Bonsai là gì?
Nếu dịch sát nghĩa thì bonsai chỉ có nghĩa là cây trồng trong cái khay. Chữ Bonsai mới chỉ xuất hiện trong ngôn ngữ xứ Phù Tang từ vài thế kỷ nay. Bonsai có nghĩa là cây cổ thụ làm nhỏ lại, bắt chước theo thiên nhiên, chứ không có nghĩa là làm cây lùn đi hay do sự lùn di truyền.
Người Nhật ngày xưa có biệt danh là chú lùn, ngày nay do sự cải tiến dinh dưỡng, họ không còn lùn nữa nhưng họ có khuynh hướng làm cái gì cũng nhỏ lại do hoàn cảnh điạ lý, nhân mãn, không gian, đất đai hiếm... Cứ nhìn sản phẩm của Sony thì thấy càng ngày càng nhỏ lại, người máy (robot) cũng vậy.
Bonsai mục đích là làm nhỏ thiên nhiên cũng vì nhu cầu thưởng ngoạn cây cảnh mà không có phương tiện thường xuyên tiếp xúc với thiên nhiên. Có một ông Zeko Nakamura nghệ nhân Bonsai (bonsai artist, bonsai master) có hơn 1,000 cây bonsai trong sân sau, không cây nào cao quá 4 inches.
Do định nghĩa trên bonsai bao gồm cả lịch sử, nghệ thuật, khoa học và cả ý nghĩa về triết học.
Lịch sử Bonsai:
Nghệ thuật trồng tỉa và tạo hình các cây kiểng và cổ thụ làm nhỏ lại đã có ở Trung Hoa ít nhất từ thế kỷ thứ 7. Một vị thiền sư Nhật đã du nhập vào Nhật Bản vào thời đại Kamakura (1192-1333). Dựa theo các di cảo trong văn khố, bonsai được ghi nhận đầu tiên trong bức tranh cổ của thiền sư Honen. Một vở kịch Noh (Kabuki) nổi tiếng mang tên Hachi No Ki đã đề cập đến cây mận, cây đào và cây thông được trồng trong chậu. Vở kịch đó chứng tỏ nghệ thuật bonsai đã được ca ngợi trước thời đại Heian (794-1191).
Mãi đến thời đại Edo (1615- 1867), tên cũ của Tokyo, nghệ thuật trồng bonsai mới trở nên phổ thông, được nhiều người yêu chuộng và phát triển mạnh mẽ.
Để đáp ứng với nhu cầu quần chúng ham mê chơi bonsai, lần thứ nhất một cuộc triển lãm bonsai đã được tổ chức tại Tokyo năm 1914. Đến năm 1934, một buổi trình diễn bonsai khác được trưng bày tại Bảo Tàng Viện Nghệ Thuật Đông Kinh và tiếp diễn cho tới ngày nay.
Bonsai ngày xưa được coi như thú tiêu khiển của các nhà giàu có. Ngày nay, bonsai được nhìn nhận là một nghệ thuật, một thú vui nhàn nhã cho đại chúng, nhất là ở các đo thị lớn, ít gần gũi với thiên nhiên.
Bonsai là một nghệ thuật sống :
Sống về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.
Cái khác giữa sự thưởng thức một cây cảnh thường và thưởng ngoạn bonsai, là trong cây cảnh thường người ta tập trung nhiều hơn vào việc ngắm hoa và lá. Ở bonsai, sự thưởng lãm thường nằm ở vẻ đẹp của toàn cây và sự hòa điệu của cây với chậu cành.
Bonsai được coi là nghệ thuật sống vì nó đang liên quan đến thực vật còn đang sống. Nó là một hình thức nghệ thuật cũng như nghệ thuật hội họa và nghệ thuật điêu khắc.
Người họa sĩ đem vẻ đẹp của thắng cảnh lên khung vải, phương tiện của họ là màu sắc và sự khéo léo tinh xảo của bàn tay.
Người nghệ sĩ bonsai cũng vậy, họ tái tạo thiên nhiên bằng cách thu nhỏ lại nhưng chất liệu là cây thật, cũng dùng bàn tay khéo léo cộng với sự tưởng tượng phong phú.
Kết quả là cả hai đều có tác phẩm từ sự sáng tạo mà ra.
Nhưng tác phẩm của họa sĩ dừng lại tại đó.
Tác phẩm của nghệ sĩ bonsai vẫn chưa bao giờ hoàn tất, vì nó là tác phẩm sống và vẫn sinh trưởng. Vì thế tác phẩm bonsai còn phải qua bao nhiêu thăng trầm, thử thách, có thể tốt đẹp hơn hay xấu hơn, về lâu về dài, miễn là nó còn sống.
Tác phẩm bonsai cũng vô giá vì nó là một trong các bộ môn ưa thích của các nhà sưu tập. Truyền thống nước Nhật là các bonsai nổi tiếng đều thuộc các đại gia đình Samurai và daimyo (sứ quân) danh tiếng. Mỗi bonsai là một tác phẩm duy nhất (unique) không bao giờ có hai cây hoàn tòan giống nhau kể cả chậu. Bon sai được yêu chuộng và còn được kính trọng vì tuổi tác của nó. Bonsai còn là gia bảo của các vua chúa, lãnh chúa, các samurai thuộc các dòng họ lớn. Nhân dịp nước Hoa Kỳ kỷ niệm lễ Độc Lập 200 năm (Bicentenial), Hoàng gia Nhật có gửi tặng sưu bộ bonsai 53 cây, trong đó cây già nhất là cây thông trắng 350 tuổi và một cây thông đỏ 180 tuổi, lần thứ nhất bonsai Hoàng gia Nhật đi ra khỏi vườn Thượng Uyển và lần đầu tiên ra khỏi nước Nhật để qua làm quốc khách trên đất Mỹ. Năm 1998, chính phủ Nhật lại bổ túc thêm 7 cây bonsai nữa cho chẳn 60.
Bonsai nổi tiếng thì các nghệ sĩ bonsai cũng nổi danh như các họa sĩ, điêu khắc gia quốc tế. Họ không chỉ tạo bonsai mà còn tạo cho nó một đặc tính, một linh hồn. Bonsai không có hồn thì không còn là bonsai.
Dầu mắc đến đâu, bonsai cũng như bức tranh, giá trị nó không nằm trong chất liệu từ đó nó được tạo ra, mà giá trị do nó mang lại sự sảng khoái tâm hồn cho người ngắm nó.
Bonsai và giá trị triết học:
Người chơi bonsai có một nhân sinh quan và một vũ trụ quan cao hơn mức độ bình thường.
Việc đem thiên nhiên thu nhỏ vào chậu với những đặc tính cao đẹp của nó cũng đã đòi hỏi một trình độ thưởng thức cao. Nhìn một cây bonsai với dáng dấp gió quất ngả (windswept style) ta tưởng tượng như đang ngắm một cây thông ngoài thiên nhiên, cang cường chống chọi với dương gió bão tố, khí hậu bất trắc, nói lên các đặc tính cao cả hiếm có của các "lão tướng" vẫn phấn đấu dẫu phải trơ gan cùng tuế nguyệt.
Người chơi bonsai còn tạo cho mình một tâm hồn yêu thiên nhiên, biết trọng cái đẹp của thiên nhiên và biết hòa mình vào thiên nhiên. Cái hòa nhịp (harmony) đó làm cho đời sống được quân bình giữa những bon chen, ô trọc... Ngay cách tưới bonsai cũng là một triết học, ta không thể tưới ào ào như tưới cây cảnh thường trong chậu sâu, mà mỗi lần một ít đợi cho nước thấm rút rồi mới tưới tiếp, thời gian đó rất bổ ích cho sự quán tưởng các định luật sinh tồn, đến vòng sinh hoá của trời đất, tương quan giữa con người và thiên nhiên, tạo nên một sự giao cảm giữa người và cây qua sự săn sóc trìu mến, nâng niu.
Vô hình chung người chơi bonsai tạo được đức tính thâm trầm, nhẫn nhục, biết yêu thương, tha thứ và có tâm hồn nghệ sĩ.
Bonsai là một khoa học:
Người yêu bonsai, ngoài sự đòi hỏi trình độ thưởng ngoạn, cũng cần phải có kiến thức tối thiểu về thực vật học, về hóa học, vật lý học, quang học và tính kiên nhẫn.
Biết về thảo mộc học sẽ gíup ta chọn cành cây thích hợp cho hòan cảnh sinh sống, cách nuôi dưỡng và săn sóc theo mùa.
Nắm được căn bản về kỹ thuật tạo hình, thay chậu, quán giây, bón phân, pha trộn đất sẽ giúp cây được lành mạnh, tiếp tục sinh trưởng và không bị chết (nhất là các cây đắt tiền).
Phân biệt Bonsai và Penjing:
Tại National Arboretum ở Washington D.C. còn có một bộ sưu tập khác do chủ một ngân hàng ở Hồng Kông, ông Yee Sim Wu tặng chính phủ Mỹ vào năm 1986. Sưu bộ mới này gồm 31 cây bonsai (tiếng Trung hoa gọi là Penjing) từ 15 đến 200 tuổi.
Đặc điểm là bộ sưu tập Penjing vô giá trên các chậu xứ đều là đồ cổ quý giá, không gì thay thế nổi. Một trong các chậu đó là một chậu xứ 300 năm hình chữ nhật màu xanh lục xen men trắng xuất phát từ tỉnhQuảng Đông, Trung Quốc. Cây cảnh thì có cây bông lài màu cam hơn trăm tuổi, cây trà Phúc Kiến, thông Quảng Đông...
Cũng là cây thu nhỏ, cái khác nhau giữa Penjing và Bonsai nằm trong đặc tính địa lý, thẩm mỹ và triết lý.
Penjing là cái nhìn từ ngoài nhìn vào. Thường Penjing đi với đá, tượng tháp hoặc chùa kèm với cây cảnh.
Bonsai là cái nhìn từ bên trong nhìn ra. Bonsai tạo nên mộ sự tĩnh lặng, sự trang trọng của một khu rừng già, sự tinh khiết của một khe suối, và vẻ quắc thước hoặc thướt tha của một thân cây, một cành cây có một linh hồn, trong bonsai không dùng các hình tượng (figurine) để phát biểu, bonsai thích kèm rêu và đá để tạo quân bình (accent).
Trong Penjing, ảnh hưởng khá rõ rệt của các trường phái hội họa trong các bức tranh cổ của giới nho gia (literaci) Trung Quốc.
Penjing thường chú trọng của đặc tính của thân và cành, lá chỉ là phần phụ. Penjing dùng chậu sâu nhiều hơn.
Trong bonsai, người Nhật cố gắng trong việc "chụp hình" được toàn thể cây kiểng trong dạng thu nhỏ hoặc tí hon - nhưng vẫn phát biểu được sự đáng kính về tuổi tác- với toàn thể rễ, thân, vỏ cây cũng như các cành rũ và lá. Bonsai dùng chậu cạn, những mảnh đá lõm hoặc bằng phẳng, chỉ có loại có dạng thác đổ (cascade) là bắt buộc phải dùng chậu sâu vì nhu cầu cân đối thẩm mỹ và đứng vững.
Điểm tương đồng giữa Bonsai và Penjing là cả hai tìm cách thu nhỏ cây lại qua cách tập luyện riêng rẻ hoặc từng nhóm. Kết quả không thực sự thu nhỏ toàn thể vì hoa và trái vẫn giữ vóc dáng bình thường, chỉ có lá là nhỏ hơn thôi.
Vì thế các loại cây kiểng có lá nhỏ đẹp, nhỏ nhắn mọc sát nhau và cành có dáng dấp đẹp là các loại lý tưởng để tạo thành bonsai và penjing.
Ngoài các yếu tố trên, nên chọn các cây có khả năng phát triển trong chậu cạn và khả năng "chịu trận" qua sự cắt xén liên tục từ rể đến ngọn.
Các cây bonsai nổi tiếng làm từ các danh mộc cao nhất thế giới như cây sequoia (redwood), bald cypress...
Các loại cây Việt Nam có dáng bonsai đẹp tự nhiên là cây me, cây bông giấy, cây cỏ trúc, cây sung, cây cùm nụm, cây liễu rủ...
Có lần tôi mang một "đứa con" đi triển lãm với Liên hội Bonsai vùng Potomac. Tôi làm một cây bonsai bằng cây chuối con, để y các lá khô cho có vẻ "cao niên", thêm rêu nhung , để một con ngựa màu bích ngọc (emerald) trong xanh, và một cục đá Atacamite xanh vân trắng có bệ gỗ của Đại Hàn. Trước sự ngạc nhiên của tôi, các hội viên và quan khách thi nhau chụp hình cây chuối, họ bảo chưa thấy bao giờ, khi họ tìm hiểu tuổi của cây bonsai, tôi trả lời: "Một tuổi ". Họ phá lên cười vì đa số các cây khác đề trên 10 tuổi. Thì ra người Mỹ họ biết chuộng tuổi tác của cây, nhưng tuổi tác của cha mẹ thì họ quăng vào nhà già, nursing home...
Phân loại Bonsai:
Bonsai có thể chia ra làm ba loại chính về nguồn gốc:
1. Bonsai thiên nhiên
2. Bonsai nhân tạo
3. Bonsai do sự trồng tiả từ hột hoặc cắt tháp nhánh.
1. Bonsai thiên nhiên:
Loại Bonsai này thường thấy mọc trong các kẽ đá trên núi cao, hoặc nơi các ghềnh đá dựng cheo leo dọc bờ biển trên các hosng đảo. Thường trên các cuộc đất rất khô khan và nghèo về dinh dưỡng, thế mà nhiều cây sống đến vài thế kỷ tuy chỉ cao có vài feet, mang đầy đủ các đức tính hiếm có và đáng kính của các "lão tướng".
Muốn sưu tập loại Bonsai này không phải dễ, nhiều người đã bỏ mạng trên các ghềnh đá chơ vơ.
Làm thế nào để bứng các cây bonsai đó mà không làm thiệt hại rễ? Làm thế nào để cây đem về được thích nghi với môi sinh mới? Nhiều cây bonsai thiên nhiên đã quen dạn dày sương gió, khi về nhung lụa vẫn chết vì "nhớ"mây nhớ nước, nhớ cảnh hùng vĩ, nhớ cả bão tố khí hậu hung tàn...
Nước Nhật cổ bao trùm bởi những huyền bí, cái gì cũng biến thành đạo, từ Thần đạo (Shinto) đến Võ sĩ đạo (Bushido), Kiếm đạo (Genko), Hiệp Sĩ đạo, Trà đạo, Hoa đạo... và họ tin là có các vị thần núi bảo vệ các cây cổ thụ, muốn mang về phải làm lễ bái không thì bị thần xô rớt xuống núi.
Ở Việt Nam , tôi vẫn thương nghe những người khai thác lâm sản nói, những người còn trẻ không nên nằm trên giường gõ hay divan bằng cây cẩm lai, gỗ nu vì các loại danh mộc đó thường sống trên trăm năm, nằm lên sẽ bị giảm thọ.
Tôi lại nhớ ở quê tôi có ông nhà giàu - ông Tám Mộng - nổi danh về chơi kiểng. Ông chuyên mướn người đi bứng các cây mai dại già trên 50 tuổi. Cách bứng khá công phu vì phải đào trước một bên nửa gốc đổ đất tốt trộn phân rồi bó rễ lại. Để ba tháng sau cho rễ nuôi mọc rồi mới làm y như vậy phân nữa gốc kia. Đợi thêm 3 tháng nửa mới bứng về để trồng trong các chậu khổng lồ. Ngày nay ông đã bị nhà nước tịch thu tất cả và biến ông thành một người làm vườn- giống như vua Phổ Nghi trong phim The Last Emperor - có phận sự săn sóc cây kiểng của mình cho khách ngoại quốc thưởng lãm (nhà ông thì bị xung công dùng làm cư xá vãng lai tiếp rước ăn ở cho các phái đoàn ngoại giao). Cái lạ là ông tìm được một hạnh phúc nào đó trong việc được nhà nước cho phép ông tiếp tục săn sóc các đứa con, tác phẩm tinh thần của ông.
Các loại Bonsai thiên nhiên nhiều và đẹp nhất nước Nhật thường nằm trên các đảo phía Bắc đảo Hokkaido, ngày lại là quần đảo Kuriles bị Nga sô chiếm đóng. Trên các ghềnh đá các loại Tùng (Juniper), Thông đỏ, Thông đen, Sargeant Juniper, Ezo Spruce...là các loại đẹp nổi tiếng để làm bonsai.
2. Loại Bonsai nhân tạo:
Có hai loại : từ cây giống thông thường trong các trại cây (nurseries) hoặc từ các giống kiểu được sưu tầm.
a. Cây giống thông thường:
Cây giống già từ 3 đến 10 tuổi là cỡ dễ tạo hình bonsai nhất. Hai loại cây thông dụng là loại lá xanh muôn thuở (evergreen) và loại cây lá đổi màu theo mùa (deciduous).
* Loại cây xanh phần lớn có dáng chóp nhọn (conifers) gồm các loại thông, tùng, bách, trắc, các loại Đỗ Quyên (Azalea và Rhododrendron...). Họ thông điển hình là Thông trắng, Thông đen, Thông đỏ, Larch, Fir, Spruce, Five Needle, các loại thông cypress thì có Bald Cypress, Hanoki Cypress...
* Loại cây lá đổi màu có cây Phong Nhật, Anh Đào (Cherry), Bích Đào (Quince), loại Peach cho hoa, cây Mơ (Apricot), các loại mận Đalạt (Plum), và các loại Crabapple... Tất cả các loại kể trên đều có cành rất dễ uốn nắn, đưa vào chậu mùa thu là tốt nhất. Thường bắt đầu với chậu nhỏ để rễ được "làm quen" với sự phát triển trong môi sinh mới. Chậu càng cạn càng tốt, lá sẽ nhỏ lại dần dần sau mỗi lần sang chậu.
b. Các giống hiếm sưu tầm:
Nhóm này gồm các cây đào lên từ thiên nhiên đem về cắt xén, cho vô chậu, nếu cần quấn dây huấn luyện nó theo hình dáng hoàn cảnh mới.
Đối với những cây có dáng bonsai tự nhiên, việc tạo hình dễ thôi, chỉ cần một giây đồng và vài sự thay đổi nhỏ trong ba tháng là thích nghi và ổn định với vóc dáng mới.
Đối với các cây mà rễ đã bị hư hại nặng lúc đào xới cần được săn sóc cẩn thận hơn, nhất là vào đầu mùa hè đầu tiên khi khí hậu nóng và khô. Thường thường thì tiêu chuẩn bonsai là không được cao quá 3 feet, nếu cần phải hy sinh cắt bỏ bớt, nếu tiếc thì sẽ không còn là bonsai mà thành cây cảnh thường.
3. Loại Bonsai gầy từ hạt giống hay cắt cành:
Đây là một trong những cách công phu và hào hứng nhất trong nghệ thuật chơi Bonsai vì chúng ta "đẻ" ra tác phẩm từ đầu và nuôi nấng qua thời gian.
Nếu hạt giống được gieo trong chậu cạn dưới 4 inches, rong vài năm cây sẽ mọc thấp như một vạt rừng nhỏ, cây cắt từ các cành cắm xuống cũng tạo được hình ảnh một cánh rừng thưa tương tự.
Các giống cây điển hình tạo Bonsai từ hạt giống đáng kể là các cây phong Nhật, cây Birch thân trắng (Bạch Đàn), cây Beech, cây lựu, cây sung, cây Ezo Spruce, các loại Thông, Tùng, Bách, Trắc, Wax tree, Lacquer-tree, Maidenhair tree, Zelkowa ...
Khi các cây on đã thành hình, chúng có thể chuyển qua chậu cạn riêng rẽ hay từng nhóm. Cứ mỗi hai năm lại sang chậu lớn hơn một chút, cứ thế sang chậu độ 2 hoặc ba lần là được.
Nếu lá non mọc quá thừa thãi, đừng tiếc mà phải ngắt bỏ đi cũng như các cành quá dài cũng phải cắt xén bớt, nếu thương tiếc thì dần dần sẽ mất dạng Bonsai mà trở thàng cây kiểng thường. Có các loại không nên ngắt đọt non là Đỗ Quyên (Azalea), Rhododrendron, Ankranthris, Hồng (Persimmon) , Quince, Lài (Jasmine), Fringe tree, Crabaple... vì nụ hoa nằm trên ngọn chuẩn bị nở cho mùa xuân năm sau.
Riêng cây liễu rũ và cây Tamarise được huấn luyện theo cách hay nhất là tất cả các cành mới đều bị cắt bỏ đi giữa mùa xuân. Như vậy khi các cành non mọc lại, nó sẽ trở nên mảnh khảnh, yểu điệu và thanh thoát hơn.
Bonsai còn đẹp nhờ trổ hoa vào mùa xuân, đổi màu lá cho trái vào mùa thu. Có lần tôi đang quay phim và chụp ảnh cây Quince đang mang trái, có ba bà Việt Nam tưởng tôi là Nhật hay Đại Hàn, nên bà này bảo bà kia :"Đào tiên đấy, lén hái ăn sẽ trẻ lại vài chục tuổi"... Cây Đào đó trên 150 tuổi của vua xứ Maroc tặng nước Tạp Chũng Quốc.
Các dạng Bonsai :
Tạo hóa là một nghệ sĩ tuyệt luân. Mỗi dạng cây ngoài thiên nhiên đều mang nét độc đáo với vẻ đẹp hiên ngang, hùng dũng hay ẻo lả của nó.
Cố gắng của người nghệ sĩ Bonsai là tái tạo lại toàn bộ dạng cây trong một mô thức nhỏ bé nhưng phải lột tả hết tất cả những đặc tính của thiên nhiên, cộng thêm với phần sáng tạo qua sự họa kiểu dựa theo đường nét, khối lượng, sự cân bằng của thị giác và thị hiếu trong một không gian ba chiều. Tất cả được tuân theo các quy luật thật tinh tế và khéo léo để đạt đúng nghệ thuật Bonsai: đẹp, dễ nhìn và có hồn.
Bonsai có quy luật của nó, bất cứ dạng thức nào cũng đều nằm trong một tam giác vô hình. Bonsai được tạo để nhìn từ trước chứ không phải nhìn từ chung quanh nên các cành từ phía sau phải nhiều hơn để tạo nên chiều sâu, ngược lại không có cành chỏi về phía trước chỗ người đứng ngắm nó. Các cành được cắt bớt theo lối xen kẽ tạo nên một sự hòa hợp nhịp nhàng với thân, dạng cánh rừng chỉ được dùng số cây lẻ...
Tuy Bonsai có quy luật, nghệ nhân Bonsai không bắt buộc phải cứng nhắc, mà họ có thể "phá cách" như trong thi họa, miễn là nó theo sát đường nét không chỏi lại toàn bộ và không "lạc điệu" làm mất vẻ thẩm mỹ.
Nói chung các dạng Bonsai được phân loại (categorize) theo dạng thức dựa trên yếu tố chánh là thân cây, do đó dạng Bonsai được đặt tên theo dáng diện của thân cây. Có tất cả từ 30 đến 40 dạng Bonsai:
a. Dạng một thân: (Single trunk Style)
Gồm các dạng thẳng đứng theo kiểu cổ điển, thẳng đứng kiểu tự do, dạng thân trên gỗ mục (driftwood), dạng gió rạp (windswept) , dạng rễ mọc trên đá (root over rock), dạng rủ (weeping), dạng thác đổ (cascade)... Mỗi dạng trên lại chia ra các dạng phụ.
b. Dạng đa thân: (multiple trunk style)
Hai, ba hoặc cánh rừng nhỏ. Các dạng đa thân còn chia ra tiểu loại như loại trồng trên đá hoặc loại trồng thắng cảnh (landscape).
Dẫu dưới dạng thức nào, chúng ta nên nhớ là Bonsai chỉ có một ngôn ngữ chung: phát biểu một ý thức nghệ thuật để lại những ấn tượng quý mến lâu dài trong trí người thưởng lãm.
Nên nhớ ngoài cách phân loại trên có những cây Bonsai không được xếp loại vì hình dáng độc đáo, ví dụ cây họ palm, cây chuối...
Cách nuôi dưỡng và săn sóc Bonsai:
Bonsai, cũng như Lan rất dễ trồng nhưng rất khó giữ nếu chúng ta trồng không đúng cách và không có thì giờ săn sóc. Bonsai càng khó hơn Lan vì cách trồng trong châu cạn, đất rất mau khô. Phân bón nhiều quá cây se mọc um tùm mất dạng Bonsai, phân ít, cây không đủ dinh dưỡng sẽ chết. Nước và ánh sáng cũng thế, cái gì cũng vừa đủ không thừa không thiếu.
Chậu Bonsai:
Một trong các yếu tố quan trọng nhất sau chính loại cây được chọn là chậu. Chậu phải thích hợp với loại cây, chậu tròn, chậu vuông, chậu hình chữ nhật, hình đa giác, hình bầu dục. Màu sắc của chậu phải đồng điệu với cây tạo thêm sự duyên dáng cân bằng với cây. Nếu cây có dáng cổ thụ mà chậu thì "trẻ" quá cũng thiếu "môn đăng hộ đối".
Có một chuyện vui về Bonsai là một du khách Mỹ đến trại cây mua một Bonsai, sau khi đồng ý giá cả, người Mỹ trả tiền ngay. Nhưng khi vừa bước chân ra khỏi cửa người bán hàng mới nhận ra giá bán chỉ tương xứng với cây Bonsai mà thôi, ông bèn chạy theo đòi tiền cái chậu; trước sự ngạc nhiên của người bán hàng, người Mỹ quay lại nhổ trả cây Bonsai và quay lưng bước nhanh với cái chậu trên tay... Câu chuyện thì có ý chê bai người Mỹ nhưng đáng để chúng ta ngẫm nghĩ, vì trong các cuộctriển lãm Bonsai tôi có quan sát, các chậu đựng Bonsai nhiều cái là đồ cổ trên trăm năm.
Ngoài chậu đựng, Bonsai còn phải đi kèm với rêu, nó tạo nên sự cổ phong và người Nhật thường thích để đá đẹp chung với Bonsai hoặc để riêng bên cạnh để tăng lên sự nhịp nhàng (accent) của cây.
Rêu thì có nhiều loại nhiều màu khác nhau: đa số rêu nhung xanh là thông dụng hơn cả; tôi đã được thấy tận mắt rêu vàng, rêu nâu, rêu vàng đỏ, và có lần cả rêu màu tím thật lãng mạn.
Một cây Bonsai đẹp phải phơi cả rễ, có cây rễ phủ quanh cục đá (on the rock). Nếu một cây Bonsai mà gốc "cấm dùi" thẳng vào mặt đất thì chẳng còn gọi là Bonsai được.
Như đã đề cập ở trên, môi sinh của Bonsai không được giàu quá cũng không nên nghèo quá. Trong kỹ thuật Bonsai hình như hai chữ "quân bình" và "hòa điệu" (balance and harmony) là luôn luôn phải được nghĩ đến trước khi, đang lúc và sau khi hoàn thành một cây Bonsai có tầm vóc.
Trong khuôn khổ của bài này tôi chỉ có thể tóm lược mà không thể nào đi sâu vào chi tiết kỹ thuật pha trộn đất, cắt rễ, quấn giây. Nó đòi hỏi chúng ta phải theo các lớp huấn luyện chuyên biệt về Bonsai. Muốn đạt nghệ thuật Bonsai phải thực hành, vọc tay càng nhiều càng khéo, trăm hay không bằng tay quen chỉ đúng một phần, phải thêm trăm hay không bằng hên. Cách hay nhất là gia nhập một hội Bonsai địa phương, hiện có trên khắp các thành phố lớn, họp hàng tháng để thực hành kỹ thuật Bonsai, có diễn giả khách được mời (guest speaker) để thuyết minh và phê bình từng dạng thức (style) được thực tập, dần dần, tham gia triển lãm liên hội vùng và triễn lãm quốc tế.
Cách pha trộn đất trồng Bonsai:
Một hỗn hợp pha trộn đất trồng Bonsai chung chung cho mọi thứ là: 3phần đất thịt (loam) + 1 hay 2 phần cát thô hay perlite + 1phần lá mủn hay Peat moss + 1/2 phần phân chuồng (cow manure) + 1/2 thức ăn bằng xương nghiền nát (bone meal). Không bao giờ dùng potting soil pha chế sẵn.
Ngoài ra tùy loại cây chịu acid hay loại cây chịu tính kiềm mà chúng ta nên thêm vôi vào hổn hợp.
Nước và ánh sáng chiếm phần quan trọng còn lại trong việc săn sóc Bonsai.
Thường Bonsai loại xanh muôn thuở (evergreen), loại thông (coniferous) đều thích ở ngoài trời, tưới bằng vòi nước cho thật ướt cả cây lẫn đất.
Loại theo mùa (deciduous) cần phải đem vào nhà vào mùa đông. Để lên một cái khay tưới thật chậm, đợi cho nước thấm rồi lại tưới nữa, vừa tưới vừa "quán niệm" cho đến khi nào thấy nước chảy tràn ra khay hãy thôi.
Những người theo trà đạo thiền tập có thể áp dụng bài quán niệm hơi thở của thầy Nhất Hạnh:
Thở ra thở vào
Là hoa tươi mát
Là núi vững vàng
Nước tĩnh lặng chiếu
Không gian thênh thang
Kết luận: Bộ môn nghệ thuật nào cũng vậy, không thoát khỏi vài vấn nạn. Có người cho là ép buộc cây đang tăng trưởng bị sống gò bó chật hẹp trong một cái chậu đẹp, rồi con bị quấn giây để tạo hình tạo dáng là ác độc đối với cây. Phe chống này điển hình là phim Karate Kid III trong đó ông Pat Morita bắt buộc đệ tử phải leo ghềnh thác cheo leo để trả cây về với môi sinh thiên nhiên; hay nhà văn Quí Thể với "Cây Cổ Thụ Lùn" đề nghị đem trồng bonsai ra đất để có bóng mát.
Phe mê Bonsai thì biện hộ là cây làm Bonsai được chăm sóc ưu ái, được chiều chuộng, được ngưỡng mộ, được coi như gia bảo, được coi là quốc bảo làm tặng vật giữa quốc gia và quốc gia. Vì thế có cây sống cả hàng mấy thế kỷ, nếu để ngoài thiên nhiên cây có thể đã chết từ lâu rồi.
Cây ơi cây, ước gì cây biết nói để loài người nhiều chuyện thôi cãi nhau nữa, và để cho các nghệ nhân Bonsai được bày tỏ lòng ưu ái, thương mến cây một cách tự do mà không bị ai trách móc, và được thực hành "nghệ thuật sống" cho quả đất này tròn hơn , vui hơn.
Thái Thụy Vy
(Hội viên Northern Virginia Bonsai Society)
No comments:
Post a Comment