“Lơ thơ tơ liễu buông mành,
Con oanh học nói trên cành mỉa mai”
Trong các biểu tượng của phái yếu hay của một người thiếu nữ đẹp thì có lẽ cây liễu đã chiếm một vị trí độc nhất vô nhị. Chẳng thế mà các văn nhân thi sĩ đã có biết bao cách diễn tả đề cập đến người đẹp lấy từ hình ảnh của cây liễu như: Liễu yếu đào tơ, mày liễu mặt hoa, vóc bồ liễu, gầy như liễu cho đến cả hoa tường ngỏ liễu...
Người xưa thường ví cây liễu như người thiếu phụ đẹp, thướt tha yểu điệu như những nhánh liễu rũ dài xuống mặt hồ.
Chương đài liễu
Chương đài liễu
Tình vẫn rũ như xưa,
Lá vẫn xanh ngày trước
Hay là tan tác ở tay người...
Tương truyền ngày xưa Hàn Dực có người ái thiếp là Liễu Thị, xinh đẹp tuyệt vời, tình nghĩa vợ chồng rất là tương đắc. Chẳng may trong cơn loạn lạc, Liễu Thị bị thất tán, Hàn Dực đau khổ vô ngần nên đã sáng tác khúc Chương Đài Liễu nói lên sự nhớ thương ray rứt không nguôi của một mối hận tình. (Dương Liễu Thanh Thanh –Quỳnh Dao). Một tình sử bi đát khác cũng nhắc đến cây liễu. Đời Chiến Quốc một nho sĩ nước Tống tên là Hàn Bằng có người vợ là Hà Thị rất đẹp, hiếm có trên đời. Vợ chồng thương nhau tha thiết. Chẳng may gặp Tống Vương một kẻ hiếu sắc, tìm cách hảm hại và giết Hàn Bằng đi để chiếm đoạt lấy người vợ. Hà Thị vì quá thương chồng mà chết thảm, lại cũng muốn bảo toàn trinh tiết nên đành chọn lấy cái chết để lại lời cuối xin được chôn chung một huyệt với chồng. Vua Tống tức giận và vốn là một kẻ hẹp hòi đã không nhìn thấy cái lỗi của mình lại còn dùng uy quyền bắt phải chôn táng cách xa nhau. Ít lâu sau, dân địa phương thấy ở hai nấm mộ mọc lên hai cây liễu xanh tốt cành lá quấn quít nhau, trên liền cành dưới liền rễ (Chinh Phụ Ngâm Khúc).
Người thiếu nữ, theo quan niệm thẩm mỹ xưa, luôn luôn có vóc dáng gầy yếu, thướt tha gần như đứng không vững, không chịu nỗi gió rét phong sương. Cũng như cây liễu đến mùa thu hay chớm đông bắt đầu rét lạnh là lá trở nên vàng úa, rụng tả tơi chỉ còn trơ lại cành gầy. Cổ nhân vẫn thích người đẹp có vóc gầy như liễu hay vóc bồ liễu là vậy. Dân Á Đông ta thường có đôi mày đẹp phải dài, hơi cong và nhọn vót như hình lá liễu gọi là liễu my. Một thi nhân đời Đường là Bạch Cư Vị nổi danh với bài Trường Hận Ca, đã ca tụng vẻ đẹp khuynh quốc của Dương Quí Phi với những vần thơ diễm tình, ví mặt của giai nhân như hoa phù dung chớm nở, mày của nàng còn đẹp hơn lá liễu non.
Ao Thái Dịch, phù dung sớm nở,
Tựa mặt nàng trong thuở gần vua
Vị ương Cung vẫn như xưa,
Thướt tha rặng liễu, là thua mày nàng.”
(Tô Giang Tử dịch)
Liễu vốn là một thứ cây đẹp, thân cành gầy ốm nhưng những nhánh liễu thì lại xanh tươi, rũ thẳng dài xuống đến mặt đất như suối tóc của một thiếu phụ trẻ đẹp. Màu xanh non tươi mát của lá liễu để đem đến cho ta một cảm giác thanh thản nhẹ nhàng lâng lâng sảng khoái với cỏ cây trời nước. Còn nhớ lại vào lúc tuổi hoa niên, nhân một cuộc viếng thăm triển lãm hội hoạ, đã bàng hoàng ngây ngất trước một bức tranh vẽ tuyệt đẹp gần như man dại của danh hoạ Claude Monet nổi danh với lối vẽ ấn tượng. Bức hoạ một màu xanh nhạt, ở giữa nổi bật một chiếc ao hoang dã. Hai bên bờ cỏ dại mọc lan tràn xen kẻ với những khóm liễu thướt tha xanh mướt. Các nhánh liễu mềm mại san sát chảy dài xuống tận đến bờ ao giống như một bức rèm thưa. Mặt ao nhiều khoảng phủ đầy những lá súng tròn vạch, to nhỏ trãi phẳng đều trên mặt nước. Các hoa súng màu trắng, vàng, đỏ hay tím nhạt nhô cao lên, lạnh lùng phô trương màu sắc tươi thắm. Một chiếc cầu gổ kiểu Nhật Bản, cong cong hình bán nguyệt có lan can xanh, bắt ngang qua ao tạo thành một phong cảnh thiên nhiên tươi mát, làm người xem đứng nhìn mãi quên thôi. Giá vì mình có được bức hoạ nầy để treo giữa phòng đọc sách thì thật là hào hoa trang nhả.
Nơi quê nhà, liễu thường trồng được ở cạnh bờ hồ, các nhánh liễu lơ thơ buông dài xuống đến tận mặt nước tạo thành một phong cảnh u nhả hữu tình cho khách nhàn du. Gió mát từ mặt hồ thổi vào, các nhánh liễu mềm mại lã lơi giao động. Thật là: ngỏ hạnh đầy hoa, ven hồ rũ liễu làm cho ta cảm thấy ồn thơ lai láng, chợt nhớ đến cảnh đẹp thiên nhiên tươi thắm của Bích Câu Kỳ Ngộ:
“Xanh xanh dãy liễu ngàn thông,
Cỏ lan lối mục, rêu phong dấu tiều”.
Hay muốn bắt chước anh chàng Đoàn Dự của Kim Dung Tiên Sinh, vốn là một lãng tử đa tình, say đắm tất cả vẻ đẹp của tạo hoá, sảng khoái trước cảnh đẹp thơ mộng của trời đất mà cao hứng ngâm nga:
“Trường Giang từng đợt sóng giồi,
Ngẩn ngơ bờ liễu lơ thơ mấy hàng
Bốn bề xa vắng thôn trang,
Phất phơ hoa hạnh, ánh dương tà tà”
(Thiên Long Bát Bộ Kim Dung)
Có chăng là chỉ tội cho người thiếu phụ trẻ mõi mắt trông chồng ở tận chốn xa xôi. Nhìn thấy hàng dương liễu màu sắc xinh tươi mỗi độ xuân về như những cặp vợ chồng son trẻ, gợi lại niềm khao khát ái ân mà chạnh lòng hối hận đã lỡ xúi giục chồng đi tìm bả vinh quang ở chốn kinh kỳ.
“Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mạch phong hầu.”
“Nhác trông vẽ liễu bên đường,
Phong hầu nghĩ dại xui chàng kiếm chi”.
(Vương Vương Linh- Tản Đà dịch)
Hay trong Chinh Phụ Ngâm:
“Lúc ngoãnh lại ngắm hàng dương liễu,
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong”.
Tôi mỉm cười thả tầm mắt nhìn xuống thành phố Paris, con sông Seine uốn khúc lửng lờ, nhà cửa san sát, cao ốc ngập trời. Đêm đêm, ánh đèn màu chiếu sáng tràn ngập huy hoàng, xe cộ ồn ào náo nhiệt. Tôi đang sống với một bối cảnh hoàn toàn trái ngược với mơ ước của tuổi hoa niên. Cái mơ mộng một căn nhà nhỏ mộc mạc đơn sơ ẩn dưới mấy khóm liễu lơ thơ cạnh bờ hồ. Những lúc nhàn rỗi, ngồi đọc Đường Thi, uống trà xanh, hưởng thú thanh nhàn dưới rặng liễu la đà, màn gió bạn trăng. Chỉ cần tìm được một giai nhân gầy như liễu, đẹp như tranh, chịu chia xẽ lối sống thanh đạm, mộc mạc nầy với tôi thì thật là mộng ước ba sinh được toại nguyện rồi đâu còn dám mơ ước gì đến chuyện Thiên Thai khác nữa. Lúc còn trẻ có người bảo tôi, cuộc đời như bóng bạch câu bay ngang qua cửa sổ. Tôi chỉ mỉm cười cho là một loại sáo ngữ, nói cho văn hoa tao nhả. Nhưng ở vào tuổi gần đất xa trời, tôi mới nhận thức được rõ ràng cuộc đời thật đúng là một giấc mộng kê vàng. Mới ngày nào đây còn mơ ước một căn nhà nhỏ với giai nhân, dưới rặng liễu cạnh bờ hồ, nay thì đang trôi nổi ở xứ người, “nỗi sầu như tóc bạc cứ cắt rồi lại dài ra”, không biết đến bao giờ mới được như chiếc lá rụng về cội. Xứ người như núi bạc sông vàng, đời sống xa hoa vật chất quá đầy đủ. Chả thế mà bao nhiêu người trai trẻ cả Á lẫn Phi, đã không ngần ngại liều mình như những con thiêu thân, liều bỏ tất cả ngay cả mạng sống của mình để tìm cách vào cho được cái thiên đàng vật chất ảo tưởng nầy. Còn tôi, thì sao lòng vẫn cảm thấy man mác gợi sầu, mơ ước ngày xưa đôi khi chập chờn trở lại, chỉ muốn trở về với lối sống Á Đông, an nhiên tự tại của các bậc tiền bối ẩn vật, dưa cải tương chao, cơm canh đạm bạc. Vào lứa tuổi bóng sắp ngã chiều nầy, tôi thật thấy thèm thuồng một cuộc sống tâm linh thoải mái, bình dị hoà mình với cảnh vật thiên nhiên. Tâm hồn được thanh thản hơn, mặc tình đọc sách, đọc thơ hay nghiền ngẫm kinh điển của nhà Phật, giữ sao cho tinh thần toàn vẹn để vui với tính trời. Nơi quê nhà chắc vẫn còn những chiếc hồ hoang dã, làng xóm hiền lành để tôi có thể trồng một vài hàng liễu rũ, cất một gian nhà lá mộc mạc, giữa vài khóm trúc xanh lưa thưa. Còn giai nhân liễu yếu, đào tơ thì thật bây giờ tôi không dám nghĩ đến nữa, chỉ mong may mắn tìm được một người bạn già đồng thanh, đồng khí để chuyện trò tiêu dao ngày tháng. Mơ ước thật đơn giản nhưng không biết tôi còn có cơ hội để thành toàn được chăng, khi đất nước vẫn còn lặn hụp trong làn sóng đỏ mịt mờ, quê hương vẫn còn chìm đắm trong bóng tối dầy đặc, “Đêm Giữa Ban Ngày”.
Hà Ngọc Bích
No comments:
Post a Comment