Hoa Cúc tên tiếng Anh là Chrysanthemum (hoặc là Mum), bắt nguồn từ tiếng Hi Lạp "krus anthemon" có nghĩa là "hoa có mầu vàng". Khởi nguồn thì hoa cúc chỉ có mầu vàng thôi nhưng nhờ công sức của người chủ yếu là Trung Hoa và Nhật Bản lai tạo, bây giờ hoa cúc có rất nhiều các. Những màu hoa cúc thường thấy là mầu vàng, trắng, đỏ gạch,hồng, tím... Mình nghe kể là có hoa cúc mầu xanh da trời cơ nhưng mình nghĩ đấy không phải là hoa cúc thật, mà do người bán hàng dùng phẩm nhuộm để nhuộm mầu lên cánh hoa cúc thôi.
Có hai giả thiết về nguồn gốc của hoa cúc. Đại đa số nhà nghiên cứu cho rằng hoa cúc bắt đầu được trồng từ Trung Quốc,vào khoảng thế kỷ 15 TCN. Ban đầu là hoa cúc chỉ là một loại thảo mộc để làm thuốc chứ chưa được xem như là một thứ hoa cảnh.
Trên những hình hoa văn được vẽ trên gốm và giấy hay lụa, người ta đã tìm thấy hình ảnh hoa cúc được khắc họa rất cẩn thận và luôn tượng trưng cho một vẻ đẹp của sự sống trường tồn vĩnh cửu. Người Trung Hoa cổ đại tin rằng hoa cúc có khả năng chữa bệnh kỳ diệu, nó đại diện cho sự sống bền lâu,vững chắc,mang đến cho con người sức khỏe dồi dào.
Cả cây hoa cúc là một kho thuốc quý. Tương truyền rằng, rễ của hoa cúc luộc lên lấy nước uống để chữa bệnh đau đầu, đài hoa cúc và cánh hoa thì để ăn sống, lá hoa cúc có thể ướp để thành đồ uống được.
Sự tích hoa cúc ở Trung Quốc bắt nguồn từ một vị hoàng đế già được nghe kể về một loại thảo dược đem lại cho con người sự sống vĩnh cửu. Loại thảo mộc này chỉ mọc trên một hòn đảo có tên là Phi Long (đảo Rồng bay) và chỉ có thể hái bởi những chàng trai trẻ tuổi. Nhà vua đã tuyển chọn và phái hai mươi bốn chàng trai khỏe mạnh giỏi giang và can đảm nhất đất nứơc của mình để đi tìm loài thảo dược đó. Hai mươi bốn chàng trai đã trải qua bao gian nan,hiểm nguy trong một chuyến đi dài ngày. Cuối cùng họ cũng đến được đảo Phi Long. Nhưng trái ngược với dự đoán, nơi đó chỉ là một hoang mạc hoang vu không có sự sống. Loài cây duy nhất sống ở đó chính là hoa cúc vàng. Họ mang loài hoa về đất nước của mình và từ đó đến giờ,nó vẫn được coi như biểu tượng của sự trường tồn. Đã có một thành phố ở Trung Quốc được mang tên Chu-Hsien (thành phố của hoa cúc) vì sự cao quý và vô giá của hoa cúc.
Cho đến ngày nay, Trung Quốc, hoa cúc cũng được khắc trên đồng xu một Nhân đân tệ.
Những nhà nghiên cứu nghiên về giả thiết thứ nhất cho rằng đến tận thế ky thứ Tám TCN, hoa cúc mới được truyền qua Nhật Bản, nơi mà hoa cúc được tôn thờ như biểu tượng của quốc gia.
Giả thuyết thứ hai về nguồn gốc của hoa cúc lại cho rằng hoa cúc đồng thời bắt nguồn từ hai nước Nhật Bản và Trung Quốc. Họ cho rằng hoa cúc đã được con người trồng và thuần hóa cách đây hơn 5000 năm trước Công Nguyên. Người Trung Quốc và Nhật Bản thuần hóa hoa cúc dại từ những cánh đồng hoang gần núi có nước nguồn chảy qua. Ban đầu hoa cúc dại nhỏ bé thôi không to được như bây giờ. Và cũng được dùng để chữa bệnh trước khi được coi là một loài hoa cảnh.
Ở Nhật Bản, hoa cúc là biểu tượng của nhà vua, là biểu tượng của cả đất nước. Hoa cúc là biểu tượng của sự quyền quý cao sang và giầu có. Con ấn của những gia đình nổi tiếng, quý tộc hoặc có thân thích với nhà nhật hoàng mới có hình khắc của hoa cúc. Những hình khắc này được gọi là Kikumon-Kiku nghĩa là hoa cúc,mon nghĩa là ấn triện. Ấn này chỉ dành cho những người quý tộc có dòng dõi hoàng gia (có quan hệ họ hàng với Nhật Hoàng)
Sự tích hoa cúc ở Nhật Bản có liên quan đến hai vị thần khai sáng trái đất là ông Izanagi và bà Izanami. Hai người bị gửi xuống trái đất vì trên trời đã có quá nhiều thần linh. Chúa tể của các vị thần lúc đó đưa cho Izanagi một chuỗi vòng ngọc của mình. Izanagi và Izanami cưới nhau và đẻ ra 8 đảo lớn của Nhật Bản: Awazi, Iyo (Shikoku), Ogi, Tsukusi (Kyushu), Iki, Tsusima, Sado, Yamato (Honshu). Sau khi sinh ra người con cuối cùng là thần lửa Kagutuschi, Izanami đã chết. Do quá đau buồn Izanagi đã giết chết đứa con mới sinh là thần lửa Kagutuschi. Thần lửa chết đi nhưng thân thể lại không biến mất mà hóa thành rất nhiều các vị thần khác cai quản trái đất. Về phần mình Izanagi một mình đi xuống địa ngục để tìm lại vợ nhưng thất bại trở về nên đã trẫm mình xuống sông, chuỗi vòng ngọc của Izanagi biến thành hoa cúc. Như vậy ở Nhật Bản, hoa cúc có nguồn gốc linh thiêng từ thần thánh.
Sự tích Hoa Cúc ở Việt Nam có khác với Trung Hoa và Nhật Bản. Ở nước mình sự tích hoa cúc mang đậm truyền thống đạo đức của người việt nam ta. Đạo làm con thì phải đặt chữ hiếu lên hàng đầu. Chuyện kể là có một gia đình nghèo có 2 mẹ con sống rất yên bình. Nhưng rồi một hôm, người mẹ lâm bệnh nặng. Người con thương mẹ lắm, nên đã dù nhà nghèo nhưng vẫn cố gắng chạy chữa những thầy lang giỏi nhất vùng, nhưng sức khỏe người mẹ càng ngày càng yếu đi. Người con quyết tâm đi tìm thầy chữa bệnh cho mẹ. Một hôm em đi qua một ngôi chùa, em xin phép nhà sư trụ trì được cầu phúc cho mẹ, tấm lòng hiếu thảo của em động đến cả trời xanh. Trời nghe phải nhỏ lệ, đất nghe phải cúi mình. Đức Phật từ bi cảm thương tấm lòng hiếu thảo của người con,động lòng trắc ẩn nên Người đã hóa thân thành một nhà sư, đi ngang qua chùa và tặng em một bông hoa vàng rực. Đức Phật nói:"ta cho con bông hoa này, nó là biểu tượng của sự sống, là bông hoa chứa đựng niềm hi vọng, là ước mơ của loài người, là thần dược để chữa bệnh cho mẹ con. Nhưng con phải nhớ, cứ một năm thì hoa sẽ rụng đi một cánh hoa, bông hoa này có bao nhiêu cánh thì mẹ con chỉ sống được bấy nhiêu năm". Người con cảm tạ Đức Phật và đếm cánh hoa. Rất đau buồn khi biết bông hoa chỉ có năm cánh,nghĩa là người mẹ chỉ sống với người con được năm năm nữa, người con đã xé nhỏ cánh từng cánh hoa cho đến khi không còn đếm được bông hoa có bao nhiêu cánh nữa. Bà mẹ cùng vì bông hoa thần dược đó mà sống rất lâu bên người con hiếu thảo của mình. Bông hoa vàng rực vô số cánh là biểu tượng của sự sống, là ước mơ trường tồn, là khát vọng chữa lành mọi bệnh tật của con người, chính là hoa cúc.
Sự tích hoa cúc của người việt nam ta không là bản thần thoại ca như Nhật Bản, không phải chỉ cho những bậc đế vương, đề cao tài năng của những nhân tài xuất chúng như ở Trung Quốc, mà bắt nguồn từ lòng hiếu thảo của con người, trong một gia đình bình thường như bao gia đình nhỏ khác ở việt nam. Sự tích hoa cúc việt nam bao hàm sự tôn vinh của lòng hiếu thảo, trí tuệ, lòng nhân đạo, ước mơ và khát vọng của con người Việt Nam.
Tôi trộm nghĩ, văn hóa việt thấm nhuần từ những câu truyện cổ tích rất việt nam rất chân thực mà hoa cúc là một trong những biểu tượng thanh tao và cao quý ấy.
Thế nên hoa cúc ở Việt Nam mang một ý nghĩa khác so với nền văn hóa Trung Hoa và Nhật Bản, hay châu Âu và châu Mỹ. Người Việt Nam ta ngắm hoa cúc, chơi hoa cúc, suy nghĩ về hoa cúc chắc chắn sẽ khác nhiều với người Trung Quốc hay Nhật Bản.
Vai trò của hoa cúc trong đời sống tâm linh của người việt thể hiện rõ qua những bộ tranh tứ quý: "Tùng Trúc Cúc Mai". Hoa cúc là biểu tượng cao qúy của sứ sống, của sự sinh tồn thịnh vượng và tình cảm con người.
(trích "Tản mạn hoa cúc, trà hoa cúc và Hà Nội, Tôi và Em"- sonanh- nguoihanoi.net)
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment