1. Thủy tiên
Thủy tiên trắng. Ảnh: devesgarden.com. |
Thủy tiên là tên gọi của một nhóm cây dạng thân hành cứng, chủ yếu ra hoa về mùa xuân, trong khi một số loài ra hoa vào mùa thu. Thủy tiên có nguồn gốc ở khu vực Địa Trung Hải, nhưng được tìm thấy ở cả Trung Á và Trung Quốc.
Tuy sở hữu một cái tên rất đẹp, nhưng thủy tiên chứa chất độc và có thể gây chết người nếu ai đó ăn thân và củ của chúng với số lượng lớn. Hai loài đáng sợ nhất là thủy tiên trắng (còn được gọi là hoa trường thọ) và thủy tiên vàng. Một số người nhầm tưởng hai loài cây này với hành và tỏi. Chất độc của thủy tiên vàng có thể gây buồn nôn, chuột rút và tiêu chảy. Các bác sĩ thường đề xuất biện pháp truyền dịch hoặc dùng thuốc để chấm dứt tình trạng nôn mửa nếu bệnh nhân là trẻ em hoặc các triệu chứng tỏ ra nghiêm trọng.
2. Đỗ quyên
Đỗ quyên tím. Ảnh: mooseyscountrygarden.com. |
Đỗ quyên trông rất rực rỡ vào mùa xuân với những bông hoa hình chuông, nhưng lá của nó có chất độc. Ngoài ra, mật ong làm từ mật hoa đỗ quyên cũng có độc. Nếu ăn lá hoặc mật hoa đỗ quyên, miệng của bạn sẽ phồng rộp rồi tiết nước bọt mỗi lúc một nhiều. Bạn cũng có thể bị nôn mửa, tiêu chảy và cảm thấy ngứa ngáy toàn thân. Sau đó, các triệu chứng khác như đau đầu, nhũn cơ và mờ mắt có thể ập tới. Nhịp tim sẽ giảm dần hoặc trở nên loạn xạ và bạn có thể rơi vào trạng thái hôn mê hoặc co giật. Nếu nạn nhân kịp tới bệnh viện, bác sĩ sẽ cố gắng truyền dịch vào cơ thể và giúp bạn thở dễ dàng hơn. Sau đó họ dùng thuốc để nhịp tim của nạn nhân trở lại bình thường.
Nhờ vẻ đẹp dịu dàng, đỗ quyên là một trong những loài hoa cảnh rất được ưa chuộng ở nhiều nước trên thế giới. Cây có nguồn gốc ôn đới, mọc nhiều ở những vùng núi cao, có khí hậu mát mẻ quanh năm. Đỗ quyên rất sợ nắng và nơi không thoát nước (vì thế còn được gọi là họ cây khô). Chúng rất đa dạng về chủng loại, kích cỡ và màu sắc. Trên thế giới, đỗ quyên phân bố nhiều ở vùng ôn đới Bắc Mĩ, vùng cao nguyên tiếp giáp Á - Âu và Đông Á, Nhật và Bắc Triều Tiên. Tại Nepal, đỗ quyên được chọn là "quốc hoa". Ở Việt Nam, đỗ quyên có ở những vùng núi cao như Đà Lạt, Sapa, Tam Đảo, làng Trình Xuyên bên bờ sông Trà Lý phụ cận thành phố Nam Định.
3. Trúc anh đào
Trúc anh đào đỏ. Ảnh: plantanswers.com. |
Tất cả mọi thứ trên thân cây trúc anh đào đều có độc. Ngay cả việc hít khói từ một cây trúc anh đào bị đốt bạn cũng có thể khiến bạn cảm thấy choáng váng hoặc bất tỉnh. Các triệu chứng phổ biến gồm thay đổi nhịp tim (đập dồn dập hoặc chậm bất thường), sự gia tăng nồng độ kali trong máu. Các bác sĩ có thể dùng một loại thuốc để bình ổn nhịp tim. Muốn loại bỏ chất độc ra khỏi hệ thống tiêu hóa, người ta thường tẩy ruột hoặc cho nạn nhân ăn than củi để hấp thu chất độc.
Tại những khu vực cận nhiệt đới ấm áp, trúc anh đào được trồng để trang trí công viên, các địa điểm công cộng và đường phố. Nó có thể sống trong điều kiện khô hạn và chịu được các trận sương giá không thường xuyên tới -10°C. Hoa trúc anh đào sặc sỡ, có mùi thơm và đó là lý do khiến nó được trồng rộng rãi. Tới nay các nhà khoa học đã đặt tên cho hơn 400 loài trúc anh đào. Hoa trúc anh đào có nhiều màu, trong đó phổ biến nhất là hồng và trắng. Ngoài ra chúng còn có màu tía, đỏ và cam. Một số giống còn có hoa kép. Mặc dù độc, song nước chiết từ lá trúc anh đào được dùng để trị sung huyết và các rối loạn da.
4. Cúc
Ảnh: khaivy.net. |
Có khoảng 100 tới 200 lòai hoa cúc. Chúng thường mọc sát đất và có thể phát triển thành bụi. Người ta trồng cúc ở các nông trại để xua đuổi thỏ vì hoa của chúng có độc. Mặc dù hàm lượng chất độc không lớn, nhưng nếu chạm vào hoa của chúng bạn sẽ cảm thấy ngứa, rát và vùng tiếp xúc có thể phồng rộp. Bác sĩ sẽ chỉ kê cho bạn một loại thuốc trị ngứa, bỏng hoặc dị ứng.
Cúc phân bố khắp thế giới, nhưng xuất hiện nhiều tại các vùng ôn đới và miền núi nhiệt đới. Đặc trưng phổ biến nhất của các loài cúc là kiểu kết cấu "cụm hoa". Các cánh hoa dài (hoa tia) tạo thành vòng ngoài, còn phần bên trong của cụm hoa được hình thành thành từ các hoa nhỏ với các cánh hình ống.
Theo y học cổ truyền, hoa cúc có tác dụng tán phong thấp, giáng hỏa, giải độc. Người ta cũng dùng làm thuốc chữa nhức đầu, chóng mặt, đau mắt, tăng huyết áp. Cháo thuốc từ hoa cúc có thể chữa đau mắt.
5. Đậu tía
Đậu tía xanh dương. Ảnh: flickr.com. |
Đậu tía có thể mê hoặc những người lãng mạn với những cành hoa màu tím, xanh dương, hồng hoặc trắng. Tuy nhiên, mọi bộ phận trên thân loài cây này đều có chất độc. Nếu ăn đậu tía, chúng ta có thể bị nôn mửa, chóng mặt, chuột rút, tiêu chảy.
Đậu tía có nguồn gốc từ Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Chúng mọc rất nhanh nên thường được coi là loài cây xâm lấn. Đậu tía ưa đất ẩm ướt và màu mỡ, nhưng chúng vẫn có thể sống ở đất cằn và thiếu ánh sáng. Chúng có thể leo tới độ cao 20 mét so với mặt đất. Cây đậu tía lớn nhất thế giới ở thành phố Sierra Medre, bang California, Mỹ có khối lượng 250 tấn, bao phủ một diện tích khoảng 1 ha.
Lá của đậu tía mọc xen kẽ và có chiều dài 15-35 cm. Hoa mọc thành cành với chiều dài 10-80 cm. Những loài có nguồn gốc từ châu Á nở hoa vào mùa xuân, trong khi những loài từ Mỹ nở vào cuối hè. Hoa của một số loài có mùi thơm ngát, đặc biệt là đậu tía ở Trung Quốc. Chúng có màu tím, hồng, trắng, tím phớt xanh. Người ta chưa từng nhìn thấy đậu tía có hoa vàng.
6. Mao địa hoàng
Mao địa hoàng hồng và trắng. Ảnh: redrocknursery.com. |
Nhóm cây bụi lâu năm thuộc họ hoa Mõm sói có cái tên và vẻ ngoài khá huyền bí. Mao địa hoàng có nguồn gốc từ châu Âu và hiện có khoảng 20 loài. Chúng có thể đạt chiều cao 1 mét và mọc hoa màu tím phớt xanh, hồng hoặc trắng dọc theo một thân chính. Một số loài có chấm bên trong hoa.
Nếu ăn bất kỳ bộ phận nào trong nhóm cây bụi này, bạn sẽ hứng chịu một số trục trặc ở tim sau các triệu chứng ban đầu như chóng mặt, nôn mửa, chuột rút, tiêu chảy, chán ăn và đau ở miệng. Lá và phần trên của thân có hàm lượng độc chất cao nhất và có thể gây tử vong. Bác sĩ sẽ phải đưa than củi vào dạ dày bệnh nhân để hút chất độc hoặc tẩy ruột và sử dụng một số loại thuốc để đưa nhịp tim của bạn về mức bình thường.
7. Tú cầu
Tú cầu màu lam. Ảnh: thegardenhelper.com. |
Tú cầu là một chi thực vật thân mộc có xuất xứ từ Đông Á, Nam Á, Đông Nam Á và châu Mỹ. Chúng có hoa vô tính. Ban đầu hoa có màu trắng, sau chuyển sang màu lam hoặc hồng. Màu hoa phụ thuộc vào độ pH của đất. Tú cầu ưa bóng râm và điều kiện ẩm thấp. Tất cả bộ phận của cây chứa độc tố. Bạn có thể đau bụng vài giờ sau khi ăn tú cầu. Các triệu chứng khác bao gồm: ngứa toàn thân, nôn mửa, mất sức, đổ mồ hôi, co giật, rối loạn tuần hoàn máu. Y học thế giới từng ghi nhận nhiều trường hợp hôn mê sâu do ăn tú cầu.
Điều đáng mừng là chúng ta đã có thuốc chống độc tú cầu. Nếu một ai đó ăn phải loài cây này, bác sĩ có thể kê một số loại thuốc để giúp nạn nhân trở lại trạng thái bình thường.
8. Lan chuông
Lan chuông trắng. Ảnh: doctorbg.com. |
Loài cây thân thảo sống lâu năm này (còn được gọi là linh lan) được nhiều người trồng làm cảnh vì những bông hoa hình chuông nhỏ của nó đẹp và có mùi thơm. Tuy nhiên, tất cả bộ phận của lan chuông đều có độc. Vấn đề không nghiêm trọng lắm nếu bạn chỉ ăn một cánh hoa hoặc lá, nhưng nếu ăn nhiều bạn sẽ bị nôn mửa, chóng mặt, đau miệng, co rút, tiêu chảy và quặn thắt ruột. Nhịp tim của bạn có thể giảm dần hoặc hỗn loạn.
Lan chuông có nguồn gốc từ những khu vực ôn đới mát châu tại Á, châu Âu và Bắc Mỹ. Lan chuông có khả năng tạo thành các cụm dày dặc nhờ các rễ ngầm dưới mặt đất (thân rễ). Vào mùa xuân các thân rễ này tạo ra rất nhiều chồi. Thân lan chuông cao 15-30 cm, với hai lá dài 10-25 cm và cành hoa bao gồm 5-15 hoa trên đỉnh ngọn thân cây. Hoa có màu trắng (ít khi hồng), hình chuông, đường kính 5-10 mm, có mùi thơm ngọt. Hoa nở vào cuối mùa xuân. Lan chuông có quả mọng màu đỏ, nhỏ với đường kính 5-7 mm.
V.L (theo Livescience)
Nguồn: http://www.vnexpress.net/GL/Khoa-hoc/2008/11/3BA08669/http://www.vnexpress.net/GL/Khoa-hoc/2008/11/3BA08935/
No comments:
Post a Comment