có người đem biếu ông cây hoa lạ, nói rằng có thể dùng chữa bệnh nhưng không rõ chữa được bệnh gì. Hoa Đà đem trồng ở góc sân bên cửa sổ.

Xuân tới, cây ra những bông hoa rất to, trắng muốt, thơm như hoa hồng. Ông thử hái hoa sắc uống nhưng không nhận thấy có gì khác lạ. Ông lại hái lá rồi hái cành đem thử cũng không phát hiện điều gì đặc biệt. Nghĩ rằng cây hoa này tuy đẹp nhưng không có tác dụng chữa bệnh nên mấy năm liền, Hoa Đà không để ý đến nó nữa.

Một đêm thu, Hoa Đà đang ngồi đọc sách, bỗng nghe thấy ngoài cửa sổ có tiếng con gái khóc thút thít. Nhìn ra, ông thấy dưới ánh trăng mờ, có một người con gái rất đẹp đang đứng đó khóc. Ông tự hỏi, không biết con gái nhà ai, chắc có nỗi oan ức nào đây. Ông khoác áo ra ngoài nhưng nhìn trước nhìn sau không thấy bóng người nào nữa, chỗ cô gái đứng khóc chỉ còn một cây thược dược.

Hoa Đà đi vào và tự nhủ: "Cho dù nhà ngươi có linh tính thì bây giờ cũng đang là mùa thu, hoa đã tàn, lá đã rụng, còn sử dụng được vào việc gì?".

Nhưng ông vừa ngồi xuống tiếp tục đọc sách thì lại nghe tiếng khóc thút thít, nhìn ra vẫn là cô gái ban nãy. Hoa Đà bước ra, cô lại biến mất, vẫn chỉ có cây bạch thược. Sự việc cứ lặp đi lặp lại mấy lần khiến Hoa Đà vô cùng ngạc nhiên. Ông bèn đánh thức vợ đang ngủ say dậy kể lại chuyện.

Bà nói: "Tất cả các cây trong vườn đều được ông sử dụng làm thuốc cứu người, chỉ có cây bạch thược này bị bỏ quên, chắc là nó có nỗi oan ức". Hoa Đà bảo: "Tôi từng thử tất cả các bộ phận của nó thấy chả có tác dụng, vậy còn oan ức nỗi gì?".

Bà vợ nói: "Ông mới thử những thứ trên mặt đất, còn rễ của nó thì sao?". Nhưng danh y gạt đi: "Hoa lá cành còn chẳng có gì đặc biệt, vậy thì còn thử rễ làm gì?". Dứt lời, ông nằm xuống ngủ thiếp đi. Bà vợ suốt đêm không sao chợp mắt, nghĩ rằng chồng mình đã thay đổi, không còn lắng nghe ý kiến của người khác như trước kia nữa.

Vài hôm sau, bà vợ Hoa Đà bỗng nhiên bị đau bụng, băng huyết rất nhiều, uống đủ thứ thuốc không đỡ. Bà liền lén ra vườn đào rễ cây bạch thược đem sắc uống. Chỉ nửa ngày sau, bụng đã hết đau, máu cũng không còn chảy nữa. Nghe vợ kể lại, Hoa Đà rất cảm kích: "Cảm ơn bà đã thức tỉnh ta, nếu không thì ta đã để mai một cây thuốc quý".

Sau sự kiện đó, ông thử nghiệm và nhận thấy ngoài tác dụng giảm đau, cầm máu, rễ bạch thược còn có tác dụng dưỡng huyết và chữa được nhiều bệnh phụ khoa. Cây hoa lạ này ban đầu có tên bạch thược, sau đó Hoa Đà thêm chữ "dược" thành bạch thược dược.

Cùng với thời gian, Đông y phát hiện thêm nhiều công dụng nữa của cây bạch thược. Nó trở thành thuốc bổ huyết thiết yếu, phổ tác dụng rộng và tần suất sử dụng rất cao. Bạch thược chủ trị kinh nguyệt rối loạn, vã mồ hôi, mồ hôi trộm, đau đầu, chóng mặt. Trên lâm sàng y học hiện đại, nó chữa tử cung xuất huyết, viêm thận mạn tính, tăng huyết áp, tiểu đường, viêm võng mạc, cường tuyến giáp...

(Theo Sức Khỏe & Đời Sống)

Sự tích hoa Bồ công anh

Trên một cánh đồng nọ, có một loài cây có những bông hoa vàng rực, những chiếc lá dài, xanh thẫm với những chiếc răng cưa nhọn hoắt như những chiếc răng nanh của con sư tử. Người ta gọi nó là cây Răng Sư Tử.

Răng Sư Tử nằm đủng đỉnh bên trên đồng cỏ dại, trong trái tim chàng ôm ấp những cánh hoa vàng như màu nắng. Người chàng yêu chính là đoá hoa nở rộ từ chính trong vòng tay ấm áp của chàng. Những chiếc lá gai góc của Răng Sư Tử ôm vòng lấy những đoá hoa, chở che và đầy khao khát.

Mùa hạ đến, những bông hoa trút bỏ những chiếc trâm cài đầu vàng óng, chiếc áo ruộm nắng được thay bằng một cái áo choàng bông nhẹ, trắng muốt và mịn như những chiếc lông ngỗng. Bông hoa từ trong vòng tay chàng trai vươn cao lên đầy kiêu hãnh. Răng Sư Tử vẫn say mê ngắm nhìn và thầm ngợi khen vẻ đẹp ấy của nàng. Người con gái của chàng đã biến thành bông Bồ Công Anh với chiếc áo choàng satin trắng xốp. Tình yêu cứ thế lớn lên...

Bỗng một ngày, từ một miền xa xôi nào đó, thổi đến một người con trai có cái tên là Gió. Gió ồn ào, mạnh mẽ, cuồng nhiệt và sôi nổi. Gió lướt đi trong vũ khúc quay cuồng. Gió cầm trên tay cây sáo trúc, thổi những bài ca đẹp về cánh đồng, và về những miền đất mà chàng đã đi qua. Gió kiêu hãnh, Gió lạnh lùng, và Gió cũng vô tâm. Gió lướt đi ngang qua trên cánh đồng, khiến biết bao loài cây phải hướng mắt theo. Bên trên cái thế giới nhỏ bé ấy, chàng là người được yêu mến và ngưỡng mộ.

Bồ Công Anh không phải là ngoại lệ. Gió ập tới khiến nàng choáng ngợp, choáng ngợp trước vẻ phong lưu và bất cần. Khi cơn Gió lướt qua trên cánh đồng, nàng vươn mình theo hướng gió, đón Gió về lại bên nàng. Nàng muốn được những ngọn gió mát rượi ôm ấp vào lòng, vuốt lên từng sợi bông của chiếc áo choàng trắng xốp. Nàng yêu Gió, trong sáng và trọn vẹn.

Nhưng Gió sinh ra không phải để dừng chân. Chàng là đứa con của Ngao Du và Mạo Hiểm. Cánh đồng cỏ bình yên không phải là chỗ trú ngụ đời đời. Gió lại ào ạt thổi qua. Bồ Công Anh cố níu giữ, cố nắm bắt Gió bằng thân hình mảnh dẻ của mình, nàng vươn mình ra. Nhưng vô ích. Gió vẫn cứ thổi lạnh lùng.

Răng Sư Tử nhói lên trong lòng. Trái tim chàng như bị chính những chiếc răng cưa cào xé. Chàng che chở cho người con gái chàng yêu, để rồi mất nàng trong giây lát. Răng Sư Tử tuyệt vọng giơ những cánh tay xanh biếc ra, giữ chặt lại Bồ Công Anh trắng muốt. Nhưng cánh tay chàng chơi vơi trong Gió. Những cánh hoa Bồ Công Anh xinh đẹp và mềm mại đã tự tách khỏi nhuỵ hoa, để bay cùng chiều với Gió mất rồi.

Và ngày ngày, những người nông dân đi trên cánh đồng vẫn nghe tiếng Răng Sư Tử thì thầm cùng với chàng Gió từ miền xa thổi đến, hỏi những cánh Bồ Công Anh đã được Gió mang tới nơi đâu... "Ở nơi đó, cô ấy sống thế nào?". Gió im lặng, Gió không thể mang Bồ Công Anh đi mãi. Cô gái ấy rơi xuống trên những cuộc hành trình, vùi mình vào trong đất, để rồi lại hồi sinh thành những đứa con và đặt tên chúng là Răng Sư Tử...

Cây có Hoa, nhưng không giữ được Hoa. Hoa chỉ luôn vươn mình theo Gió. Gió lại khó nắm bắt, lại chỉ biết yêu những cuộc hành trình. Và khi cơn Gió qua rồi, Hoa mới biết: cội nguồn của mình là nhựa chảy trong máu của cây...

---
Chú thích của Thegioicacloaihoa: Bồ công anh có tên tiếng Anh là dandelion, có nghĩa là "Răng sư tử".

Sự tích Hoa hồng

Thời đế chế La Mã, có một thiếu nữ hết sức xinh đẹp tên là Rhodanthe. Vẻ đẹp của nàng làm say đắm không biết bao nhiêu chàng trai. Hàng ngày, hàng tuần, hàng tháng, họ lũ lượt kéo đến xin cầu hôn với nàng. Mệt mỏi vì bị theo đuổi, Rhodanthe buộc phải chạy trốn những kẻ si tình. Nàng bí mật đến ở nhờ trong túp lều của một người bạn gái tên là Diana.

Thật không may cho nàng, nhan sắc của Rhodanthe khiến Diana lại nổi lòng ghen tỵ. Và khi những người theo đuổi phát hiện ra túp lều, phá cửa để gặp Rhodanthe xinh đẹp thì người bạn trở nên vô cùng tức giận.

Thay vì dùng phép màu giúp bạn, Diana đã biến Rhodanthe thành một bông hoa hồng và những kẻ theo đuổi nàng thành những cái gai. Nhưng ngay cả khi bị hóa kiếp thành hoa, và phải mang bên mình những chiếc gai gớm ghiếc, hoa hồng vẫn còn nguyên sự quyến rũ. Cái tên hoa hồng (Rose) bắt đầu từ chính cái tên của nàng Rhodanthe xinh đẹp đó.

Cây Lúa Mạch

Nếu bạn đi qua cánh đồng lúa mạch sau cơn bão bạn sẽ thấy lúa đen như thể là bị cháy. Tôi sẽ kể cho bạn nguyên nhân lúa bị đen, qua câu chuyện một chú chim sẻ, chú ta đã nghe từ lời kể của một ông liễu già mọc ở gần cánh đồng ngô và lúa mạch.
Ông liễu này cao và rất được coi trọng, nhưng vào thời điểm ấy ông đã già cỗi, nhăn nheo. Thân cây bị chẻ làm đôi, cỏ cây mâm xôi mọc len vào kẽ nứt; ông liễu ngã ra phía trước và các cành lá của ông xõa xuống mặt đất như một mái tóc xanh dai. Có nhiều cây ngô tốt sống trên cánh đồng, quây cây lúa mạch. Những bắp ngô được nuôi dưỡng tốt và bắp càng mập bao nhiêu thì lại vít cây nằm ngả xuống bấy nhiêu. Lúa mạch ta vốn kiêu ngạo nên cứ ngẩng thẳng và vươn cao đầu lên. Nó nghĩ thầm: "Mình có khối bắp vàng như cây ngô. Mình còn đẹp hơn hẳn hắn ta nhiều. Những bông hoa của mình đẹp như những nụ táo vậy...". Thế rồi, Lúa mạch nói:
- Này bác liễu già, bác đã từng thấy cái cây nào đẹp như tôi chưa hả?
Ông liễu gật đầu.
Lúa mạch la lên:
- Cái lão thật dớ dẩn. Lão ta già quá rồi. Cỏ mọc cả vào trong óc lão rồi.
Và chợt một cơn bão ập đến. Đám hoa trên cánh đồng xếp cánh lại và cúi gập những ngọn đầu xinh xinh. Lúa mạch ta vẫn kiêu ngạo vươn cao cổ lên. Những bông hoa bảo nó:
- Hãy cúi đầu xuống như chúng tôi đi.
Lúa mạch đáp:
- Không thể được tôi sẽ chẳng chịu cúi đầu.
Ông liễu già bảo:
- Hãy xếp những cánh hoa và xếp gọn lá vào. Đừng có nhìn vào các tia chớp kẻo lại nhìn thấy thiên đàng sớm. Ngay kể cả con người cũng mù nếu họ nhìn vào tia chớp. Nếu bọn ta vươn đầu lên thì cái gì sẽ xảy ra với đám cỏ dại chúng mình?
Lúa mạch kêu lên khinh bỉ:
- Cỏ dại! Quả thật! Tôi chẳng sợ nhìn lên trời.
Trong giây phút ấy cả thế giới như chìm trong bão tố và tia chớp lửa.
Ngay sau đó, cơn bão đã đi qua, rồi sau một trận mưa mọi vật mới ngọt ngào làm sao. Những bông hoa dại ngẩng lên hít thở khí trời, những cây ngô lại đung đưa theo chiều gió. Chỉ có cây lúa mạch nằm xoài trên đất héo tàn, cháy đen. Ông liễu già lắc đầu. Một giọt nước to rơi xuống từ đám lá liễu như thể ông liễu già đang khóc. Những chú chim sẻ líu lo:
- Tại sao ông lại khóc, ông không thấy sự tươi mát của hoa và lá sao?
Ông liễu già kể lại sự việc xảy ra với cây lúa mạch kiêu ngạo và tôi nghe được câu chuyện này từ các chú chim sẻ vào cái buổi tối mà tôi gợi chuyện với chúng.

Một Bà Mẹ

Một bà mẹ đang ngồi bên đứa con thơ. Bà rất buồn vì đang lo đứa con bà chết mất. Đứa bé xanh rớt đã nhắm nghiền đôi mắt và đang thoi thóp. Đôi lúc đứa bé rền rĩ rất thiễu não, thế là người mẹ lại cúi sát xuống gần con, lòng se lại.
Có tiếng gõ cửa, một ông già nghèo khổ trùm kím trong tấm chăn thường khoác cho ngựa bước vào. Trời rét như cắt, kể ra không có áo nào ấm bằng thứ chăn ấy. Bên ngoài toàn là một màu băng tuyết. Gió vun vút như quất vào mặt.
Ông già rét run lập cập. Nhân lúc đứa bé ngủ thiếp đi, bà mẹ nhóm lò hâm một cốc bia. Ông già ngồi xuống ru đứa bé. Bà mẹ ngồi vào chiếc ghế gần ông già, nhìn đứa bé ôm yếu vẫn đang thoi thóp thở, và giơ một bàn tay lên. Bà hỏi:
- Liệu có việc gì không? Thượng đế hẳn không bắt nó đi chứ?
Ông già, chẳng phải ai, chính là Thần Chết, lắc đầu một cách khó hiểu. Bà mẹ gục đầu xuống ngực, nước mắt ròng ròng trên gò má. Đã ba ngày ba đêm nay, không hề được chợp mắt, bà thấy đầu nặng trĩu.
Bà ngủ thiếp đi, chỉ loáng một lát thôi, rồi chợt rùng mình vì rét, bà lại choàng dậy.
- Gì thế này? - Bà kêu lên, mắt nhìn tứ phía. Ông già và cả con bà nữa đã biến mất. Lão đã đem con bà đi rồi. Chiếc đồng hồ quả lắc vẫn cót két trong xó nhà.
Cộc ! Một quả lắc bằng chì rơi xuống đất. Thế là chiếc đồng hồ ngưng bặt.
Bà mẹ tội nghiệp vùng chạy ra ngoài, miệng gọi con.
Bên ngoài, có một bà cụ mặc áo dài đen, đang ngồi giữa đám tuyết, bảo bà mẹ:
- Tôi thấy Thần Chết đã vào nhà chị. Lão ta mang con chị chạy đi rồi. Lão ta chạy nhanh hơn gió và chẳng bao giờ mang trả lại những con người lão đã cướp đi.
Bà mẹ khẩn cầu:
- Xin cụ chỉ bảo cho tôi con đường lão đi. Cứ chỉ đường cho tôi, tôi sẽ đuổi kịp.
Bà cụ đáp:
- Biết rồi! Nhưng trước khi ta chỉ đường, chị phải hát cho ta nghe tất cả các bài mà chị đã hát ru con chị. Từ trước đến nay, ta đã được nghe nhiều và ta rất thích nghe chị hát. Ta là thần Đêm Tối; ra đã từng trông thấy nước mắt chị tràn ra khi chị hát.
Bà mẹ van vỉ:
- Tôi xin hát hết, hát tất cả, sau đó xin cho tôi đuổi kịp thần Chết, đòi lại đứa con tôi.
Nhưng thần Đêm Tối cứ nín bặt. Thế là bà mẹ đành phải vặn vẹo đôi tay, nước mắt đầm đìa, cất tiếng hát. Tiếng nức nở át cả lời trong các bài hát.
Nghe hát xong thần Đêm Tối bảo:
- Rẽ sang phải rồi đi vào rừng tùng tối om kia. Ta đã thấy thần Chết mang con chị biến vào đấy.
Tới giữa rừng, gặp chỗ ngã ba đường, bà mẹ phân vân không biết rẽ đường nào. Nơi đó có một bụi gai không hoa không lá; đang giữa mùa đông nên băng bám và rủ xuống khắp các cành.
- Có thấy thần Chết mang con tôi qua đây không?
Bụi gai trả lời:
- Có. Nhưng nếu muốn tôi chỉ đường thì bà phải ủ tôi vào lòng để sưởi ấm cho tôi. Tôi buốt cóng và sắp biến thành băng rồi đây.
Bà mẹ ôm ghì bụi gai vào ngực để sưởi ấm cho nó. Gai đâm vào da thịt bà, máu nhỏ từng giọt đậm, nhưng bụi gai thì đâm chồi nẩy lộc, xanh tươi và trổ hoa ngay giữa đêm đông giá rét vì được bà mẹ truyền cho sức nóng của bà. Sau đó, bụi gai chỉ đường cho bà mẹ.
Bà đến một cái hồ lớn, không có lấy một bóng thuyền bè. Mặt băng trên hồ quá mỏng, không thể giẫm lên được, mà nước hồ lại quá sâu không thể lội qua. Nhưng thế nào thì thế, bà cũng phải vượt qua hồ tìm con. Bà bèn sụp xuống để uống cạn nước hồ. Tuy biết rằng đó là một việc mà con người ta không thể làm được, nhưng bà mẹ đau khổ mong mỏi Thượng đế sẽ ban phép lạ.
Hồ bảo bà:
- Không, không làm thế được đâu ! Ta thương lượng với nhau thì hơn. Tôi rất thích ngọc trai, mà đôi mắt bà là những hạt ngọc trai trong suốt, tôi chưa từng thấy bao giờ. Hãy khóc cho đến khi đôi mắt của bà rơi xuống; lúc ấy tôi sẽ đưa bà tới tận cái nhà kính ươm cây, nơi thần Chết ở và vun trồng các cây hoa. Mỗi cây là một kiếp người.
Bà mẹ nức nở:
- Trời ! Tôi còn tiếc gì để tìm thấy con tôi !
Bà khóc, nước mắt tuôn tầm tã đến nỗi đôi mắt bà theo dòng lệ rơi xuống đáy hồ và hóa thành hai hòn ngọc. Thế là bà được hồ nâng bổng lên như ngồi trên đu, và thoắt một cái, bà đã sang đến một ngôi nhà kỳ diệu dài chừng một dặm.
Không hiểu đấy là một quả núi có rừng thẳm và hang sâu hay là một công trình thiết kế nào của con người. Mắt bà mẹ đã rơi theo dòng lệ nên bà chẳng nom thấy gì. Bà hỏi:
- Tìm đâu cho thấy thần Chết đã cướp con tôi đi?
Một bà già canh giữ vườn kính ươm cây của thần Chết bảo bà:
- Thần Chết chưa về. Bà làm thế nào mà đến được tận chốn này? Ai đã giúp bà?
- Thượng đế chứ ai! - Bà mẹ đáp - Người đã thương xót tôi, vậy bà cũng rủ lòng thương bảo cho tôi biết con tôi đi đâu.
Bà già nói:
- Tôi không biết mặt nó, còn bà thì không trông thấy gì. Biết bao nhiêu cây, bao nhiêu hoa đã héo tàn trong đêm qua. Thần Chết lát nữa sẽ đến trồng lại. Chắc bà biết rằng mỗi người có một gốc cây hay một bông hoa tượng trưng cho sinh mệnh của mình. Ở đây, những cây hoa ấy chẳng có gì khác thường nhưng chúng có một trái tim và trái tim ấy đập hẳn hoi. Tim trẻ con cũng đập. Đấy, bà cứ tìm đi ! Có lẽ bà sẽ nhận ra nhịp tim của con bà đấy. Nhưng nếu bà muốn tôi hướng dẫn thêm cho bà thì bà tạ ơn tôi bằng cái gì nào?
Bà mẹ tội nghiệp than thở:
- Tôi chẳng còn cái gì để cho nữa, nhưng nếu cần, tôi có thể theo người đến tận cùng thế giới.
- Tôi đến đấy làm gì kia chứ? Bà còn có thể cho tôi mớ tóc dài đen nháy của bà. Bà thừa biết bộ tóc ấy đẹp lắm. Tôi rất thích bộ tóc ấy và sẽ cho bà bộ tóc bạc của tôi. Thế là đổi hòa đấy.
Bà mẹ nói:
- Nếu bà chỉ đòi hỏi có thế thôi thì tôi rất vui lòng.
Rồi bà trao mớ tóc đen cho bà cụ và nhận lấy mớ tóc bạc.
Hai người bước vào vườn kính rộng lớn của Thần Chết. Nơi đó có rất nhiều cây cỏ mọc lung tung. Có những cây dạ lan hương mảnh dẻ mọc trong lồng hình chuông bằng thủy tinh. Có những bông thược dược to và mập mạp. Có những cây mọc dưới nước, cây thì xanh tươi, cây thì khô cằn, hàng bầy rắn nước quấn mình quanh gốc. Đây là những cây cọ, cây tiêu huyền mộc; kia là đám mùi và xạ hương. Mỗi cây, mỗi hoa đều mang một tên người, mỗi cây, mỗi hoa tượng trưng cho một kiếp người hiện đang sống bên Trung Quốc, ở Gơrôenlăng hoặc khắp nơi trên Trái Đất.
Lại có những cây lớn trồng trong chậu nhỏ đang đe dọa phá vỡ chậu. Ngược lại, có những cây con cằn cỗi lại được trồng trong khoảng đấy xới xắn mịn màng, phủ rêư xanh mượt. Người mẹ đau khổ cúi rạp xuống từng gốc cây, tìm đến tận từng gốc nhỏ nhất, lắng nghe nhịp đập từng trái tim của chúng. Và giữa muôn ngàn trái tim ấy bà đã nhận ra tiếng đập của trái tim đứa con mình.
- Con tôi đây rồi ! Bà reo lên, tay chìa trên một gốc kỵ phù nhỏ bé màu lam, dáng ốm yếu, thân nghẹo sang một bên.
Bà già ngăn lại:
- Chớ đụng vào hoa. Cứ đứng ở đây. Chắc chắn lát nữa Thần Chết sẽ về. Đừng cho Thần nhổ cây hoa này. Cứ dọa là bà sẽ nhổ hết cây cỏ ở quanh đây, Thần Chết sẽ sợ, vì Thần chịu trách nhiệm trước Thượng Đế về các cây cỏ ở đây; không có lệnh của Người thì không ai được nhổ một cây nào cả.
Ngay lúc đó, nổi lên một cơn gió lạnh buốt. Bà mẹ cảm thấy rằng thần Chết đã đến.
Thần hỏi:
- Sao ngươi lại có thể tìm được đuờng đến tận đây, mà lại đến trước cả ta?
- Ta là mẹ!
Thần Chết vươn bàn tay dài ngoằng về phía cây hoa mảnh dẻ, nhưng bà mẹ vòng đôi bàn tay giữ lấy cây, hết sức che chở cho cây không bị nhàu nát một lá nào. Thần Chết hà hơi vào tay bà mẹ; bà cảm thấy lạnh buốt hơn gió bấc làm rụng rời cả đôi tay.
- Ngươi không chống lại được ta đâu - Thần Chết dọa.
Bà mẹ trả lời:
- Nhưng còn có Thượng Đế.
Thần Chết nói:
- Ta cũng chỉ tuân theo lệnh của Thượng Đế mà thôi. Ta trông nom khu vườn của Người. Ta mang cây cỏ hoa lá ở đây đi cũng chỉ để đem trồng lại vào khu vườn trên Thiên Đàng, còn mọi việc xảy ra trên ấy, hoa cỏ mọc thế nào, ta không được nói với ngươi.
Bà mẹ nức nở van xin:
- Giả con cho tôi.
Đồng thời mỗi tay bà túm lấy một bông hoa gần đấy rồi thét lên:
- Nếu tuyệt vọng tôi sẽ nhổ hết hoa ở đây.
Thần Chết bảo:
- Chớ có đụng vào. Ngươi nói rằng ngươi đau khổ mà ngươi lại muốn làm cho một người mẹ khác đau khổ hay sao?
Người mẹ khác? Bà mẹ đau thương buông hai bông hoa ra.
Thần Chết nói thêm:
- Đây là đôi mắt của ngươi. Thấy chúng lóng lánh sáng ngời dưới đáy hồ ta đã vớt lên. Ta biết đó là đôi mắt của ngươi. Hãy lấy lại đi. Đôi mắt ấy trong sáng hơn trước rất nhiều. Hãy nhìn vào lòng giếng gần đây, ta sẽ cho ngươi biết tên hai bông hoa ngươi vừa định ngắt. Ngươi sẽ thấy rõ cả cuộc đời quá khứ và tương lai của chúng, thấy rất rõ tất cả những gì mà ngươi sắp hủy hoại.
Bà mẹ nhìn xuống lòng giếng. Bà thấy từ một trong hai bông hoa ánh lên một niềm vui đầy hạnh phúc, còn cuộc đời của bông hoa kia chỉ toàn những cảnh trầm luân, khổ ải, nghèo khó, khốn cùng.
Thần Chết nói:
- Kiếp hoa này cũng như kiếp hoa kia, đều do ý của Thượng Đế cả.
Người mẹ nói:
- Thế hoa nào là hoa bất hạnh, hoa nào là hoa diễm phúc?
Thần Chết đáp:
- Ta không thể tiết lộ được thiên cơ. Nhưng ngươi cần biết rằng một trong hai bông hoa đó chính là bông hoa của con ngươi, là hình ảnh tương lai của nó.
Bà mẹ thét lên:
- Hoa nào trong hai bông là hoa của con tôi? Hãy bảo cho tôi biết. Nếu đời nó sau này sẽ đau khổ thì xin hãy mang nó đi, mang ngay nó về chốn Thiên Đàng ! Xin hãy quên những dòng nước mắt của tôi, quên những lời tôi đã cầu nguyện, quên cả những lời tôi đã nói và những việc tôi đã làm!
Rồi bà vặn vẹo đôi bàn tay, quỳ xuống và cầu khẩn:
- Cúi xin Thượng Đế đừng nghe lời tôi nếu tôi có cầu khẩn những lời trái với ý Người. Xin người đừng nghe tôi.
Rồi bà gục đầu xuống ngực.
Thế là Thần Chết mang đứa bé tới cái xứ sở xa lạ mà bà mẹ đã nói đến ban nãy.